A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng trưởng kinh tế và an ninh biển đốt nóng nghị trường G7?

 

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) tổ chức trong 2 ngày 26 và 27-5 tại Ise-Shma (tỉnh Mie, Nhật Bản) với sự có mặt của nguyên thủ 7 quốc gia: Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Italy, Canada thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Chương trình nghị sự chính của Hội nghị tập trung bàn về những vấn đề nổi cộm toàn cầu như kinh tế, chủ nghĩa khủng bố, tự do an ninh biển… trong đó chủ đề chính được dành nhiều thời gian hơn là kinh tế thế giới.

 

 

Trung Quốc thường xuyên có các hành động đe dọa an ninh ở biển Đông.         (Ảnh Internet)

 

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu được cho là ảm đạm, khi tăng trưởng kinh tế Mỹ, Trung Quốc, Nhật và một số nền kinh tế mới nổi khác tăng trưởng chậm lại. Thêm vào đó, xung đột khu vực gia tăng; quan hệ Mỹ-Nga, EU rơi vào khoảng lặng xấu; quan hệ nội bộ EU có dấu hiệu rạn nứt; tranh chấp khu vực biển Đông có chiều hướng ngày càng căng thẳng. Những tín hiệu khu vực và toàn cầu gây ảnh hưởng bất lợi, dự báo sức khỏe nền kinh tế thế giới vẫn chưa thể một sớm một chiều thoát khỏi tình trạng trì trệ.

 

Các nhà lãnh đạo G7 đàm đạo, chụm đầu cùng nhau tìm kiếm giải pháp phát huy tối đa 3 công cụ tài chính là chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, tái cấu trúc nền kinh tế. Các nhà lãnh đạo khẳng định thực hiện các cam kết giữ vững ổn định thị trường ngoại hối. Thủ tướng Nhật S.Abe hối thúc các nước áp dụng chính sách linh hoạt, phù hợp với mỗi nước nhằm điều tiết hiệu quả nền kinh tế vĩ mô. Hội nghị G7 cũng đề cập đến các vấn đề nổi cộm khác trong khu vực và toàn cầu như chủ nghĩa khủng bố, cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine, vấn đề người di cư tự do, chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, chính sách đối ngoại của G7, vấn đề biến đổi khí hậu thế giới, năng lượng, tăng cường năng lực và vai trò nữ giới, an ninh mạng…

 

Trong Tuyên bố chung, Hội nghị Thượng đỉnh G7 đề cập đến hàng loạt vấn đề trọng tâm trong đó có vấn đề căng thẳng hàng hải ở biển Đông và Hoa Đông. Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi rất quan ngại về tình hình biển Đông và Hoa Đông, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình”.

 

Tuyên bố nhấn mạnh, các bên cần tôn trọng tự do hàng hải, hàng không trên biển Đông và Hoa Đông; các nước cần tránh các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực để tuyên bố chủ quyền. Mặc dù tuyên bố chung của G7 không chỉ rõ cụ thể tranh chấp trên biển ở một quốc gia nào nhưng những căng thẳng ở biển Đông và Hoa Đông sau hàng loạt vụ cải tạo đảo, tuyên bố chủ quyền phi lý, triển khai vũ khí trái phép của Trung Quốc và hoạt động tuần tra của Hải quân Mỹ trong khu vực biển Đông, Hoa Đông đã khiến Bắc Kinh lên tiếng.

 

“G7 nên tập trung vào việc thảo luận các vấn đề của mình hơn là quan tâm đến các xung đột của các nước khác”- Tân Hoa xã Trung Quốc đưa tin. Nhật Bản không phải là nước có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông nhưng đang tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, thường có các va chạm giữa tàu thuyền, máy bay trinh sát của Tokyo và Bắc Kinh tuần tra khu vực nên tuyên bố của G7 về an ninh, tự do hàng hải, hàng không khu vực biển Đông, Hoa Đông làm Trung Quốc đứng ngồi không yên!?

 

Bên lề Hội nghị, trước khi họp chính thức, Thủ tướng nước chủ nhà S.Abe đã có các cuộc gặp gỡ đàm phán song phương với Thủ tướng Canada J.Trudeau, Thủ tướng Anh D.Cameron, Tổng thống Mỹ B.Obama. Ngoài các thỏa thuận, cam kết về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa các bên; nội dung về an ninh hàng hải và trật tự an toàn trên biển Đông và Hoa Đông được các nguyên thủ quốc gia nhấn mạnh. Tổng thống Mỹ B.Obama khẳng định: “Chúng tôi không đứng về bên nào trong các tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, vì vậy hoàn toàn không ảnh hưởng tới khả năng giải quyết tranh chấp của Trung Quốc.

 

Chúng tôi mong muốn nhìn thấy một nghị quyết hòa bình giải quyết các tranh chấp trong khu vực”. Thủ tướng Anh D.Cameron cho rằng, Bắc Kinh phải tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực  Liên hiệp (LHQ) quốc tại La Hay, Hà Lan. “Chúng tôi muốn Trung Quốc trở thành một phần của thế giới được duy trì dựa trên pháp luật”- Ông D.Cameron nhấn mạnh. Thủ tướng Canada cũng tuyên bố: “Thành tựu đáng kể mà chúng tôi đã đạt được đó là cùng nhất trí hợp tác nhằm bảo đảm vùng biển an toàn, tự do, dựa trên luật định”.

 

Trước phiên họp, Thủ tướng Nhật S.Abe đã đưa các nhà lãnh đạo G7 thăm ngôi đền Ise Grand, thờ Nữ thần Mặt trời Amaterasu được coi là linh thiêng nhất của đạo Shinto ở nước này. Ông S.Abe mời các nguyên thủ G7 tham quan, trồng cây lưu niệm tại ngôi đền như muốn truyền tải đến các vị khách có cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa truyền thống của Nhật Bản. Thủ tướng S.Abe cùng Tổng thống Mỹ B.Obama thăm thành phố Hirosima, nơi hơn 70 năm trước hứng chịu thảm họa bom nguyên tử của Mỹ như nhắn nhủ, khép lại quá khứ đau thương, các quốc gia cùng chung tay ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân!

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị G7 mở rộng và thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng S.Abe. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và trao đổi song phương với nguyên thủ các nước G7 và một số nước, tổ chức quốc tế, tập đoàn kinh tế Nhật Bản. Thủ tướng dự Đối thoại chính sách kinh tế cấp cao Việt Nam-Nhật Bản, chứng kiến lễ ký một số văn bản hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước; thăm Nông trại Yokoyama, cơ sở đầu tiên của tỉnh Aichi sản xuất nông sản theo mô hình hiện đại, đầu tư công nghệ cao.

 

Sau Lễ đón chính thức tại Phủ Thủ tướng, Thủ tướng Nhật Bản-Việt Nam tiến hành đàm phán cấp cao và tổ chức họp báo quốc tế. Hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ, thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế với các nội dung chiến lược. Nhật Bản cam kết tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam, triển khai kế hoạch tín dụng 110 tỷ USD nhằm phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại châu Á và triển khai Sáng kiến kết nối Mekong-Nhật Bản.

 

Nhật viện trợ khẩn cấp không hoàn lại 2,5 triệu USD cho Việt Nam giải quyết hạn hán, xâm nhập mặn; phối hợp cùng Việt Nam nghiên cứu các giải pháp dài hạn, trung hạn và sẵn sàng cung cấp vốn vay ODA để xây dựng hồ đập, hồ chứa nước; thúc đẩy hợp tác đầu tư và triển khai một số dự án lớn ở Việt Nam; thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt-Nhật đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Hai vị Thủ tướng chứng kiến lễ ký 4 văn kiện về vốn vay ODA với số tiền 1,5 tỷ USD. Hàng loạt các thỏa thuận kinh tế khác được ký kết giữa doanh nghiệp hai nước.

 

Chuyến thăm Nhật Bản và dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được dư luận Nhật Bản và bạn bè quốc tế đánh giá cao vị thế của Việt Nam trong hợp tác và cùng giải quyết những vấn đề nóng nổi cộm trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.

 

Nhật Minh

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ