A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thế giới ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền

 

QPTĐ-Việc Trung Quốc đưa nhóm tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 đi sâu vào vùng biển Nam biển Đông, thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam cho thấy Trung Quốc đã phớt lờ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và vi phạm các quyền chủ quyền hợp pháp của Việt Nam. Với tư cách là quốc gia ven biển, Việt Nam được UNCLOS ghi nhận có thẩm quyền riêng biệt, mang tính chất đặc quyền đối với các nguồn tài nguyên ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. 

 

 

Vấn đề biển Đông được thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) tại Bangkok, Thái Lan.  

Ảnh: TTXVN

 

Trung Quốc vi phạm chủ quyền hợp pháp của Việt Nam


Hành vi của tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là sự vi phạm nghiêm trọng quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, xâm phạm trực tiếp quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Là thành viên của UNCLOS, Trung Quốc có nghĩa vụ tận tâm, thiện chí thực hiện các quy định của Công ước. Với hoạt động của tàu Hải Dương 8, phía Trung Quốc đã vi phạm nguyên tắc và các quy định của UNCLOS. 


Đồng thời, Trung Quốc vi phạm thỏa thuận với các quốc gia ASEAN trong Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC). Mà ở đó, Trung Quốc đã đưa ra cam kết cùng với các nước ASEAN thúc đẩy môi trường hòa bình, hữu nghị và hòa hợp tại biển Đông, không đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. 


Không chỉ vi phạm các quy định trong điều ước quốc tế đa phương và cam kết khu vực, Trung Quốc đồng thời vi phạm các thỏa thuận song phương ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đó là thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển năm 2011; Tuyên bố chung của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc năm 2013. Trong những cam kết này, các bên đã thỏa thuận đảm bảo biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác; giải quyết bất đồng trên cơ sở các nguyên tắc và quy phạm luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; không thực hiện những hành động làm phức tạp thêm tình hình. Như vậy, với hành vi xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, Trung Quốc đã thực hiện trái với tinh thần cam kết giữa hai quốc gia.


Thế giới đều biết, ngày 12/7/2016, Hội đồng Trọng tài của Tòa Trọng tài Thường trực đã ra Phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, qua đó đập tan luận điệu của Trung Quốc về quyền lịch sử của nước này trên biển Đông. Phán quyết đã viện dẫn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và tuyên bố “đường chín đoạn” của Trung Quốc không có căn cứ dựa trên luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh tiếp tục tuyên bố chủ quyền một cách vô cớ đối với các đảo và vùng nước trên biển Đông, phớt lờ các phán quyết của tòa án quốc tế và UNCLOS.

 

Cộng đồng quốc tế ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam


Những diễn biến của tàu khảo sát Hải Dương 8 hoạt động phi pháp, xâm phạm nghiêm trọng vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, cùng hành vi đòi hỏi chủ quyền phi lý và hung hăng của Trung Quốc đang bị chỉ trích và lên án ngày càng mạnh mẽ trong khu vực và trên thế giới. Chính nghĩa của Việt Nam đang tạo thành sức mạnh và áp lực ngày càng lớn đòi Trung Quốc phải rút toàn bộ nhóm tàu Hải Dương 8 khỏi các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được quy định tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.


Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á (EAS) ngày 2/8/2019, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ việc Trung Quốc hoạt động đơn phương, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Phó Thủ tướng nhấn mạnh lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về biển Đông, qua đó, kêu gọi tăng cường các lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.


Mỹ, Nhật Bản, Australia đã ra tuyên bố chung lên án Trung Quốc về các vi phạm, gây o ép trên thực địa của Trung Quốc, trong đó “phản đối mạnh mẽ những hành động đơn phương mang tính o ép có thể làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng như cải tạo đất, xây dựng tiền đồn, quân sự hóa các đảo tranh chấp và những hành động khác làm thay đổi vĩnh viễn môi trường biển ở những khu vực chưa phân định". 


Các nước đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về diễn biến trên thực địa gần đây, trong đó có các hành vi quân sự hóa và các hoạt động đe dọa hoạt động kinh tế hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gây căng thẳng và tác động bất lợi đến môi trường hòa bình, ổn định chung ở khu vực. Các nước cũng nhấn mạnh mọi đòi hỏi chủ quyền cần phải dựa trên các cơ sở pháp lý của luật pháp quốc tế, không đồng tình với các hành động gây o ép để khẳng định đòi hỏi chủ quyền.


Trước đó, ngày 31/7/2019, các Bộ trưởng ASEAN đã Tuyên bố chung, trong đó bày tỏ sự quan ngại về tình hình biển Đông bao gồm các hành vi lấn biển, các hoạt động và các sự cố nghiêm trọng trong khu vực-những điều đã dần hủy hoại lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể tác động xấu tới hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Tuyên bố chung tái khẳng định sự cần thiết trong việc tăng cường lòng tin giữa các bên, rèn luyện sự tự kiềm chế trong ứng xử, tránh các hành động có thể khiến tình hình thêm phức tạp, và theo đuổi biện pháp giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, trong đó bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.


Chủ trương nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp ở biển Đông là bằng biện pháp hòa bình, trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều biện pháp giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trên thực địa, các lực lượng thực thi luật pháp trên biển duy trì sự hiện diện, đấu tranh hòa bình nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. 


Song Hà

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ