A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tri Thủy những ngày kháng chiến

 

Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ Huyện uỷ  huyện Phú Xuyên đã về Tri Thuỷ (lúc đó là hai xã Chí Bảo và Bái Hoàng Đạo) giúp đỡ triển khai các nhiệm vụ, tổ chức cho toàn dân học tập, thảo luận chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của Trung ương nhằm xây dựng tinh thần, ý chí bước vào cuộc chiến đấu mới có phần cam go và quyết liệt hơn. Theo kế hoạch, toàn xã đã huy động được hơn 1.000 ngày công rào làng kháng chiến, đào hào, đắp chướng ngại vật ở các đường trục chính để ngăn cản sự tiến công của địch.

 

 

Học sinh Trường Trung học cơ sở xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên trong Lễ khai giảng năm học mới.

 

Những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, Tri Thuỷ thực sự trở thành ngày xuống đường đấu tranh của nhân dân, biểu thị ý chí quyết tâm “ Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Đội du kích của xã tự rèn đúc dao, kiếm. Nhân dân góp tiền ủng hộ mua vũ khí. Nhiều người góp sắt, đồng để đúc súng, đạn. Để giữ gìn trật tự, an toàn thôn xóm, xã đã lập ra nhiều trạm gác, đội du kích tuần tra ngày đêm. Chính quyền xã phát động phong trào ba không: Không nói, không nghe tuyên truyền nhảm nhí, không lộ bí mật. Nhân dân Tri Thuỷ đã đào hàng trăm mét giao thông hào, nhiều hầm hố cá nhân để nuôi giấu cán bộ, cất giữ tài liệu. Những đình, chùa, nơi tâm linh của xã đều trở thành cơ  sở cách mạng. Công tác xây dựng Đảng được phát triển làm nòng cốt cho cuộc kháng chiến. Từ một chi bộ ghép, xã Tri Thuỷ đã tách ra chi bộ riêng và cử đồng chí Tạ Gia Cát (tức Hồng Hải) làm Bí thư Chi bộ đầu tiên. Nhà thờ họ Tạ chính là nơi thành lập chi bộ, triển khai các nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ xóm làng. Người Bí thư Chi bộ đầu tiên ấy năm nay đã gần 100 tuổi vẫn hoạt động tích cực, là Trưởng Ban liên lạc cán bộ Tiền khởi nghĩa tỉnh Hà Tây cũ. Chi bộ Đảng ra đời mang niềm tin, sức chiến đấu cho nhân dân toàn xã. Chi bộ phân công đảng viên về các thôn gây dựng cơ sở, tổ chức lực lượng kháng chiến, củng cố Mặt trận Việt Minh, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc. Chi bộ phát động “Toàn dân ủng hộ kháng chiến” bằng những việc làm cụ thể như: Vận động toàn dân tự nguyện góp tiền mua sắm vũ khí, lập Hũ gạo kháng chiến, tổ chức ban bảo trợ du kích, quyên góp tiền. Kết quả toàn xã quyên góp được hơn 1 ngàn thúng thóc và 5 vạn đồng Đông Dương.

 

Phong trào rào làng kháng chiến được Chi bộ chỉ đạo chặt chẽ. Thôn xóm được rào bảo vệ, xung quanh có hào sâu. Tinh thần tự giác của nhân dân lên rất cao, tất cả tự giác tháo dỡ nhà cửa, góp tre nứa để thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến”. Chi bộ Đảng xã Tri Thuỷ thực sự trở thành hạt nhân của cuộc kháng chiến toàn dân, phát huy khối liên minh giữa Đảng, chính quyền và các tổ chức quần chúng. Từ đó phát huy tinh thần yêu nước, sẵn sàng hi sinh của quần chúng đối với Đảng, với sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp.

 

Từ những việc chuẩn bị ban đầu “tất cả cho kháng chiến”, toàn xã Tri Thuỷ “mỗi tấc đất là một chiến hào, mỗi người dân là một chiến sĩ”. Ngày 7/3/1947, thực dân Pháp bắt đầu nổ súng tiến đánh huyện Phú Xuyên. Xã Tri Thủy (lúc đó là xã Chí Minh và Chí Bảo) là một trong những xã ven đê sông Hồng bị máy bay địch bắn phá ác liệt nhằm phủ đầu và uy hiếp nhân dân, tiêu diệt lực lượng kháng chiến của quân ta. Làng Tri Thủy đã bị bom đạn của giặc cày xới, có dấu tích còn đến tận bây giờ.

 

Từ khi nhận được Chỉ thị “Toàn quốc kháng chiến” cho đến khi kết thúc 9 năm kháng chiến bằng một “Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cán bộ và nhân dân xã Tri Thuỷ đã kết hợp nhiều lĩnh vực đấu tranh hợp pháp và không hợp pháp, đấu tranh quân sự, chính trị và binh vận thắng lợi. Toàn xã làm được hơn 300 bàn chông, đào hàng trăm hầm bí mật, cất giấu nhiều tài liệu, che chở nhiều cán bộ kháng chiến. Du kích kết hợp với bộ đội địa phương đánh địch trên 40 trận lớn nhỏ, tiêu diệt nhiều tên địch, thu nhiều vũ khí.

 

Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ và nhân dân Tri Thuỷ đã động viên 108 thanh niên nhập ngũ, 260 thanh niên tham gia du kích. Trong đó, 53 người con ưu tú của quê hương đã hy sinh, 13 thương binh để lại một phần xương máu ở chiến trường. Đặc biệt một du kích thiếu niên đã anh dũng hy sinh là Trương Văn Tôn đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2010.

 

Đồng chí Lại Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã Tri Thủy cho biết: “Đến ngày 15/2/2017, Đảng bộ xã Tri Thủy tròn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ xã Tri Thủy quyết tâm cùng toàn dân xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, xứng tầm là xã nông thôn mới. Hiện nay, kinh tế xã Tri Thủy đã tăng trưởng vượt bậc so với kế hoạch đề ra. Tổng giá trị sản xuất đạt gần 277 tỷ đồng. Thu nhập bình  quân đầu người đạt gần 27 triệu đồng/người/năm”.

 

Tri Thủy hôm nay đẹp và khang trang như một phố thị giữa đồng quê. Đèn cao áp sáng soi trên những trục đường bê tông rộng rãi. Những chuyến hàng hối hả từ làng quê tỏa ra cả nước. Thật là một vùng đất ấm áp tình đất, tình người.

 

Phạm Thị Dần


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ