A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cánh quân duyên hải trong Đại thắng mùa Xuân 1975

 

Xa lộ Biên Hòa-Sài Gòn là một tuyến chiến lược nối giữa Sài Gòn và khu quân sự liên hợp Biên Hòa-Long Bình được Mỹ xây dựng để phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược của chúng. Đây là con đường cao tốc hiện đại. Mặt đường rộng, hai bên đường dày đặc các kho tàng, công trình quân sự và các căn cứ quan trọng của địch. Thọc sâu bằng lực lượng cơ giới vào Sài Gòn theo trục đường này, Quân đoàn 2 có thuận lợi là đường rộng và tốt, dễ cơ động; nhưng có những khó khăn là lực lượng địch đông, nếu chúng ngoan cố chống cự, Quân đoàn dễ tổn thất lớn trước khi đánh vào được nội đô. Mặt khác, sau khi chiếm được cầu Xa Lộ, Đồng Nai, Quân đoàn còn phải tiến qua một chiếc cầu lớn khác (cầu Xa Lộ, Sài Gòn) mới vào được bên trong thành phố. Nếu để địch có thời gian kịp phá cầu, lực lượng đột kích cơ giới của Quân đoàn sẽ gặp khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.

 

 

 

Trung tướng Anh hùng LLVTND Nguyễn Phúc Thanh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,

nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần,  nguyên Tư lệnh Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang).

 Năm 1975, đồng chí là Quyền Tham mưu trưởng Sư đoàn 324, Quân đoàn 2.

 

Nắm vững tình hình đó, vào lúc 4 giờ ngày 30-4, tại một điểm cạnh cầu sông Buông, Bộ Tư lệnh Quân đoàn cùng một số cán bộ cơ quan và chỉ huy các phân đội trong đội hình đột kích thọc sâu bàn bạc, hạ quyết tâm vượt xa lộ Biên Hòa – Sài Gòn đánh thẳng vào thủ phủ chính quyền Sài Gòn. Các chỉ thị về tác chiến bảo đảm hậu cần, động viên tinh thần bộ đội và thực hiện chính sách khi đánh vào thành phố cũng đã được đề cập tới một cách cụ thể hơn ở cuộc hội ý chớp nhoáng này. Bởi vậy, tảng sáng 30-4, vừa giải quyết xong khu vực cầu Xa Lộ qua sông Đồng Nai, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 lập tức ra lệnh cho lực lượng đột kích cơ giới nhanh chóng đánh ngay về Thủ Đức-Sài Gòn.

 

Toàn Quân đoàn sôi sục khí thế thần tốc, quyết thắng, khẩn trương tiến nhanh qua những ki lô mét cuối cùng đánh vào chiếm lĩnh các mục tiêu quy định. Bầu trời Sài Gòn như vỡ ra bởi tiếng nổ rung chuyển của đạn pháo các cỡ và tiếng gầm của hàng chục nghìn động cơ máy nổ đang rú ga xông tới. Quân địch vẫn đang hi vọng dựa vào lực lượng còn lại của chúng đến chặn quân ta và trông chờ giải pháp thương lượng với ta của Dương Văn Minh. Khi lực lượng đột kích cơ giới của Quân đoàn 2 lướt qua nhiều tuyến ngăn chặn của địch vào đến khu vực Thủ Đức thì bị địch chặn lại.

 

Sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn điều hai khẩu pháo 85 lên bắn thẳng vào trận địa địch. Đại đội 12, Tiểu đoàn 7 cao xạ cũng nhanh chóng triển khai trận địa ngay trên xa lộ, hạ nòng pháo 57 bắn sập một đài quan sát, tiêu diệt hai trận địa cối và nhiều binh lính địch. Các xe tăng Tiểu đoàn 5, Lữ đoàn 203 đã chiến đấu rất dũng cảm. Đặc biệt là xe tăng 707 do đồng chí Trần Quang Nhàn chỉ huy được lệnh đánh vòng phía sau khu huấn luyện Thủ Đức đã dũng mãnh đột phá chọc thủng trận địa phòng ngự, tung hoành trong căn cứ, diệt nhiều địch. Bị súng chống tăng địch bắn cháy xe, cả năm chiến sĩ trên xe tăng 707 vẫn anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Tấm gương hi sinh dũng cảm đó đã để lại cho nhân dân xã Tăng Nhơn Phú lòng cảm phục sâu sắc.

 

Để kịp thời phục vụ Bộ Tư lệnh chiến dịch, Quân đoàn 2 chỉ huy lực lượng thọc sâu đánh vào nội đô, nhiều cán bộ và cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần Quân đoàn được phái đi bám sát bộ đội hành tiến chiến đấu. Trong quá trình đột phá theo trục đường số 15 và xa lộ Biên Hòa – Sài Gòn, nhiều cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, các cán bộ cơ quan Quân đoàn đã nêu gương dũng cảm, quên mình vì nhiệm vụ.

 

Đồng chí Bùi Dân Chủ, Trợ lí Pháo binh, đồng chí Phạm Văn Chu, Trợ lí Công binh anh dũng hi sinh trong cuộc chiến đấu mở đường qua cầu Xa Lộ. Họa sĩ Lê Duy Ứng, Trợ lí Tuyên huấn Quân đoàn đi cùng đơn vị xe tăng Lữ đoàn 203 đã bị thương hỏng cả hai mắt trước cửa ngõ Sài Gòn... Với tinh thần tích cực và chủ động, cán bộ, chiến sĩ cơ quan Quân đoàn đã góp phần xứng đáng vào chiến công chung của cả đơn vị.

 

9 giờ ngày 30-4, xe của Tư lệnh Quân đoàn vào tới Thủ Đức. Thấy Tiểu đoàn 5 xe tăng của Lữ đoàn 203 đang dồn lực lượng đánh địch ở khu vực Thủ Đức, Tư lệnh Quân đoàn lệnh cho Tiểu đoàn 5 lập tức đuổi theo đội hình của Lữ đoàn 203 đánh vào mục tiêu chính. Nhiệm vụ đánh chiếm khu vực Thủ Đức, Binh đoàn giao cho Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 thực hiện.

 

Trong thời gian đó, bộ phận đi đầu lực lượng thọc sâu cơ giới của Quân đoàn đã tiến sát tới cầu Sài Gòn. Cũng như cầu Xa Lộ Đồng Nai, cầu Xa Lộ Sài Gòn ngay từ trước đã được bộ đội đặc công đánh chiếm và bảo vệ. Không cho địch phá hoại. Nhưng trên mặt cầu và trên đường tiến lên cầu, địch vẫn ngoan cố bố trí sẵn lực lượng đánh chặn ta và dựng các vật chướng ngại cản trở cơ giới ta phát triển tiến qua cầu.

 

Khi xe tăng của Lữ đoàn 203 vừa tiến vào đầu cầu phía bắc, quân địch giữ cầu nổ súng bắn vào đội hình thọc sâu của Quân đoàn. Hai xe tăng của Lữ đoàn 203 trúng đạn bốc cháy. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 xe tăng, hai cán bộ đại đội và một số cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 203 xe tăng và Lữ đoàn 219 công binh đã anh dũng hi sinh. Đại đội 5, Tiểu đoàn 8 bộ binh, Sư đoàn 304 bị thương vong một số.

 

Để đập tan sự kháng cự của địch ở khu cầu Sài Gòn, Phó Tư lệnh và Phó Chính ủy Quân đoàn đang trực tiếp nắm các bộ phận đi trước của lực lượng thọc sâu cơ giới lập tức ra lệnh cho quyền Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 tiến đánh lực lượng địch co cụm ở phía Tây đường và chỉ định cho pháo tầm xa bắn vào khu vực cầu 100 quả đạn, chi viện cho bộ binh, xe tăng đột phá qua cầu. Tiểu đoàn 7 pháo cao xạ cũng được lệnh phát huy hỏa lực bắn máy bay, không cho chúng ném bom phá cầu và hạ thấp nòng phối hợp với pháo 85 đánh tầu chiến dịch. Được hỏa lực pháo binh, cao xạ chi viện, Sư đoàn 304 phối hợp chiến đấu, Lữ đoàn 203 xe tăng triển khai đội hình đột phá qua cầu Sài Gòn.

 

Lực lượng thọc sâu cơ giới của Quân đoàn đã tiêu diệt và đánh tan toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch ở khu vực cầu Sài Gòn. Đồng chí Trần Minh Công, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 203 ra lệnh cho Đại đội 4 xe tăng vượt lên dẫn đầu đội hình thọc sâu vào nội thành. Phát triển tới cầu Thì Nghè, gặp địch chống cự, Đại đội 4 xe tăng nổ súng tiêu diệt 4 chiếc M.41, M.113 và nhanh chóng vượt qua cầu tiến theo đường Hồng Thập Tự.

 

Tiếng gầm rú của xe tăng xen lẫn tiếng động cơ vang rền của hàng trăm xe cơ giới khác đang dấn ga xông tới làm cho quân địch hết sức hoảng loạn. Chúng vứt súng, trút bỏ quân phục, trà trộn trong dân hoặc tháo chạy thục mạng. Được nhân dân chỉ đường, đoàn xe tăng, cơ giới của Quân đoàn rầm rập tiến thẳng vào chiếm Dinh Độc Lập, theo đường Hồng Thập Tự vào đường Thống Nhất.

 

Buổi sáng 30-4 ở Dinh Độc Lập, Dương Văn Minh đang chủ trì cuộc họp để chuẩn bị cho lễ ra mắt “tân nội các” dự định sẽ tiến hành vào 10 giờ sáng. Nhưng khi nhận được tin các đơn vị nòng cốt bảo vệ vòng ngoài đều bị tiêu diệt và tan rã, các binh đoàn, quân đoàn của Quân giải phóng từ nhiều hướng đã tràn vào tới nội đô, Dương Văn Minh buộc phải đưa ra một bản tuyên bố trên Đài phát thanh Sài Gòn “xin ngừng bắn.... để cùng thảo luận về việc bàn giao chính quyền”! Nhưng khi các cánh quân của ta từ nhiều hướng dũng mãnh đè bẹp mọi sự kháng cự cuối cùng của địch, đang ồ ạt tiến vào nội đô Sài Gòn, thì mọi toan tính của chính quyền Sài Gòn đã quá muộn!

 

Cũng trong sáng 30-4, từ Hà Nội, Bộ Chính trị điện chỉ thị cho mặt trận như sau: “Tiếp tục tiến vào Sài Gòn theo kế hoạch, tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của địch”.

 

Nhận được điện Chỉ thị của Bộ Chính trị, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã lệnh cho các quân khu, quân đoàn, đơn vị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

 

Khi nghe Đài phát thanh Sài Gòn thông báo Tổng thống chính quyền Sài Gòn yêu cầu ngừng bắn thì cán bộ, chiến sĩ ta hiểu rằng, giờ toàn thắng đã đến và càng quyết tâm tiến nhanh vào chiếm Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ bọn đầu sỏ chính quyền Sài Gòn.

 

Đoàn xe tăng, cơ giới của Quân đoàn 2 tiến vào tới trước cửa Dinh Độc Lập. Xe tăng 843 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận trực tiếp làm trưởng xe luôn dẫn đầu; kíp xe gồm: Thái Bá Minh, Nguyễn Văn Kỳ và Lừ Văn Thái. Tiếp sau là xe 390 do Chính trị viên đại đội Vũ Đăng Toàn chỉ huy; kíp xe gồm: Lê Đình Phượng, Nguyễn Văn Tập và Ngô Sĩ Nguyên.

 

Riêng pháo thủ Đỗ Cao Trường bị thương phải ở lại tuyến sau. Xe 843 tiến đến trước hàng rào Dinh Độc Lập húc thẳng vào cổng phụ, bên cạnh cổng chính, xe bị mắc kẹt dừng lại. Ngay lúc đó, xe 390 lao lên, húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập. Trung úy Đại đội trưởng Bùi Quang Thận từ xe 843 cầm lá cờ Giải phóng, chạy lên cắm trên đỉnh nóc Dinh Độc Lập, bắt Tổng thống Dương Văn Minh cùng toàn bộ những nhân vật chủ chốt của nội các chính quyền Sài Gòn.

 

Ngay sau đó, đồng chí Phạm Xuân Thệ cùng một số cán bộ, chiến sĩ áp giải Tổng thống Dương Văn Minh đến Đài phát thanh. Trong lúc đồng chí Thệ và các đồng chí cán bộ Trung đoàn 66 soạn thảo nội dung lời tuyên bố đầu hàng thì đồng chí Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 đến, mọi người bàn bạc soạn thảo tiếp. Đồng chí Thệ đọc cho Dương Văn Minh chép lại nội dung bản tuyên bố đầu hàng.

 

Từ Đài phát thanh Sài Gòn vừa được giải phóng, tiếng nói của đội quân chiến thắng được truyền tới khắp mọi miền Tổ quốc và tới khắp năm châu, bốn biển, báo tin vui sự nghiệp giải phóng miền Nam đã hoàn thành, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam đã toàn thắng.

 

Anh Khoa

(Ghi theo lời kể của Trung tướng Anh hùng LLVTND Nguyễn Phúc Thanh)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ