A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Liên bang Nga theo đuổi chính sách hướng Đông

 

Hội nghị Thượng đỉnh Nga-ASEAN tổ chức tại thành phố Sochi (Nga) trong 2 ngày 19-20/5 với sự tham gia của Tổng thống Nga V.Putin và nguyên thủ 10 nước Cộng đồng ASEAN cho thấy, Nga đang xoay trục quan hệ sang châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á. Đây cũng là thời điểm ghi dấu mốc kỷ niệm 20 năm Đối thoại Nga-ASEAN (1996-2016), triển vọng nâng lên tầm quan hệ chiến lược. Theo nguồn tin ngoại giao, tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga-ASEAN, 11 quốc gia sẽ đưa ra Tuyên bố chung Sochi, thống nhất quan điểm chung giữa Nga và ASEAN về an ninh khu vực, trong đó có vấn đề tự do hàng hải, hàng không trên biển Đông.

 

 

Chính sách hướng Đông của Nga. (Ảnh Internet)

 

Mặc dù Nga vẫn xác định, coi trọng quan hệ thương mại số 1 là châu Âu nhưng hai năm qua Mỹ và EU cấm vận kinh tế Nga đã buộc Moskva phải xoay trục “Hướng Đông” nội tại trên lãnh thổ và hợp tác kinh tế, quốc phòng với các quốc gia châu Á khác. Việc tìm kiếm những hợp đồng đầu tư, thương mại, quân sự với Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN đến hàng chục, hàng trăm tỷ USD mở ra hướng làm ăn mới của Nga. Hơn thế, Nga, Trung Quốc cũng đang chứng tỏ ảnh hưởng của mình khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cạnh tranh với “Chính sách xoay trục sang châu Á” vốn được xem là đối sách thành công của Mỹ trong những năm qua.

 

Việt Nam có vị thế và đóng góp to lớn trong khối ASEAN. Việt Nam và Nga có thời gian 66 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950-2016), được thử thách bằng tình hữu nghị đặc biệt thủy chung trong cuộc chiến đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam luôn là bạn hàng lớn hợp tác toàn diện về thương mại, nhiên liệu, khoa học kỹ thuật, quốc phòng với Nga (trước kia là Liên Xô).

 

Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ cũng như xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Liên Xô là người bạn lớn thủy chung của Việt Nam. Hiện nay, Nga chưa thể hài lòng với giao dịch thương mại hai chiều Việt-Nga 4 tỷ USD (năm 2013) và 7 tỷ USD (năm 2015) nhưng trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu có xu hướng giảm sút mà tỷ trọng hàng hóa năm 2015 giữa 2 nước vẫn tăng 4% cũng là dấu hiệu đáng mừng.

 

Vừa qua, Nga ủng hộ Việt Nam tham gia Liên minh Kinh tế Á-Âu (Nga, Kazakhstan, Belarus, Armenia, Kirgizstan, Việt Nam ). Khi Chính phủ các nước phê duyệt Hiệp định này mở ra thị trường lớn với Việt Nam là 180 triệu dân, và với Nga là 90 triệu dân Việt, đưa giá trị thương mại đến năm 2020 đạt 10 tỷ USD. Ngoài dự án liên doanh dầu khí Vietsopetro hoạt động 35 năm, Chính phủ Nga cam kết cung cấp tín dụng Nhà nước và thiết bị, đào tạo chuyên gia xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

 

Nga cũng hy vọng sớm có liên doanh lắp ráp ô tô (xe tải, xe con) Nga theo công nghệ mới, tạo hàng ngàn việc làm cho lao động Việt Nam. Trong hợp tác quốc phòng, ngân sách chi hàng năm của Việt Nam rất hạn chế so với các nước khác nhưng có đến 90% đơn hàng thuộc về Nga. Những hợp đồng lớn phải kể đến như tàu ngầm lớp Kilo 636, tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tiễu, chiến đấu cơ, xe tăng, pháo hạm, hệ thống tên lửa S-300… Trong chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (4-2016), Nga ghi nhận sẽ giành cho Việt Nam những đơn hàng để phòng thủ đất nước như máy bay tiêm kích, máy bay ném bom, kể cả máy bay đa năng Su-35, tàu chiến, vũ khí cho hải quân, mở cơ sở đào tạo và chuyển giao kỹ thuật công nghệ.

 

Ngoại trưởng Nga S.Lavrov bày tỏ lập trường nhất quán của Chính phủ Nga về biển Đông là thông qua đàm phán dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển UNCLOS 1982, Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan trên biển Đông DOC 2002 và Hướng dẫn thực hiện Tuyên bố năm 2011. Ngoại trưởng Nga bác bỏ dư luận cho rằng, Nga ủng hộ lập trường của một nước (?) về tranh chấp trên biển Đông! Nga cũng sẽ bày tỏ quan điểm này trong Tuyên bố Sochi ký kết với 10 nước Cộng đồng ASEAN (5-2016), khẳng định sự ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong an ninh khu vực.

 

Vừa qua, tại “Diễn đàn kinh tế phương Đông”, Tổng thống Nga V.Putin tái khẳng định “Chính sách hướng Đông” nội tại của nước này. Theo đó, Nga ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội vùng Viễn Đông biến nơi đây trở thành một trung tâm chính để hội nhập có hiệu quả với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nga đưa ra 4 nội dung về “Chiến lược biển mới” với các giải pháp thiết thực nhằm thu hút nguồn lực trong nước và nước ngoài, chú trọng khuyến khích các nhà đầu tư đến từ châu Á, trong đó có Việt Nam. Nga ban hành “Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội khu vực Viễn Đông và Baikal đến năm 2025” gồm 3 giai đoạn phát triển.

 

Chính phủ Nga tham vọng khai thác thế mạnh vùng đất đai Viễn Đông 6,169 triệu km2 chiếm 36% diện tích cả nước nhưng chỉ có 6,5 triệu dân (bình quân 1 người/1 km2). Hy vọng năm 2025, GDP/đầu người vùng này tăng từ 19.000 ruble lên 66.000 ruble, số lượng sản phẩm sáng tạo tăng từ 8,9% lên 16%. Trong 10-15 năm tới, Viễn Đông sẽ xuất khẩu sang Đông Bắc Á các loại hàng hóa như nhiên liệu, điện năng, hải sản, sản phẩm công nghệ cao; trong đó sản phẩm hóa dầu 60%, hải sản 97%, nhiên liệu rắn 45%.

 

Nga hy vọng Việt Nam là đối tác kinh tế, hợp tác đầu tư vào vùng Viễn Đông theo hình mẫu về dầu khí, đóng tàu… Thực tế, Việt Nam đang có thế mạnh và tiềm năng hợp tác với Nga trên các lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, đóng tàu biển, những ngành thu hút nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến gỗ, sản xuất đồ nội thất… Hiện, đang có hơn 1.000 lao động người Việt làm việc tại vùng Viễn Đông (Nga).

 

Sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Liên bang Nga (16-18/5) và dự Hội nghị Thượng đỉnh Nga-ASEAN tại Sochi (19-20/5), hy vọng sự hợp tác đầu tư, thương mại Nga-Việt sẽ bước sang trang mới nhiều triển vọng.

 

Hà Ngọc

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ