A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hồ sơ Panama-Cơn bão đen gian lận tài chính?

 

Thế giới vừa trải qua cơn chấn động tài chính mang tên Hồ sơ Panama (Panama Papers). Đó là những tiết lộ thông tin được công bố về việc Công ty Luật Mossack Fonseca (Mỹ) tại Panama đã giúp đỡ nhiều nhân vật có thế lực trốn thuế, rửa tiền, gian lận thương mại thông qua việc thành lập 214.000 công ty ma, quỹ tín dụng, hiệp hội; 511 ngân hàng liên quan trực tiếp đến hoạt động trốn thuế, rửa tiền. 

 

 

Hồ sơ Panama gây chấn động toàn cầu.  

  

Sự việc được phanh phui trên báo chí khi có sự hợp tác của Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) và một số tập đoàn truyền thông thế giới cùng 400 nhà báo làm việc ở 107 tờ báo, cơ quan truyền thông thuộc 76 quốc gia đồng loạt công bố ngày 3-4-2016. Theo đó, Hồ sơ Panama bao gồm khoảng 11,5 triệu tài liệu của Công ty Luật Mossack Fonseca bị rò rỉ, liên quan đến hơn 200 chính trị gia bao gồm 12 nhà lãnh đạo quốc gia (6 người đang tại chức), hơn 60 người thân, cộng sự của các chính trị gia cùng những nhân vật có thế lực, người nổi tiếng, tỷ phú, trùm ma túy dính vào thiên đường trốn thuế.

 

Chưa rõ thực hư về độ chính xác của thông tin này ra sao nhưng Hồ sơ Panama có sức công phá “bom tấn” làm rung chuyển chính trường nhiều quốc gia khi các chính trị gia bị buộc tội trốn thuế, rửa tiền, thu nhập thiếu minh bạch. Nạn nhân đầu tiên là Thủ tướng Iceland S.D.Gunnlaugsson buộc phải từ chức sau cáo buộc vợ ông này che giấu nhiều triệu USD thông qua một công ty ở nước ngoài. Nhiều hãng thông tấn bình luận, Hồ sơ Panama là trò chơi của Cơ quan Tình báo (CIA) Mỹ nhằm vào Nga, hạ thấp vị thế của Tổng thống Nga V.Putin. Nhưng phương Tây lại cho rằng, Nga đứng đằng sau vụ việc này nhằm đánh vào những khuất tất của Mỹ và đồng minh, vạch trần các hành động gian lận “kinh doanh kiểu Mỹ?” 

 

Công ty Luật Mossack Fonseca có thời gian hoạt động 40 năm, đóng trụ sở tại Panama và có văn phòng đại diện ở 40 nước, được cho là có uy tín trong nhiều năm qua. Đây cũng là chỗ dựa lòng tin cho các chính khách, các tỷ phú có thể rửa tiền, tránh lệnh trừng phạt và trốn thuế. Với những thủ đoạn tinh vi, hồ sơ che giấu chủ sở hữu thực của khoản tiền, nguồn gốc tiền và giấu kín danh tính của chủ tiền. Những chính khách được nêu tên xuất hiện ở nhiều quốc gia như Nga, Anh, Arab Saudi, Ukraine, Malay sia, Áo, Úc, Hà Lan, Ấn Độ, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Na Uy, Costa Rica, Argentina… Thế giới bất ngờ khi các chính trị gia, các nhà tư bản Mỹ lại không có tên trong danh sách này?

 

Hồ sơ Panama như cơn bão đen về gian lận tài chính làm hàng trăm quốc gia đồng loạt lên tiếng dù không có chính khách “dính bão”. Sau cú ngã ngựa của Thủ tướng Iceland, Tổng thống Argentina M.Macri chính thức bị Cơ quan Công tố nước này điều tra với cáo buộc ông và gia đình làm ăn với các công ty ở Panama. Thủ tướng Anh D.Cameron phải tường trình về khoản tiền và cổ phiếu được hưởng từ cha mình có dấu hiệu không minh bạch. Ngay sau đó, các chính trị gia nội các Vương quốc Anh lần lượt công khai thu nhập và thuế cá nhân.

 

Chính phủ El Salvador lập tức phong tỏa Công ty Luật Mossack Fonseca ở San Salvador để điều tra, bởi có dấu hiệu nhiều chính trị gia, doanh nhân thông qua việc thành lập 220 công ty gia nhập thiên đường trốn thuế. Tại thủ đô Valletta (Malta), hàng ngàn người dân biểu tình đòi Tổng thống J.Muscat từ chức khi hay tin 2 cộng sự trung thành của ông này có tên trong danh sách trốn thuế, rửa tiền.

 

Thủ tướng Pakistan N.Sharit cũng chịu chung búa rìu dư luận khi có tin 2 người con trai của ông dính vào hồ sơ đen. Hồ sơ Panama không nêu đích danh Tổng thống Nga V.Putin hay người thân trong gia đình ông dính dáng nghi án gian lận tài chính nhưng lại đăng ảnh ông bên cạnh thông tin người bạn thân của ông dính líu đến khoản tiền 2 tỷ USD mờ ám, hẳn là có chủ ý?

 

“Quả bom” Hồ sơ Panama rung động chính trường thế giới buộc các quốc gia phải siết lại các khâu yếu trong hàng trăm ngả đường trốn thuế. Văn phòng Công tố Panama chính thức công bố, mở cuộc điều tra liên quan đến các thông tin về hành vi rửa tiền, trốn thuế của hàng loạt các chính trị gia, doanh nhân, nhân vật nổi tiếng có tên trong danh sách đen.

 

Tổng thống Panama J.C.Valera khẳng định, sẽ hợp tác với Chính phủ các nước trên thế giới điều tra về các vụ bê bối này. Chính phủ Canada nhanh chóng vào cuộc điều tra các công dân nước này có hành vi gian lận thương mại, trốn thuế. Ông S.Wagenknecht, Trưởng đoàn Nghị sĩ Đảng Cánh tả QH Đức yêu cầu xem xét thành lập một ủy ban điều tra về việc trốn thuế. Bộ trưởng Tài chính Đức W.Schauble lập tức ủng hộ đề xuất này.

 

Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành điều tra về các thỏa thuận và giao dịch tài chính ở nước ngoài với các chính trị gia và các nhân vật nổi tiếng. Australia có đến hơn 800 công dân góp mặt trong Hồ sơ Panama, trong đó có 120 người có liên hệ với một công ty dịch vụ tài chính trụ sở đặt tại Đặc khu hành chính Hồng Kông (TQ). Chính phủ Israel cho điều tra 600 công ty và 2 ngân hàng có tên trong Hồ sơ.

 

Singapore cũng có hành động tương tự, cam kết hành động kiên quyết, hợp tác chống rửa tiền. Người phát ngôn Chính phủ Nga D.Peskov bác bỏ các cáo buộc cho rằng, các nhân vật thân cận với Tổng thống V.Putin nằm trong danh sách trốn thuế, rửa tiền; đồng thời khẳng định: Đây là âm mưu của Mỹ và phương Tây nhằm gây bất ổn tình hình ở Nga trước cuộc bầu cử sắp tới.

 

Giới quan sát chính trị đang tập trung phân tích tính sát thực của Hồ sơ Panama nhưng đều có chung nhận xét, những thông tin được tung ra trong Hồ sơ nhằm bôi nhọ những tổ chức, cá nhân mà Mỹ và các đồng minh đang hướng tới dù là trực tiếp hay gián tiếp; đồng thời gióng tiếng chuông cảnh báo các nhân vật quan trọng có hành vi trốn thuế, rửa tiền có thể sẽ bị đưa ra ánh sáng trong nay mai.

 

Nhật Minh

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ