A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Căng thẳng quan hệ Nga-Mỹ, NATO đốt nóng châu Âu

 

Hai năm qua, quan hệ Nga-Mỹ dường như phủ bóng đen u ám sau sự kiện Crimea, khủng hoảng chính trị ở Ukraine. Mỹ và các đồng minh phương Tây không chỉ cấm vận kinh tế Nga mà chính sách phát triển NATO áp sát biên giới Nga đã, đang làm cho đường lối quân sự, ngoại giao Nga, Mỹ trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh hơn 30-40 năm về trước. 

 

 

Binh sĩ Nga . (Ảnh Internet)

 

Đặc biệt, tuần qua (12-5), Mỹ chính thức kích hoạt hệ thống lá chắn tên lửa Aegis (ABM) trị giá 800 triệu USD ở Romania, đồng thời bố trí hệ thống phòng thủ ABM trên các khu trục hạm, tuần dương hạm ở Biển Đen, Địa Trung Hải; khởi công hệ thống phòng thủ ABM ở Ba Lan (13-5) dự kiến hoàn thành năm 2018.

 

Theo lý thuyết, hệ thống ABM của Mỹ trên bộ và trên biển, các dàn radar đặt khắp châu Âu sẽ bảo vệ được các đồng minh NATO khỏi mối đe dọa từ tên lửa tầm ngắn, tầm trung của nước ngoài tấn công; tầm bao phủ của hệ thống ABM trải dài từ Greenland đến quần đảo Azore (Bồ Đào Nha) trên Đại Tây Dương. Mỹ đặt Trung tâm chỉ huy toàn hệ thống ở một căn cứ không quân Mỹ-NATO tại CHLB Đức. Theo Lầu Năm Góc, hệ thống ABM là “vô hại” với Nga. ABM không nhằm vào Nga, chỉ là lá chắn phòng thủ đề phòng khả năng tấn công tên lửa đạn đạo có nguy cơ xảy ra từ Iran, Triều Tiên?! Tất nhiên, người Nga cũng không dễ dàng ngây thơ vội tin những lời đường mật đưa ra từ phía Mỹ!

 

Việc Mỹ và NATO triển khai 2 hệ thống lá chắn tên lửa Aegis và radar cảnh giới trên đất liền ở Đông Âu, phớt lờ các cảnh báo của Nga, được Tổng thống Nga V.Putin cho là, đang đe dọa an ninh quốc gia của Nga, phá hoại hòa bình trong khu vực, gây chao đảo hệ thống an ninh quốc tế, khơi mào cho cuộc chạy đua vũ trang mới.

 

Ông chủ Điện Kremli cảnh báo, Nga không để bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang vô bổ với Mỹ và NATO nhưng sẽ xem xét một cách thận trọng các kế hoạch phát triển quân sự của mình, đảm bảo giữ vững chủ quyền và an ninh quốc gia, gìn giữ sự cân bằng lực lượng chiến lược và không cho phát sinh xung đột quân sự quy mô lớn. Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc, Mỹ triển khai các bệ phóng ABM trên đất liền ở Romania và máy bay tấn công không người lái là hành vi vi phạm trực tiếp Hiệp ước về xóa bỏ tên lửa tầm ngắn và tầm trung (Hiệp ước INF) mà 2 nước đã ký kết. Trước đó, Hải quân Mỹ đã nâng cấp gần 50 tàu chiến, trang bị Aegis trong hệ thống phòng thủ tên lửa NMD, mục tiêu đến năm 2020 nâng số lá chắn tên lửa hiện đại lên 200 đơn vị.

 

Trên thực tế, mối quan hệ giữa hai cường quốc Nga (Liên Xô), Mỹ vừa là đối tác, vừa là đối thủ chưa bao giờ xuôi chiều mát mái. Từ thời hậu Xô viết, chưa thời gian nào căng thẳng Nga-Mỹ lại nóng bỏng như những tháng ngày qua. Mỹ đã thành công thời kỳ Chiến tranh Lạnh với cuộc chiến dầu mỏ và chạy đua vũ trang Xô-Mỹ là nguyên nhân kinh tế sớm đưa Liên bang Xô viết đến sụp đổ.

 

Cả Nga và Mỹ hẳn chưa quên bài học đó, nhất là Tổng thống V.Putin? Từ lâu nay, Mỹ đã quảng bá trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa ABM ở châu Âu bị Nga phản đối; rồi hệ thống tên lửa THAAD ở Nhật Bản, Hàn Quốc bị Trung Quốc bài trừ nhưng tại sao Mỹ bước qua ranh giới đỏ vẫn triển khai? Thực chất các hệ thống tên lửa kia có đích thực là lá chắn, loại bỏ được tên lửa đạn đạo mang đầu đạn thông thường, đầu đạn hạt nhân như lý thuyết?

 

Sau khi Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa tan rã, thế giới rơi vào đơn cực. Mỹ nổi lên mạnh mẽ, thể hiện vai trò Chú Sam-Cảnh sát toàn cầu, vung cây gậy chỉ huy thế giới với thành tích không hề kém cỏi, họ đã có công xóa sổ hệ thống chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Mỹ và phương Tây bất ngờ khi Nga và ông V.Putin có quyết định cứng rắn sử dụng lực lượng quân sự, giải quyết xung đột ở Gruzia, Checnya; rồi đến bán đảo Crimea và chống khủng bố ở Syria! Nước Nga đủ tiềm lực kinh tế sẵn sàng chống lại bao vây cấm vận của Mỹ và phương Tây.

 

Quân đội Nga thể hiện sức mạnh vượt bậc về kỹ thuật, chiến thuật, trinh sát và khả năng chỉ huy tác chiến điện tử hiện đại. Lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga không kích ở Syria cho thấy sức mạnh thật sự của một đội quân tinh nhuệ, hiện đại. Giới quân sự Mỹ chỉ ghi nhận sức mạnh hạt nhân chiến lược của Nga mà chưa đánh giá hết các vũ khí hiện đại và chỉ huy tác chiến điện tử của quân đội Nga. Cuộc chiến chống khủng bố của Nga ở Syria cho thấy, máy bay chiến đấu (tiêm kích, ném bom, trực thăng, vận tải, máy bay chiến lược tầm xa), xe tăng, thiết giáp, hệ thống pháo phản lực, tàu ngầm, tàu nổi, tên lửa hành trình tầm xa, S-400, bom và tên lửa thông minh… tham chiến, hiệu quả cao.

 

Nga chỉ sử dụng vũ khí thông thường, chưa dùng đến vũ khí hạt nhân mà “hiệu suất tác chiến 1 tháng bằng Mỹ và liên quân Arab tấn công quân IS/1năm?”. Mỹ và NATO tâm phục khẩu phục trước đòn tấn công bằng tên lửa hành trình của Nga từ biển Caspian trên tàu nổi, tàu ngầm xa 1.500 km giáng xuống quân khủng bố ở Syria chính xác từng mục tiêu. Các trang thiết bị, vũ khí của Nga tác chiến ở Syria như tàu chiến, tên lửa hành trình, chiến đấu cơ, trực thăng chiến đấu, S-400 được các quốc gia đặt hàng số lượng, chủng loại tăng gấp rưỡi, gấp đôi năm ngoái, hy vọng về ngành công nghiệp quốc phòng có cơ hội tăng trưởng.

 

Mấy năm gần đây, dường như Mỹ đã thành công trong chiến dịch ngoại giao, làm cho các quốc gia châu Âu có tâm lý sợ Nga “xâm lược”, “thôn tính?” Liên minh châu Âu (EU) rồi đến Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) như chưa chịu dừng lại số nước 28, đang có 2-3 quốc gia nữa ghi tên tham gia? Sau các nước Đông Âu đến Baltic gia nhập NATO lại như hăng hái nhất làm đồng minh của Mỹ nhận viện trợ quân sự, mua sắm và trang bị vũ khí Mỹ.

 

Đầu tháng 5-2016, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ A.Carter và Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg tuyên bố, NATO triển khai 6.000 binh sĩ tập trận gần biên giới Nga với tình huống “bị đe dọa xâm lược?”, “chống lại cách hành xử hung hăng từ Nga?”. NATO thành lập mới 4 tiểu đoàn phản ứng nhanh (khoảng 4.000 binh sĩ) đến 6 khu chỉ huy ở Bulgaria, Estonia, Latvia, Lihuania, Ba Lan, Romania. Mỹ không giấu giếm ý định viện trợ kinh tế, quân sự cho các nước giáp biên giới Nga, thuộc Liên Xô (cũ) như Ukraine, Gruzia… kìm chế sự lớn mạnh của Nga!

 

Mặc dù tăng trưởng kinh tế giảm nhưng Tổng thống Nga V.Putin tham vọng năm 2020 hiện đại hóa quân đội đạt 70% yêu cầu. Bộ trưởng Quốc phòng Nga S.Shoigu tuyên bố, mới thành lập thêm 3 sư đoàn Quân khu miền Tây, nâng số đơn vị dưới thời ông cầm quyền 3 năm qua tăng thêm 8 đơn vị lớn, 25 sư đoàn, 15 lữ đoàn (chủ yếu là lực lượng phòng không, không quân, xe tăng, thiết giáp, đặc nhiệm), nhằm bảo vệ 28 vùng lãnh thổ và 3.000 km đường biên giới.

 

Mỹ, Nga có tiềm lực quốc phòng số 1, số 2 thế giới và kho vũ khí hạt nhân khổng lồ. Khó có thể xảy ra xung đột Nga-Mỹ, NATO nhưng căng thẳng quan hệ Nga-Mỹ đốt nóng cả châu Âu khi nền kinh tế khu vực đang băng giá!

 

 Nhật Minh

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ