A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trận, vũ khí siêu khủng-Đốt nóng chính trường Á, Âu?

 

Trong 2 tuần đầu tháng 6, tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Mỹ, Nga, Trung Quốc tổ chức hàng loạt cuộc tập trận quy mô lớn, với dàn vũ khí tấn công chiến lược siêu khủng đang đốt nóng bầu không khí Á, Âu.

 

 

Tập trận “Anakonda-16” của NATO trên đất Ba Lan.  (Ảnh Internet)

 

Đầu tháng (từ 6-6), NATO triển khai cuộc tập trận “Anakonda-16” kéo dài 10 ngày trên đất Ba Lan với sự tham gia của 31.000 binh sĩ thuộc 20/28 quốc gia khối NATO và 5 nước đối tác nhằm tăng cường đào tạo và khả năng phản ứng nhanh trước các mối đe dọa trên không, trên biển và đất liền. Sau các cuộc tập trận chung với quân đội Malaysia, từ 6-6, Hải quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ tiến hành tập trận chung mang tên “CARAT-2016” lần thứ 22 với Philippines có nội dung hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển. Liền đó (từ 10-17/6), liên quân Mỹ, Nhật, Ấn Độ tập trận hải quân “Malabar” ở vùng biển Hoa Đông, khu vực đảo Okinawa- Nhật Bản.

 

Đáp lại các thách thức từ phía Mỹ và NATO, Nga lập tức triển khai một lực lượng lớn quân đội được trang bị hỏa lực mạnh khu vực giáp biên giới Ukraine và công bố, năm 2016 sẽ triển khai hơn 2.000 cuộc tập trận quy mô lớn. Trước đó, Nga, Trung Quốc tổ chức tập trận phối hợp Hải-Lục-Không quân khu vực biển Ấn Độ Dương. Các cuộc tập trận, diễn tập phòng thủ, đối phó với các tình huống giả định, NATO và Mỹ không giấu giếm ý định “đề phòng các cuộc tấn công xâm lược từ Nga với các nước thành viên NATO ở châu Âu”, chống sự bành trướng của Trung Quốc khu vực biển Đông và Hoa Đông.

 

Cuộc tập trận “Anakonda-16” của Mỹ và NATO trên đất Ba Lan, trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Thủ đô Warsaw, nhằm củng cố khả năng phối hợp hành động và khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng thuộc từng quốc gia cũng như các lực lượng liên quân trong trường hợp xảy ra thảm họa tại khu vực.

 

Mỹ điều động một trung đoàn cơ giới đóng ở liên bang Đức mô phỏng nhiệm vụ giải cứu các nước vùng Baltic khỏi các cuộc tấn công của Nga? Tháng trước, Mỹ khởi động hệ thống phòng thủ tên lửa ở Romania, khởi công hệ thống này ở Ba Lan và dự định lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa ở các nước Đông Âu gây nhiều tranh cãi. Nga kịch liệt phản đối dự án này của Mỹ và cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa này nhằm bao vây, cô lập Nga. Mỹ dường như đã thành công, thổi bùng dư luận ở các nước châu Âu sợ Nga xâm lược? Lầu Năm Góc trù tính năm tới, triển khai thêm 1 lữ đoàn thiết giáp ở Đông Âu, tăng chi tiêu quân sự ở châu Âu lên 3,4 tỷ USD, gấp 4 lần năm nay.

 

Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg tuyên bố, sẽ triển khai 4 tiểu đoàn đa quốc gia với khoảng 4.000 binh sĩ đến Ba Lan và các nước Baltic: Latvia, Litva, Estonia. Mỹ, Anh, Đức cam kết giữ vai trò như những quốc gia chính, cung cấp lực lượng chủ đạo cho các tiểu đoàn. NATO tăng cường Lực lượng phản ứng nhanh lên 40.000 binh sĩ, trong đó có 5.000 lính sẵn sàng triển khai tức thì. Tướng R.Dhireff, nguyên Phó Tư lệnh Liên quân ở châu Âu cảnh báo, có nguy cơ một cuộc chiến tranh hạt nhân với Nga?!

 

Dự báo so sánh lực lượng tác chiến giữa Nga và NATO rất khác nhau. Một quan chức quốc phòng Mỹ cảnh báo, Nga có thể đè bẹp NATO trong vòng 60 tiếng (?) trong khi các tướng lĩnh Ba Lan tuyên bố, chỉ cần 1 trung đoàn quân Ba Lan cũng đủ ngăn chặn bước tiến của quân Nga?! Mặc dù sở hữu số máy bay, tàu chiến, tàu sân bay, đơn vị đầu đạn hạt nhân đứng đầu thế giới nhưng Mỹ vẫn lo Trung Quốc có thể tạo ra trận Trân Châu Cảng mới?

 

Trên Vịnh Subic, cuộc tập trận “CARAT-2016” diễn ra ngoài khơi tỉnh Palawan, phía Tây Philippines và khu vực gần biển Sulu phía Nam nước này. Hải quân Mỹ tham gia tập trận trong khuôn khổ phối hợp với 9 nước Đông Nam Á và Nam Á nhằm giải quyết những ưu tiên an ninh hàng hải chung, tăng cường hợp tác trên biển, năng cao khả năng phối hợp giữa các lực lượng tham gia. Hải quân 2 nước điều động đến đây một lượng vũ khí, khí tài lớn, hiện đại như tàu khu trục có khả năng dò mìn BRP Rizal, tàu đổ bộ, tàu khu trục PF-15, trực thăng AW-109… Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ điều động thêm Hạm đội 3 cùng Hạm đội 7 đảm nhiệm an ninh hàng hải, hàng không. Trên biển Địa Trung Hải, ngoài tàu sân bay USS D.Eisenhower, được tăng cường thêm tàu sân bay USS H.S.Truman đồn trú, đối trọng với Hải quân Nga?!

 

Cuộc tập trận hàng hải chung “Malabar” giữa 3 nước: Mỹ, Nhật, Ấn Độ diễn ra gần đảo Okinawa, cách quần đảo tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư khoảng 400 km, do Nhật đóng vai trò điều khiển. Với hơn 100 khí tài quân sự bao gồm hơn 20 tàu chiến, 50 trực thăng tác chiến chống ngầm, máy bay trinh sát hàng hải tầm xa, hơn 100 máy bay trong đó có chiến đấu cơ Super Hornet; Mỹ điều tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz Hải quân USS J.C.Stennis tham gia.

 

Ấn Độ điều tàu khu trục tàng hình hiện đại INS Sahyadri và INS Satpura, trong khi Nhật có tàu sân bay trực thăng JS Hyuga- Loại tàu chiến lớn nhất của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản. Tập trận mô phỏng về tác chiến chống ngầm, lực lượng của 3 nước giả định viễn cảnh săn tàu ngầm Trung Quốc(?), trong bối cảnh các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc được phát hiện ngày càng nhiều ở bờ biển phía Tây Ấn Độ. Hơn nữa, ở khu vực này- năm 2013, Bắc Kinh đơn phương tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, gây phản ứng dữ dội từ phía Nhật, Mỹ, Úc và EU.

 

Từ sau Chiến tranh Lạnh, NATO đã 3 lần mở rộng về phía Đông, tăng thêm 12 thành viên thuộc các nước Đông Âu và thuộc Liên Xô cũ. Căng thẳng Nga và Mỹ, NATO càng cao, sau khủng hoảng chính trị ở Ukraine, Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga; Mỹ và phương Tây gia tăng cấm vận Nga. Nga cho rằng, Mỹ, phương Tây không tôn trọng thỏa thuận, mở rộng NATO áp sát biên giới, hòng bao vây Nga. Điện Kremlin tuyên bố, có thể đặt các nước lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trong tầm ngắm của tên lửa đạn đạo!

 

Và hệ thống tên lửa chiến lược Nga đủ sức xuyên thủng bất cứ hệ thống tên lửa phòng thủ nào của Mỹ và phương Tây! Nga phát triển bộ ba vũ khí chiến lược mang đầu đạn hạt nhân bao gồm máy bay ném bom chiến lược tầm xa, tàu ngầm nguyên tử và hệ thống tên lửa đạn đạo chiến lược, có thể tấn công phủ đầu bất cứ địa điểm nào trên toàn thế giới. Mỹ và NATO thực sự lo sợ binh đoàn tàu ngầm tàng hình hiện đại Nga với những đòn tấn công hạt nhân khủng khiếp, khó lường! Cựu Thủ tướng Đức G.Schroeder nhận xét, Đức đã sai lầm khi theo NATO đưa binh sĩ đến Baltic. Mỹ xây dựng lá chắn tên lửa ở Romania, Ba Lan là sai lầm nghiêm trọng. Hiệp ước INF đang bị đe dọa. NATO phải đối thoại với Nga. Chỉ có Hiệp ước INF mới là sự đảm bảo an ninh tuyệt đối cho châu Âu!

 

Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và phương Tây đang theo đuổi các mục đích chính trị của riêng mình. Tại Hội nghị Thượng đỉnh, NATO kêu gọi các nước thành viên tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng trong những năm tới chỉ làm bất ổn thêm tình hình thế giới.

 

Hà Ngọc

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ