A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

 

QPTĐ-Trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII, vấn đề kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong bảo vệ Tổ quốc được đề cập rõ hơn và ở vị trí xứng đáng hơn so với các kỳ Đại hội trước. Dự thảo Báo cáo chính trị nêu rõ: Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, đồng thời kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia-dân tộc.

 

 

Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại,

làm nòng cốt bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Bài học từ thực tiễn cách mạng


Tiến trình phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc luôn có sự gắn bó chặt chẽ với những nhân tố quốc tế. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là thắng lợi của sự kết hợp thành công nhân tố dân tộc với nhân tố thời đại, sức mạnh quốc gia với sức mạnh quốc tế. Sinh thời, Chủ tich Hồ Chí Minh luôn có quan điểm rõ ràng trong vấn đề này. Người nói: “Cách mạng An Nam là bộ phận của cách mạng thế giới. Ai làm cách mạng trong thế giới đều là đồng chí của nhân dân An Nam cả”. Phải giáo dục chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản cho nhân dân lao động nước mình, làm cho tinh thần yêu nước là một bộ phận của tinh thần quốc tế. Trong mối quan hệ giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, Hồ Chí Minh nhấn mạnh sức mạnh dân tộc là nguồn lực nội sinh giữ vai trò quyết định, còn sức mạnh thời đại là nguồn lực bên ngoài, nó sẽ làm cho sức mạnh dân tộc được tăng lên.

 

Người chỉ rõ: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được hưởng độc lập”. Phải kết hợp chặt chẽ mục tiêu đấu tranh cho độc lập dân tộc mình với các mục tiêu của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Thực tế, trong cách mạng giải phóng dân tộc, Việt Nam đã phát huy tối đa sức mạnh quốc tế, sức mạnh thời đại; kết hợp chúng một cách vô cùng hiệu quả với sức mạnh dân tộc. Bởi vậy, đã làm thay đổi tương quan lực lượng ngày càng có lợi trong chiến đấu và chiến thắng thực dân, đế quốc, các thế lực phản động, làm nên những bản hùng ca đẹp nhất của loài người tiến bộ trong thế kỷ XX. 


Trong 35 năm đổi mới, quan điểm Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Từ chỗ bị bao vây, cấm vận ngặt nghèo, đến nay, nước ta là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế: Có quan hệ ngoại giao đầy đủ với 185 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc, trong đó có 16 đối tác chiến lược và 14 đối tác toàn diện, có quan hệ với tất cả các nước lớn, tham gia vào 70 tổ chức quốc tế và khu vực. Nước ta có quan hệ ngoại thương với trên 230 thị trường, đã ký trên 90 hiệp định thương mại tự do song phương, hơn 60 hiệp định đầu tư, 54 hiệp định chống đánh thuế hai lần...

 

Đặc biệt, Việt Nam mới ký kết những FTA đặc biệt quan trọng như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP),  Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) với Liên minh châu Âu...Việt Nam cũng đảm nhiệm ngày càng nhiều chức trách trong ASEAN, Liên Hợp quốc mà mới nhất là năm Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc...Những kết quả, thành tựu trên đã đem lại cho đất nước môi trường quốc tế hòa bình, hữu nghị và các điều kiện thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học-kỹ thuật, bảo đảm quốc phòng, an ninh...

 

Kết hợp biện chứng hai nguồn lực sức mạnh


Trong giai đoạn hiện nay, trên phương diện củng cố sức mạnh dân tộc, vấn đề lớn nhất chính là nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, tiếp tục tụt hậu về trình độ phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhiều bức xúc xã hội chưa rõ phương hướng giải quyết, trong đó có sự lúng túng trong xây dựng nền giáo dục, y tế, văn hóa, đạo đức...của một quốc gia xã hội chủ nghĩa trong điều kiện kinh tế thị trường. Trên phương diện quốc tế, bất lợi, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam chính là quá trình điều chỉnh chiến lược của các nước lớn theo xu hướng chung là ưu tiên lợi ích quốc gia dân tộc, sẵn sàng thỏa hiệp một cách hết sức thực dụng, bấp chấp lợi ích, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước khác có liên quan. Đặc biệt, tranh chấp ở biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp. Các quốc gia lớn có những hành động chèn ép, quấy nhiễu đe dọa đến an ninh khu vực.


Để phát huy bài học kinh nghiệm mang tính quy luật của cách mạng Việt Nam về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế trong tình hình mới, trước hết phải luôn đặt lợi ích của quốc gia dân tộc lên trên hết, với nội hàm cụ thể hiện nay là xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, bảo vệ vững chắc độc lập và chủ quyền quốc gia. Đây là cơ sở hàng đầu để Đảng, Nhà nước và nhân dân quyết định những vấn đề đối nội, đối ngoại trọng đại của đất nước.


Kế thừa tinh thần “đem sức ta tự giải phóng cho ta”, phải biết “tự lực cánh sinh”, tự lực, tự cường. Sức mạnh dân tộc, sức mạnh nội sinh là yếu tố quyết định; sức mạnh thời đại, quốc tế, sức mạnh bên ngoài là yếu tố quan trọng, chỉ có tác dụng và hiệu quả khi sức mạnh bên trong được chuẩn bị kịp thời, đầy đủ.


Cùng với đó, phòng chống mọi biểu hiện tuyệt đối hóa. Không được thần thánh hóa sức mạnh dân tộc mà xem nhẹ sức mạnh thời đại, coi việc tìm kiếm những nguồn lực quốc tế là sự lệ thuộc vào nước ngoài, là dẫn tới mất độc lập, mất bản sắc trong phát triển, từ đó dẫn tới bảo thủ, biệt lập và nhất định sẽ đi đến chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Cũng không được xem nhân tố quốc tế như cứu cánh cho mọi vấn đề, dẫn tới xem nhẹ sức mạnh dân tộc, lãng phí nhiều lợi thế nội sinh, vô tình bỏ rơi nhiều di sản quý báu cho sự hưng thịnh của đất nước hiện nay.


Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế là vấn đề chiến lược, quyết định thành bại của sự nghiệp cách mạng, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Nội dung và phương thức kết hợp phải được xác định phù hợp với từng điều kiện cụ thể. Trong tình hình hiện nay, cần kế thừa thành tựu, kinh nghiệm của các thời kỳ trước kia; đồng thời, cần bám sát yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ, lợi ích của quốc gia dân tộc và các xu thế vận động của thế giới đang đổi thay để bảo đảm cho Việt Nam có được sức mạnh tổng hợp to lớn nhất, vững bước trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.


Phương Linh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ