A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

 

QPTĐ-Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp của nhân dân ta diễn ra đa dạng, sôi nổi nhưng đều thất bại. Nguyên nhân sâu xa là do thiếu đường lối chính trị đúng đắn, khoa học, thiếu sự lãnh đạo của một giai cấp tiên tiến. Cách mạng Việt Nam đứng trước cuộc khủng hoảng trầm trọng về đường lối cứu nước. Chứng kiến cảnh khổ cực của người dân mất nước, tinh thần đấu tranh bất khuất của cha anh, Nguyễn Tất Thành càng yêu nước, thương dân sâu sắc và hun đúc những hoài bão lớn lao. Vốn có tư chất thông minh, tinh thần ham học hỏi, khả năng tư duy độc lập, tính ham hiểu biết và nhạy bén với cái mới, Người bị lôi cuốn bởi khẩu hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái” và thôi thúc bởi ý định tìm hiểu “cái gì ẩn dấu sau” những từ đẹp đẽ đó ở chính nước sinh ra khẩu hiệu đó. Những tư tưởng tiến bộ của cuộc cách mạng ở Pháp năm 1789, thành tựu văn minh, tiến bộ của nhân loại ở Pháp và các nước châu Âu khác, đã thúc đẩy Người muốn đến tận nơi tìm hiểu. Đó chính là những lý do Nguyễn Tất Thành quyết định chọn nước Pháp, chọn châu Âu làm điểm đến đầu tiên trong cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước năm 1911. 

 

 

Bến cảng Nhà Rồng-nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911).
Ảnh: Tư liệu

Hành trình tìm đường cứu nước 


Ngày 5/6/1911, trên con tàu “Đô đốc Latouche Tréville”, từ bến cảng Nhà Rồng của Thành phố Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã lên đường sang Pháp. Người làm bất cứ việc gì để sống và hoạt động (phụ bếp dưới tàu, làm bánh trong các khách sạn, cào tuyết, đốt lò, chụp ảnh…). Gần mười năm, vừa lao động kiếm sống, vừa tiến hành khảo sát thực tiễn nhiều nước tư bản và các nước thuộc địa, khảo sát các cuộc cách mạng ở các nước Pháp, Anh, Mỹ…, Nguyễn Tất Thành đã có nhận thức quan trọng là: Cách mạng tư sản là những cuộc cách mạng vĩ đại nhưng là những cuộc cách mạng chưa đến nơi. Nó đã phá tan gông xiềng phong kiến cùng những luật lệ hà khắc và những ràng buộc vô lý để giải phóng sức lao động của con người. Cách mạng tư sản xây dựng lên một chế độ mới tiến bộ hơn xã hội phong kiến. Nhưng cách mạng xong rồi dân chúng vẫn khổ, vẫn bị áp bức, bóc lột và vẫn mưu toan làm cách mạng. Từ đó, Người đi đến kết luận, chúng ta đổ xương máu để làm cách mạng thì không đi theo con đường cách mạng này. Nguyễn Tất Thành đã tìm ra những mặt trái của xã hội phương Tây, nhận ra “ở đâu cũng có người nghèo khổ như xứ sở mình” do ách áp bức, bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị. Điều đó đã giúp Người có một nhận thức quan trọng: Nhân dân lao động trên toàn thế giới cần đoàn kết lại để đấu tranh chống kẻ thù chung là giai cấp thống trị; cùng nhau thực hiện nguyện vọng chung là độc lập, tự do.


Sống hoà mình cùng nhân dân lao động và phong trào đấu tranh của công nhân Pháp, Nguyễn Ái Quốc say sưa hoạt động cách mạng, viết báo, hội họp, tuyên truyền, cổ động. Năm 1917, Nguyễn Tất Thành tham gia hoạt động trong phong trào của những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 có ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm và nhận thức của Người. Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng xã hội Pháp. Ngày 18/6/1919, với tên Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi bản yêu sách tới Hội nghị Vécxây yêu cầu về quyền tự do, dân chủ, bình đẳng dân tộc cho nhân dân An Nam. Tám yêu cầu không được chấp nhận nhưng đã vạch trần bản chất giả dối của các cường quốc thống trị, đồng thời, cũng đem lại cho Nguyễn Ái Quốc một nhận thức tỉnh táo là, các dân tộc muốn được giải phóng chỉ có thể dựa vào sức lực của bản thân mình. 

 

Ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin


Ra đi tìm đường cứu nước với tuổi đời còn rất trẻ và từ một xã hội thuộc địa, nửa phong kiến, lúc đó Nguyễn Ái Quốc chưa có một ý niệm rõ ràng về giai cấp, đấu tranh giai cấp, đảng chính trị, chủ nghĩa Mác-Lênin... Từ những hoạt động thực tiễn trên và đọc “Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin đăng trên báo L’Humanité tháng 7/1920, Người đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin. Luận cương đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc những băn khoăn về con đường giành độc lập, tự do cho dân tộc, trả lời câu hỏi ai là người lãnh đạo, lực lượng tham gia và mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng ở các nước thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc… Luận cương đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành thế giới quan cộng sản của Nguyễn Ái Quốc. 


Quá trình tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin của Nguyễn Ái Quốc ngày càng có hệ thống và hoàn thiện khi Người tham gia Đảng Cộng sản Pháp, học tập ở Đại học phương Đông, sống trong không khí sục sôi ở trung tâm phong trào cộng sản ở Nga, hoạt động trong Quốc tế Cộng sản. Sự kiện Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp tháng 12/1920 là một mốc lịch sử quan trọng trong hành trình đi tìm đường cứu nước của Người, đánh dấu bước chuyển biến quyết định, nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị của Người-từ một nhà yêu nước chân chính trở thành một chiến sĩ cộng sản. Đồng thời, sự kiện đó cũng đánh dấu một bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam, mở đầu quá trình kết hợp đấu tranh giai cấp với đấu tranh dân tộc, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tinh thần yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Từ đây, cách mạng Việt Nam bắt đầu đi vào quỹ đạo của cách mạng vô sản. 


Đầu năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người bắt đầu xây dựng những nhân tố bảo đảm cho cách mạng Việt Nam: Truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, khơi dậy tinh thần đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, xây dựng tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát triển lực lượng cách mạng… Việc Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt do Người dự thảo được thông qua tại Hội nghị hợp nhất, chứng tỏ đến năm 1930, tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng Việt Nam đã được hình thành cơ bản. Sau hơn 30 năm xa Tổ quốc, ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng. Một trang mới mở ra trong cuộc đời cách mạng của Người và cũng là bước ngoặt mới cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam.


Kỷ niệm 108 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, chúng ta càng hiểu rõ hơn về cuộc đời cách mạng và tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng dịp cán bộ, chiến sĩ LLVT Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội hiểu sâu sắc hơn về những cống hiến to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và thế giới.


Cường Sáng

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ