A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chăm sóc và bảo vệ trẻ em

 

Chăm sóc và bảo vệ trẻ em là nghĩa vụ và hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và của toàn xã hội. “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, đó là thông điệp mà tất cả mọi người luôn suy nghĩ và hành động. Ngày Thiếu nhi hay Ngày Trẻ em như là một sự kiện hay một ngày lễ dành cho thiếu nhi được tổ chức vào các ngày khác nhau ở nhiều nơi trên thế giới.

 

Liên hợp quốc (LHQ) đã quyết định ngày 20 tháng 11 là Ngày Thiếu nhi Thế giới (Universal Children's Day)  nhưng để cho các quốc gia thành viên được tự quyền chọn ngày Thiếu nhi cho riêng mình. Một số quốc gia trong đó có Việt Nam đã chọn ngày 1 tháng 6 hàng năm là  Ngày Quốc tế Thiếu nhi. Qua ngày  này, LHQ muốn tạo sự quan tâm của thế giới đối với quyền lợi của trẻ em, thúc đẩy những nỗ lực vì sự phát triển trẻ nhỏ, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và sức khỏe.

 

Chăm sóc và bảo vệ trẻ em vốn là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta xuyên suốt từ thời kỳ thành lập nước, trải qua hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và trong giai đoạn hiện nay. Ngày 20 tháng 2 năm 1990, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của LHQ về Quyền trẻ em. Trải qua 26 năm, Việt Nam luôn thực thi các nghĩa vụ thành viên Công ước LHQ về quyền trẻ em và  dù còn gặp nhiều khó khăn, nước ta vẫn đạt được nhiều kết quả trong việc cải thiện đời sống của hàng triệu trẻ em; tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi giảm hơn hai lần; tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 1 tuổi giảm gần ba lần.

 

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc đã nhận định, Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng; cải thiện tích cực trong thực hiện quyền trẻ em, tăng chất lượng dịch vụ chăm sóc, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ, tăng tỷ lệ trẻ đi học và xóa đói giảm nghèo. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh các quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền tham gia vào các vấn đề của trẻ thông qua Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em giai đoạn 2016-2020. Các em bắt đầu tham gia vào việc giám sát thực hiện quyền của bản thân thông qua các tổ chức như Đội Thiếu niên, Câu lạc bộ quyền trẻ em.

 

Kỷ niệm ngày Quốc tế thiếu nhi 1 tháng 6 năm nay đến giữa lúc nhân dân cả nước thực hiện  Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em”. Tháng hành động vì trẻ em năm 2016 tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và trẻ em trong việc phòng, chống tai nạn, thương tích, qua đó kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông, đảm bảo các em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển.

 

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng mỗi tháng vẫn còn khoảng 518 trẻ em và những người chưa đến tuổi vị thành niên bị tai nạn thương tích, trong đó, cứ mỗi tháng, lại có khoảng 18 trẻ em vĩnh viễn ra đi vì các loại tai nạn, mà tỷ lệ chết vì đuối nước chiếm hàng đầu. Để giảm thiểu tình trạng tai nạn, thương tích cho trẻ em, gia đình, nhà trường, các tổ chức Đoàn thanh niên và toàn xã hội cần tích cực chăm lo hơn nữa đến việc bảo vệ trẻ em. Các em học sinh, ngoài việc phấn đấu thành con ngoan, trò giỏi, cần tích cực học tập, rèn luyện các kỹ năng sống để vừa tự bảo vệ bản thân mình, hỗ trợ bạn bè, vừa có sức khỏe để học tập, đóng góp cho quê hương, đất nước.

 

Một chương trình cụ thể, hành động cụ thể thiết  thực để chăm sóc và bảo vệ trẻ em, chính là điều Việt Nam đã và đang thực hiện. Đây cũng chính là trách nhiệm của một nước thành viên Công ước LHQ về Quyền trẻ em và thực hiện tôn chỉ của ngày Quốc tế thiếu nhi mà LHQ đã tuyên bố.

 

Hữu Văn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ