A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị Thượng đỉnh Sochi: Quan hệ mới ASEAN-Nga

 

Trong 2 ngày 19-20/5, tại thành phố du lịch Sochi (LB Nga) đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Nga với sự tham gia của Tổng thống Nga V.Putin và nguyên thủ quốc gia 10 nước thành viên Cộng đồng ASEAN. Đây là sự kiện chính trị quan trọng nhân dịp kỷ niệm 20 năm Đối thoại ASEAN-Nga (1996-2016); một lần nữa khẳng định tầm quan trọng ngày càng tăng về mối quan hệ giữa hai bên và vị thế đặc biệt của khối ASEAN trong “Chính sách hướng Đông” của Nga đối với khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á-Thái Bình Dương. Hội nghị lần này tiếp tục là cơ hội nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác ASEAN-Nga và song phương mỗi quốc gia với Nga tương xứng với tiềm năng, lợi thế và lợi ích của các bên, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động mau lẹ, khó lường. Nước chủ nhà Nga chọn chủ đề Hội nghị Cấp cao lần này là “Hướng tới Đối tác chiến lược vì lợi ích chung”.

 

 

Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ đối tác đối thoại Nga-ASEAN, diễn ra ngày 19 đến 20-5 tại Sochi (Nga).    Ảnh Internet

 

Tham luận tại Hội nghị, các nguyên thủ quốc gia tái khẳng định, 20 năm qua, kể từ khi ASEAN và Nga thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại (1996), mối quan hệ ASEAN-Nga đạt được những bước phát triển quan trọng. Hai bên nâng quan hệ lên “Đối tác toàn diện và tiến bộ” vào năm 2005. Hợp tác giữa hai bên không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Tổng thống Nga V.Putin bày tỏ mong muốn nâng quan hệ Nga-ASEAN lên “Đối tác chiến lược”, đã được nhiều nguyên thủ các nước đồng tình. Hội nghị thông qua Tuyên bố Sochi và 5 Văn kiện, tạo khuôn khổ và cơ sở quan trọng tăng cường hợp tác ASEAN-Nga trong thời gian tới.

 

Tuyên bố Sochi khẳng định nguyên tắc và định hướng cho quan hệ hai bên trong lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế-thương mại, văn hóa-xã hội, tăng cường kết nối và hỗ trợ ASEAN hội nhập và thu hẹp khoảng cách phát triển. Tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường gắn kết và hợp tác chặt chẽ giữa ASEAN và Nga trong xử lý các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

 

Nga và ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng và lợi ích chung bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không ở biển Đông đối với hòa bình và phát triển khu vực và thế giới; đề cao lập trường nguyên tắc của ASEAN giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các tiêu chuẩn và thông lệ phù hợp của Tổ chức Hàng không dân sự quốc tế (ICAO) và Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình trong giải quyết tranh chấp trên biển Đông; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) và sớm ký kết bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

 

Cộng đồng ASEAN chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016, với quy mô dân số 630 triệu người, tổng sản phẩm GDP khoảng 2.570 tỷ USD, có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá ổn định, thị trường lao động và thị trường tiêu dùng khá lý tưởng, là sự hấp dẫn không chỉ với Nga. Đồng thời, Nga cũng luôn là đối tác chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự quan trọng của Cộng đồng ASEAN cũng như mỗi quốc gia thành viên, nâng cao vị thế Cộng đồng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

 

Nga có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế liên quan đến hòa bình và an ninh toàn cầu. Với vị trí địa lý và những mối quan hệ truyền thống, Nga có lợi ích chiến lược đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á-Thái Bình Dương. Chính vì thế, Nga đã nhiều lần khẳng định, hợp tác với ASEAN sẽ giúp tăng cường vị thế của Nga tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên trường quốc tế.

 

Thời gian qua, Nga tăng cường quan hệ với Cộng đồng ASEAN, chủ động hơn trong các cơ chế khu vực như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Nga thành lập Trung tâm ASEAN tại Đại học Quan hệ quốc tế Moskva (năm 2010). Quan hệ thương mại Nga và ASEAN đạt con số cao nhất 21,5 tỷ USD năm 2014-2015. Hai bên có thể bổ sung cho nhau về thế mạnh và lợi ích; trong khi ASEAN có lợi thế phát triển sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công tiêu dùng, thị trường lao động kỹ thuật giá rẻ; Nga sẵn có thế mạnh xuất khẩu năng lượng, nhiêu liệu, máy móc công nghệ cao, sản phẩm hóa chất, thiết bị quân sự, công nghiệp quốc phòng.

 

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo dự họp cũng thừa nhận, hợp tác giữa hai bên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế ASEAN-Nga so với các đối tác thương mại khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật, Úc. Năm 2013, Nga đề xuất xây dựng không gian an ninh tập thể mới với ASEAN nhưng ngay lập tức gặp phải lực cản của Mỹ, Trung Quốc cũng muốn gây ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á và châu Á.

 

Vừa qua, Tổng thống Mỹ tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ ở Sunnykands có nhiều nội dung bao quát về nguyên tắc quốc tế, hòa bình và ổn định khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc gia tăng quảng bá, đầu tư sáng kiến “Một vành đai-Một con đường”, thúc đẩy hoạt động Ngân hàng AIIB có số vốn 100 tỷ USD đang hấp dẫn các quốc gia châu Á. Không thể phủ nhận ảnh hưởng của Mỹ, Trung Quốc tới các quyết định về an ninh, quốc phòng của ASEAN nhưng sự tham gia sâu rộng, toàn diện của Nga sẽ là nhân tố thay đổi luật chơi?!

 

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Sochi đã diễn ra các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và Nga, Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU); Diễn đàn doanh nghiệp ASEAN-Nga. Tại Sochi, Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Indonesia J.Widodo đạt được thỏa thuận song phương về văn hóa, quốc phòng và đầu tư.

 

Theo đó, Nga đầu tư 13 tỷ USD xây dựng nhà máy lọc dầu hiện đại trên đảo Java, xây dựng nhà máy nhiệt điện 1,8 Gigawatt giá trị 2,8 tỷ USD. Nga sẵn sàng cung cấp cho các đối tác Indonesia triển khai các dự án cơ sở hạ tầng, tàu cánh ngầm, tàu hai thân, bến tàu nổi, thiết bị hiện đại theo dõi vệ tinh của tàu, chiến đấu cơ, tăng cường hợp tác ngành hàng hải và hàng không dân dụng. Năm 2015, Công ty Đường sắt Nga phối hợp với đối tác xây dựng tuyến đường sắt 190 km ở Kalimantan tạo ra 2.500 việc làm.

 

Trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng D.Meveded, hội kiến Tổng thống V.Putin thảo luận hợp tác song phương đẩy mạnh hợp tác toàn diện về kinh tế, thương mại, an ninh, quốc phòng. Nga cũng đặc biệt chú trọng quan hệ hợp tác với các nước ASEAN về phát triển điện hạt nhân, công nghiệp ô tô, hàng không với Việt Nam, Myanmar, Campuchia. Đã có hơn 50 dự án hợp tác giữa Nga-ASEAN triển khai ở mỗi nước về đầu tư năng lượng, máy tính, thông tin, công nghệ truyền thông, giao thông-vận tải, y tế, nông nghiệp và kỹ thuật quân sự.

 

Nhật Minh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ