A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nội các Ukraine: Cải tổ hay tan rã?

 

Sau những biến động trên chính trường Ukraine về việc cáo buộc bộ máy Chính phủ điều hành kém hiệu quả, quan chức tham nhũng tràn lan, không thuyết phục được sự ủng hộ của châu Âu, ngày 10-4 ông A.Yatsenyuk buộc phải tuyên bố rời bỏ chức Thủ tướng. Ngày 14-4, Quốc hội (QH) Ukraine nhóm họp, bổ nhiệm ông V.Groysman, đương kim Chủ tịch QH ngồi vào ghế Thủ tướng. Hai năm Thủ tướng A.Yatsenyuk nắm quyền sau Cách mạng đường phố Maidan (2-2014), dẫn đến đảo chính nghị trường lật đổ Tổng thống V.Yanukovych, đưa nhà tư sản bánh kẹo P.Poroshenko-thân phương Tây lên làm Tổng thống; cuộc lương duyên giữa Tổng thống và Thủ tướng Ukraine- thân Mỹ và phương Tây, sớm rạn nứt ngay vào cuối năm đó. Hình như cả đôi bên đều cảm thấy vỡ mộng về nhau, nhất là sự sa sút đến thảm hại của nền kinh tế?

 

 

Nội các Ukraine. ( Ảnh Internet)

 

Tân Thủ tướng V.Groysman, 38 tuổi, được cho là nhà lãnh đạo trẻ đầy triển vọng, được Tổng thống P.Poroshenko ủng hộ, cam kết nhanh chóng giải quyết nạn tham nhũng cố hữu trong bộ máy Chính phủ, sớm tạo niềm tin, thắt chặt quan hệ được xem là sống còn với Liên minh châu Âu (EU) để tranh thủ nguồn vay tài chính.

 

Cùng với đó, chính quyền Kiev đổi máu nội các, đưa những người thân tín của Tổng thống P.Poroshenko nắm giữ các vị trí then chốt nền kinh tế. Ông S.Kubiv, đồng thời là đại diện của Tổng thống trong QH giữ chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế; ông O.Dauylyuk, 48 tuổi, giữ chức Bộ trưởng Tài chính. Giới quan sát chính trị tỏ ra bất ngờ khi không thấy tên các chuyên gia kinh tế, ứng cử viên chức Thủ tướng như bà N.Yaresko hoặc Bộ trưởng Kinh tế Aivaras tham gia nội các mới? Vậy bộ máy Chính phủ Ukraine được cải tổ theo hướng cách tân hay báo hiệu sự tan rã liên minh các đảng phái?

 

Hai năm qua, người dân Ukraine vỡ mộng sau Cách mạng màu của phương Tây, giới cầm quyền Kiev tuyên bố từ bỏ người Nga truyền thống, cấm các hoạt động truyền bá ảnh hưởng của Liên Xô, thậm chí xóa tên đặt cho các đường phố, danh thắng, công trình gợi người dân nhớ về Nga và chính quyền Xô-viết.

 

Họ hy vọng sớm đưa đất nước này gia nhập EU và NATO, ngả hẳn vòng tay của Mỹ và phương Tây, đoạn tuyệt với Nga?! Nhưng sự đời lại trớ trêu, EU, NATO không dễ dàng chiều theo các ý định lộ liễu, táo bạo đến ngông cuồng của Kiev. NATO cho rằng, Ukraine chưa đáp ứng được các yêu cầu gia nhập tổ chức này. Ít nhất phải đến năm 2020, quân đội Kiev mới tương thích với các lực lượng thành viên NATO. Trong khi EU cũng cho rằng, 20-25 năm nữa, Kiev mới đáp ứng đủ các tiêu chí để hy vọng gia nhập liên minh này. Bằng chứng là Hà Lan vừa trưng cầu dân ý, có 61% phiếu nói “không” với việc Ukraine gia nhập EU, trong khi Hà Lan đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên EC!

 

Chính quyền Kiev đang phải đối mặt với sự vùng miền Đông Donbass đòi độc lập, vùng miền Tây đòi tự chủ, tiến trình hội nhập châu Âu bị từ chối, nền kinh tế sa sút, người dân vỡ mộng, Tổng thống P.Poroshenko đang phải đối mặt với cáo buộc gian lận, trốn thuế, dính líu vụ Hồ sơ Panama.

 

 Chủ tịch Hội đồng Zakarpattya M.Rivis đốc thúc chính quyền Trung ương về lời hứa phân cấp, phân quyền, đòi quyền tự trị khu vực, sau cuộc trưng cầu ý dân có 78% số người ủng hộ nhưng chính quyền Kiev bác bỏ. Ở miền Đông, hai vùng tự trị tự xưng Donetsk và Lugansk đòi thành lập Nhà nước độc lập. Theo Liên hiệp  quốc, chiến sự kéo dài trong 2 năm, từ 4-2014 đã làm 9.200 người thiệt mạng, hơn 21.000 người bị thương, hàng triệu người mất nhà cửa.

 

Chính phủ Kiev mất đi vùng công nghiệp, khoáng sản giàu có ở miền Đông. Xung đột miền Đông và cuộc chiến chống buôn lậu ở miền Tây đang đẩy hàng chục ngàn binh sĩ, cảnh sát ra biên cương nhưng được nhận thông tin Tổng thống P.Poroshenko- nhà tư sản bánh kẹo, socola mờ ám mở công ty gia đình ở QĐ Virgin (Anh) trốn thuế và tham nhũng ở Tokyo, Nhật Bản làm họ vô cùng căm giận! Hành động này của vị Tổng thống làm giảm uy tín của Khối Poroshenko trong QH Ukraine.

 

Nền kinh tế Ukraine suy sụp nghiêm trọng. Lạm phát tăng 43%, tiền tệ mất giá 350%, mức sống người dân giảm đi một nửa. Cắt quan hệ kinh tế với Nga, Kiev mất lợi thế hưởng giá dầu, khí đốt ưu đãi, thanh toán chậm. Nga cắt nguồn hợp đồng quốc phòng, hàng không làm mất đi 80% thu nhập. Hai nhà máy sản xuất máy bay Antonov và động cơ tên lửa Yuzhmash chỉ hoạt động cầm chừng 10-15% công suất. Năm 2014, hơn 7 triệu người dân Ukraine lao động ở Nga gửi về nước số tiền 9 tỷ USD bằng gấp 3 lần đầu tư trực tiếp nước ngoài, nay càng suy giảm. Nga cắt giao dịch ngân hàng, phong tỏa các nguồn vốn đầu tư và cấm vận một số mặt hàng nông sản làm cho nền nông nghiệp cạnh tranh của Kiev lao dốc, nông dân thất nghiệp, sản phẩm khó được tiêu thụ.

 

Ông A.Yastenyuk từ chức Thủ tướng, nhưng Đảng Mặt trận Nhân dân của ông vẫn là một phần của liên minh QH, trong bối cảnh 3 chính đảng khác cũng tuyên bố rút khỏi liên minh cầm quyền. Trước sức ép của các phe phái đòi bầu cử sớm, Tổng thống P.Poroshenko tuyên bố không giải tán QH. Ông Tổng thống vẫn hy vọng sự cứu cánh về kinh tế, an ninh từ phía Mỹ và phương Tây. Kiev hy vọng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ giải ngân khoản viện trợ 17,5 tỷ USD bị hoãn lại từ tháng 10-2015. Chính quyền Kiev trông ngóng khoản viện trợ 200 tỷ euro theo “Kế hoạch Marshall” do Nghị sĩ Đức K.Georgvelman, Chủ tịch Nhóm hữu nghị Đức-Ukraine mới tung ra!?

 

Vừa qua, Tòa án Tư pháp EU đã ra lệnh cho Tòa án Ukraine bồi thường cho cựu Tổng thống bị lật đổ V.Yanukovych và con trai ông 217.000 euro. Sau thời gian điều tra về tham nhũng, Tòa tuyên án ông này vô tội. Mặc dù trước đó, chính quyền Kiev cáo buộc ông V.Yanukovych biển thủ 1,5-1,9 tỷ USD công quỹ!?

 

Ông V.Yanukovych tuyên bố, sẽ trở về Ukraine tiếp tục hoạt động chính trị, sau khi Interpol rút lệnh truy nã! Đa số người dân Ukraine cho rằng, mối quan hệ song phương về kinh tế và xã hội, dưới thời Tổng thống V.Yanukovych, quốc gia này ổn định hơn hiện giờ rất nhiều. Ngoại trưởng Nga S.Lavrov cảnh báo, Mỹ đang diễn “trò chơi chính trị”, “NATO hướng Đông”, mở rộng về Ukraine hay Gruzia đều dẫn đến những hậu quả địa chính trị nghiêm trọng cho toàn châu Âu. Điều tra xã hội học có 72% số người được hỏi chấp nhận Crimea mất về Nga, chỉ 12% số người hy vọng bán đảo vẫn thuộc Kiev. Thế giới hy vọng, “Bộ tứ Normandy” và “Thỏa thuận Minsk-2” có thể là liều thuốc thần, đem lại hòa bình, thịnh vượng cho Ukraine.

 

 Nhật Minh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ