A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dấu ấn nhiệm kỳ

 

QPTĐ-Trong bài phát biểu tại Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV-kỳ họp cuối cùng trước khi Quốc hội bước vào nhiệm kỳ mới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh đến vai trò  chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thể hiện rõ sự năng động, sáng tạo,  quyết liệt, kiên định thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là kết quả thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống hiệu quả đại dịch Covid-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, được nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. 

Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương tháng 12/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã nêu rõ: “... Trong 5 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP… Theo tính toán của IMF, quy mô kinh tế nước ta giờ đây đã đạt hơn 340 tỷ USD-đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương đương hoặc vượt qua một số nền kinh tế có trình độ phát triển cao trong khu vực, kể cả một số con hổ của Đông Á. Tăng trưởng kinh tế nay đã không còn phụ thuộc nhiều vào riêng một thành phần kinh tế nào, dù là DNNN hay FDI, mà vai trò của kinh tế tư nhân đang từng bước được khẳng định là một động lực quan trọng của đất nước như tinh thần Nghị quyết 10 của BCH TƯ (Khóa XII). Chúng ta cũng không tập trung vào một vài ngành kinh tế nào mà nay công nghiệp, dịch vụ; đặc biệt là nông nghiệp đều cùng giữ vai trò và đóng góp quan trọng. Nền kinh tế nước ta đã tạo ra được hơn 8 triệu việc làm mới cho người dân, trong đó bao gồm những người đến tuổi lao động và cả những người bị mất việc làm trước đó. Nhờ có việc làm tốt hơn, thu nhập của người dân ngày càng tăng lên, kinh tế phát triển, đời sống xã hội tốt đẹp hơn. Hiện thu nhập bình quân mỗi lao động đạt gần 5.000 USD một năm. Tính cả nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân của người dân chúng ta đã tăng gần 145%. Đánh giá theo tiêu chuẩn của WB tính theo sức mua tương đương, thu nhập trung bình của người dân Việt Nam tương đương gần 9.000 USD…”.

Bắt đầu nhiệm kỳ mới 2016-2021, Chính phủ đã đứng trước không ít những khó khăn, thách thức nhưng sau một nhiệm kỳ, Chính phủ để lại dấu ấn sâu sắc về cải cách thể chế và thay đổi cách tiếp cận về Chính phủ điện tử, đặt nền móng cho việc tiến vào kỷ nguyên số một cách vững chắc. Khi được hỏi về những quyết sách để tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những “cú sốc” bên ngoài? Thủ tướng trả lời: “Chúng ta phải tiếp tục thực hiện cải cách thể chế, thể chế và thể chế để phù hợp hơn với kinh tế thị trường”. Chính phủ mới đã khơi dậy sức sống mới từ “cải cách thể chế”, “quốc gia khởi nghiệp”, “tự cường dân tộc”. Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp cũng được điều chỉnh viết lại theo tinh thần này; các loại giấy phép “rào cản” được bãi bỏ. Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk nhận xét, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã cắt giảm 3.893 trong tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh, chiếm 63% và khẳng định: “Chính phủ đã làm rất tốt trên nhiều mặt mà đầu tiên là việc tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh”. Kinh tế tư nhân đã thể hiện tõ nét là “động lực quan trọng” để phát triển. Họ đã đầu tư vào sản xuất ô tô, điện thoại thông minh, sân bay…có tính cạnh tranh quốc tế và đang dân tham gia vào các dự án lớn quốc gia đường cao tốc Bắc-Nam, đường ven biển… Cùng với sự phát triển của internet, Chính phủ đã đẩy mạnh việc xây dựng “Chính phủ điện tử”, được thể chế hóa thành các quyền và nghĩa vụ của các cơ quan hành chính; có mục tiêu, lộ trình, tiêu chuẩn được đặt ra rõ ràng; tầm nhìn liên thông dữ liệu toàn quốc; các cổng kết nối toàn quốc được ban hành. 

Phát biểu tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Chúng ta cần tiếp tục phải duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp dưới 4% và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, không để xói mòn các nền tảng vĩ mô mà chúng ta đã dày công tạo dựng”.

Đó là lời nhắn nhủ và di sản mà Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 để lại cho nhiệm kỳ sau. 

Hữu Văn
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ