A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cạnh tranh dầu mỏ-Cuộc chiến kinh tế, chính trị?

 

Đã 18 tháng qua, dầu mỏ thế giới sụt giá thảm hại. Ở thời điểm này, dầu dao động ở mức 30 USD/ thùng, giảm 2/3 so với thời giá năm 2014 và cũng là thời điểm giá dầu thấp nhất kể từ năm 2003. Nguyên nhân chính là do cung vượt cầu, khủng hoảng thừa gần 2 triệu thùng dầu thô/ngày. Các chuyên gia dự báo giá dầu có thể giảm sâu đến 20 USD/thùng, báo hiệu sự khai tử nhiều doanh nghiệp ngành Dầu khí. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đứng đầu là Saudi Arabia-Nguồn cung cấp dầu thô lớn nhất thế giới tuyên bố, quyết không giảm sản lượng khai thác. Tuy vậy, (16-2) với nỗ lực hòng cứu giá dầu, các quốc gia dầu lửa: Saudi Arabia, Nga, Venezuela, Qatar nhóm họp tại Doha (Qatar) đi đến thỏa thuận, giữ nguyên sản lượng khai thác dầu thô ở mức như tháng 1-2016, đồng thời kêu gọi các nhà sản xuất lớn không tăng thêm sản lượng. Liệu đây có phải là giải pháp hữu hiệu cứu giá dầu?

 

 

Cuộc chiến dầu mỏ đang hết sức khốc liệt.

 

Hiện, tổng sản lượng dầu các nước OPEC đạt 31,7 triệu thùng/ngày nắm giữ gần 40% sản lượng khai thác dầu mỏ thế giới, trong đó Sadi Arabia khai thác gần 11 triệu thùng/ ngày. Hai nước có sản lượng lớn thứ 2-3 là Nga hơn 10 triệu thùng/ngày, Mỹ gần 10 triệu thùng/ngày. Tuy vậy, áp dụng công nghệ mới về khai thác dầu đá phiến sét, Mỹ có thể tăng gấp 1,5-2 lần sản lượng dầu mỏ/ngày, với giá thành hạ, cạnh tranh. Ba quốc gia: Saudi Arabia, Mỹ, Nga mới thực sự chi phối thị trường dầu mỏ toàn cầu cả về nguồn cung và giá cả nhưng tại sao, giá dầu thô lại giảm không theo toan tính của các nước này?

 

Trước hết, dầu mỏ thế giới rớt giá thảm hại là do cuộc chiến của Tổ chức OPEC và Saudi Arabia nhằm chống Mỹ, diệt Nga, hòng độc chiếm thị phần phân phối dầu mỏ, khí đốt toàn cầu! Saudi Arabia cam kết, dù giá dầu xuống 10-15 USD/ thùng, OPEC cũng không ngừng giảm sản lượng khai thác để nhường thị trường năng lượng béo bở này rơi vào tay Mỹ, Nga?! Các chuyên gia cho rằng, ngoài việc “tương kế, tựu kế”, Saudi Arabia bắt tay với Mỹ đánh sập kinh tế Nga từ nguồn thu xuất khẩu dầu mỏ, Vương quốc dầu lửa vùng Vịnh này cũng âm mưu hạ đo ván ngành Dầu khí Hoa Kỳ- “một mũi tên trúng hai đích”!

 

Nga lên tiếng cảnh báo, từ tháng 6-2014, Saudi Arabia làm bất ổn thị trường dầu bằng cách tăng sản lượng khai thác lên thêm 1,5 triệu thùng/ngày, đồng thời tăng lượng xuất khẩu, làm giá dầu lên tục lao dốc. Những năm 80 thế kỷ XX, Mỹ và Saudi Arabia gây náo loạn kinh tế Liên Xô, khi Mỹ phá giá đồng USD gần 30% làm giá trị doanh thu thực tế xuất khẩu dầu của Liên Xô suy sụp.

 

Đồng thời, Saudi Arabia tăng sản lượng khai thác, xuất khẩu gấp 5 lần (2 triệu thùng lên 10 triệu thùng/ngày) tạo “cung” vượt “cầu”, hạ giá từ 30 USD/thùng xuống 10 USD/ thùng làm ngân sách Liên Xô điêu đứng. Hiện, ngân sách Nga phụ thuộc 50% từ nguồn thu dầu mỏ, 70% sản lượng dành cho xuất khẩu, chiếm 1/4 GDP nên Mỹ, Saudi Arabia không dễ quên bài học cũ! Tăng trưởng kinh tế Nga năm 2015 giảm xuống 3,7%, dự kiến chỉ còn 0,7% năm 2016. Nga phải bán cổ phần 50% Sberbank và 60,9% VTB là 2 ngân hàng lớn thứ nhất, nhì quốc gia để bù ngân sách thiếu hụt, cứu vãn nền kinh tế.

 

Mỹ- Nền kinh tế lớn số 1 thế giới, tiêu thụ dầu mỏ khủng đã tìm ra lối thoát khai thác dầu đá phiến sét đáp ứng nhu cầu thiếu hụt năng lượng. Dầu mỏ sụt giá, hơn 100 công ty khai thác, chế biến dầu của Mỹ phá sản, tạm đóng cửa, sáp nhập trong năm qua, do thua lỗ. Tập đoàn Halliburton- Hãng dầu khí lớn thứ 2 đã mua lại Hãng dầu lớn thứ 3: Baker Hugues. Mặc dù phải giảm công suất hoặc duy trì hoạt động chờ thời nhưng các mỏ dầu đá phiến ở Mỹ cho thấy, khi giá dầu 20 USD/ thùng, họ vẫn có lãi, trong khi giá khai thác dầu mỏ bình quân các nước khá cao khoảng 40 USD/ thùng? QH Mỹ vừa tháo khoán cho các công ty Mỹ xuất khẩu dầu sau 40 năm cấm đoán, càng làm thị trường dầu thế giới tăng sự ế thừa.

 

Dỡ bỏ cấm vận, Iran đã nối lại sản lượng 0,5 triệu thùng/ ngày, triển vọng đạt 2 triệu thùng trong vài tháng tới. Quốc gia Hồi giáo này đang xuất khẩu 1,75 triệu thùng dầu/ ngày trong 2 tháng đầu năm 2016. Chiến tranh và khủng hoảng Trung Đông: Iraq, Syria, Libya; khả năng buôn lậu dầu mỏ Thổ- IS cũng tác động không nhỏ, đẩy giá dầu lên xuống theo xu thế chính trị.

 

Saudi Arabia cũng lâm vào tình trạng “gậy ông đập lưng ông”, thâm hụt ngân sách năm 2015 tăng 15% GDP, mất gần 100 tỷ USD năm 2015 và dự kiến thâm hụt 87 tỷ USD năm 2016. Sáu nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (Saudi Arabia, Kuwait, Bah rain, Oman, Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) thâm thủng ngân sách 180 tỷ USD; trong khi dầu giữ giá 100 USD/ thùng vào năm 2013, thặng dư mậu dịch của nhóm này là 183 tỷ USD. Kinh tế Venezuela- thành viên OPEC, rơi vào suy thoái, không chỉ bởi Mỹ cấm vận mà ngân sách phụ thuộc 90% vào xuất khẩu dầu mỏ.

 

Giá dầu lao dốc, 35% số công ty dầu khí niêm yết trên thị trường chứng khoán thế giới, khoảng 175 công ty có nguy cơ phá sản và 160 công ty khác đối mặt với tình trạng nguy hiểm. Các chuyên gia dự báo, sẽ diễn ra làn sóng sáp nhập, mua bán trong ngành Dầu khí thế giới.

 

Giá dầu giảm mạnh, hệ lụy ập đến với ngành Dầu khí nhưng lại là cơ hội tăng trưởng cho các ngành kinh tế khác, bởi năng lượng đầu vào giảm, chi phí giá thành giảm mạnh, tạo cơ hội cạnh tranh. Nga nhanh chóng bố trí cơ cấu nền kinh tế tự lực, đa dạng hóa, phát triển khoa học công nghệ, tăng thu nhập từ các ngành sản xuất khác, giảm phụ thuộc chủ yếu vào dầu lửa nên Thủ tướng Nga S.Mevedev tuyên bố: Năm 2016, kinh tế Nga bước vào giai đoạn phục hồi và tăng trưởng.

 

Nền kinh tế Mỹ- Quốc gia lớn mạnh số 1 đang phục hồi sau vụ đổ vỡ tài chính Phố Wall, tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh, chứng tỏ nước Mỹ không bị lệ thuộc quá nhiều do dầu giảm giá. Mỹ, TQ, Ấn Độ là những nước tiêu thụ nhiều năng lượng dầu khí. Vì thế, sự tăng trưởng kinh tế của các quốc gia này có ảnh hưởng trực tiếp vào thị trường dầu mỏ, trong khi TQ- Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang đạt tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua. Sản lượng tiêu thụ toàn cầu thấp cũng là yếu tố kìm hãm tăng giá dầu trong tương lai gần.

 

Các chuyên gia dự báo, giá dầu mỏ thế giới còn tiếp tục lao dốc đến 20 USD, do các nguyên căn về kinh tế, chính trị do liên minh Mỹ- Saudi Arabia chống phá Nga, thôn tính thị trường dầu mỏ thế giới. Nhưng, người ta vẫn hy vọng, dầu không giảm giá mãi, khả năng khôi phục giá 60-80 USD/ thùng sẽ đạt được vào năm 2017-2018.

 

 Nhật Minh

 

                                                              


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ