A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì mục tiêu an toàn thực phẩm

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã ra Quyết định số 629/QĐ- BNN- QLCL ngày 2/3/2016, về việc ban hành Kế hoạch hành động năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp và Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP cũng đã ban hành Kế hoạch về việc triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2016 với chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”.

 

Mục tiêu của  “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” nhằm giải quyết căn bản những bức xúc nổi cộm hiện nay là sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi, tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông sản, thủy sản; đồng thời, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn.

 

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, đặc biệt là các chợ đầu mối, cung ứng rau, thịt, nông sản. Giảm thiểu ngộ độc thực phẩm từ rau, thịt mất an toàn thực phẩm. Thời gian phát động từ 15/4/2016 đến 15/5/2016 trên phạm vi toàn quốc.

 

Việc triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” là rất kịp thời giữa lúc dư luận và người tiêu dùng trong nước đang lo lắng vì tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và việc trồng rau không an toàn. Sự lo lắng thậm chí còn làm cho không khí nghị trường Quốc hội “nóng” lên vì những ý kiến chất vấn của đại biểu đối với Bộ NN&PTNT và các Bộ Y tế, Bộ Công thương về vấn đề VSATTP, trong đó tập trung vào việc sử dụng Salbutamol- một loại nguyên liệu để sản xuất thuốc điều trị hen suyễn, điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, chứ không phải chất dùng để tạo nạc trong chăn nuôi lợn.

 

Trong nhiều năm qua, vấn đề VSATTP tuy đã được các cơ quan chức năng coi trọng, nhưng trong thực tế vẫn xảy ra các vụ ngộ độc thức ăn, nhất là các bếp ăn tập thể mà nguyên do là từ thực phẩm không an toàn. Các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều người chăn nuôi, giết mổ, trồng  rau, củ, quả vì lợi nhuận trước mắt mà bất chấp các tiêu chuẩn cần thiết, hậu quả là không chỉ bị ngộ độc, mà người tiêu dùng còn bị ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, do dư lượng chất cấm, chất bẩn trong thực phẩm.

 

Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm, tính riêng trong quý I/2016, toàn quốc ghi nhận 25 vụ ngộ độc thực phẩm với 969 người mắc, 669 người phải nhập viện và đã có 2 trường hợp tử vong. Nguyên nhân ngộ độc được cho là do vi sinh vật (36%), độc tố tự nhiên (chiếm 12%), hóa chất (4%) và 48% vụ chưa xác định rõ nguyên nhân.

 

Hà Nội là một thị trường tiêu thụ với số lượng lớn thực phẩm so với cả nước. Tuy nhiên, thành phố mới tự đáp ứng được 60% lượng thực phẩm từ gia súc, gia cầm, còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố khác hoặc nhập khẩu từ nước ngoài. Tại Hội nghị đánh giá kết quả phối hợp trong công tác thú y giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố mới đây, các đại biểu đều cho rằng, công tác kiểm soát sản phẩm động vật từ các địa phương về Hà Nội còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho việc kiểm dịch, kiểm soát giết mổ. Như vậy, vấn đề kiểm soát nguồn thực phẩm đủ tiêu chuẩn tiêu dùng ở Hà Nội vẫn còn nhiều thách thức. Điều đó cũng có nghĩa là nguy cơ tác động tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng do thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ vẫn còn tiềm ẩn.

 

Kỳ vọng một tháng thực hiện VSATTP để tạo ra một sự chuyển biến căn bản, triệt để là rất khó. Song, mục đích của tháng  hành động này lại chính là việc nâng cao ý thức của người chăn nuôi, trồng trọt vì mục tiêu an toàn thực phẩm và vì sức khỏe cộng đồng và nâng cao ý thức, sự hiểu biết của người tiêu dùng về việc lựa chọn thực phẩm sạch, “nói không” với thực phẩm không an toàn, để cho mỗi bữa cơm gia đình luôn bình an và đầm ấm.

 

Hữu Văn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ