A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Luật An ninh mạng không nhằm kiểm soát và làm lộ thông tin cá nhân

 

QPTĐ-Luật An ninh mạng đã được kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV thông qua ngày 12/6/2018 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Để Luật An ninh mạng đi vào cuộc sống, mới đây, Bộ Công an đã công bố dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật An ninh mạng để lấy ý kiến nhân dân. Nhưng do thiếu thông tin, nhận thức chưa đúng về Luật An ninh mạng nên nhiều người vẫn băn khoăn, lo lắng đối với các quy định của luật này.

 

 

Trước hết là những người đang sử dụng không gian mạng lo ngại mình bị lộ thông tin cá nhân và các nhà mạng sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam. Tiếp đó là xuất phát từ lợi ích kinh doanh, một số doanh nghiệp, nhà mạng không muốn chịu sự quản lý của pháp luật nước sở tại, không muốn đóng thuế và chịu các nghĩa vụ liên quan. Đặc biệt, các thế lực thù địch với Việt Nam, phần tử phản động, cơ hội chính trị thì đã quyết liệt chống phá việc thông qua Luật An ninh mạng và hiện đang điên cuồng chống phá việc đưa Luật An ninh mạng vào cuộc sống. 


Khi Bộ Công an công bố dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật An ninh mạng để lấy ý kiến nhân dân, trên các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch, phần tử phản động ra sức tuyên truyền, chống phá bằng cách cố tình xuyên tạc, bóp méo nội dung của Luật An ninh mạng và dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành. Điển hình như các bài viết: “Việt Nam tiếp tục gia tăng kiểm soát mạng viện lẽ chống tin giả”; “Lo ngại dự thảo Nghị định An ninh mạng 'bóp nghẹt' tự do biểu đạt”; “Luật An ninh mạng để làm gì?”; “Dự Luật An ninh mạng: “Bức tường Ba Đình” và chiến thuật dọn đường cho những cuộc xâm lăng mới”; “Quốc hội có vi hiến hay không?”; “Luật An ninh mạng-Nguy cơ từ dự thảo hướng dẫn thi hành”...

 

Có thể thấy, đây là những chiêu trò không có gì mới. Vẫn là điệp khúc cũ, cho rằng Luật An ninh mạng sẽ có các điều khoản rất khắt khe, vô lý về tự do ngôn luận, nhân quyền, thông tin cá nhân. Nhất là quy định bắt buộc các nhà mạng phải mở Văn phòng đại diện tại Việt Nam và lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Chúng cho rằng, đây là những quy định vi phạm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, các Hiệp định cơ bản của WTO... Thậm chí, các đối tượng phản động cơ hội chính trị còn cho rằng, Luật An ninh mạng còn vi phạm Hiến pháp 2013.


Có thể khẳng định, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa đều xác định là việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ những hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng và để bảo vệ sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng hay các quyền và tự do của người khác. Các Hiệp định cơ bản của WTO cũng có những điều khoản quy định về ngoại lệ, đó là ngoại lệ về an ninh. Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam cũng tái khẳng định nguyên tắc trên, đó là ở Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm và chỉ có thể bị hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng... Như vậy, Luật An ninh mạng hoàn toàn phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đúng với tinh thần của Hiến pháp năm 2013.


Mặt khác, theo thống kê, cho đến nay đã có 18 nước có quy định là phải lưu trữ dữ liệu quan trọng trong nước để phục vụ công tác đảm bảo an ninh quốc gia như là Mỹ, Nga, Pháp, Úc, Đức, Canada, Trung Quốc... và đã được các doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ nước ngoài tuân thủ các quy định này. Hơn nữa, theo số liệu của Bộ Công an, hiện Google đã đặt khoảng 70 văn phòng đại diện, Facebook khoảng 80 văn phòng đại diện tại các quốc gia trên thế giới; tính đến tháng 01/2018, Google đã thuê 1.781 máy chủ, Facebook đã thuê 441 máy chủ của các doanh nghiệp Việt Nam để lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Vì vậy, quy định các nhà mạng phải mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam là phù hợp với thông lệ quốc tế và các nhà mạng như Google, Facebook hoàn toàn có thể đáp ứng được.


Bộ Công an cũng khẳng định: Luật An ninh mạng được ban hành không kiểm soát và làm lộ thông tin của công dân. Luật quy định chỉ khi phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng mới yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin cá nhân có liên quan tới hành vi vi phạm pháp luật đó. Vậy nên, những người đang sử dụng không gian mạng một cách chân chính, không có hành vi xâm phạm đối với an ninh mạng hoặc không có hành vi xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội thì sẽ không lo ngại thông tin cá nhân bị kiểm soát hay bị lộ.


Còn đối với các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị, với những quy định của Luật An ninh mạng thì từ nay, chúng sẽ không còn được tự tung tự tác trên không gian mạng, không còn cái gọi là “sự tự do trên mạng” để lan truyền những thông tin chống phá Đảng và Nhà nước, gây phương hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội của Việt Nam.


Đức Minh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ