A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sống mãi những ngày “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”

 

Sáng 10-12, nắng hanh vàng rải khắp phố phường Hà Nội. Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức gặp mặt cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tham gia kháng chiến chống pháp và đại biểu gia đình chính sách nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn  quốc kháng chiến. Trước giờ khai mạc, tại Bảo tàng Hà Nội, hàng trăm cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong ngực lấp lánh huân, huy chương, tay bắt, mặt mừng, xúc động ôn lại những ngày hào hùng của 70 năm về trước, những ngày “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

 

 

Các đại biểu trong buổi gặp mặt.

 

Đại tá Nguyễn Mạnh Hải, năm nay đã 93 tuổi, tóc bạc phơ nhưng da dẻ vẫn hồng hào và giọng nói mạch lạc. Bộ quân phục cũ của cụ lấp lánh những hàng dài huấn, huy chương các loại. Đặc biệt, bên vai trái, cụ đeo một phù hiệu bằng đồng trên nền một lá cờ nhỏ màu đỏ có ngôi sao vàng. Cụ quê ở Từ Sơn (Bắc Ninh) nhưng ngay từ nhỏ đã ra Hà Nội ở với chú ruột. Cụ Hải tham gia vệ quốc đoàn vào đầu năm 1946 và đến ngày 19/12/1946, khi Bác Hồ kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, cụ Hải cùng những chiến sĩ vệ quốc đoàn đã chiến đấu quyết tử để giữ Hà Nội. “Những trận đánh giằng co từng dãy nhà, ngõ phố suốt hai tháng. Khi địch tràn vào phố, chúng tôi khoét tường nhà này để chui sang nhà kia. Nếu chúng vào nhà thì chúng tôi lên gác xép và rút thang, cắt dây rồi thả lựu đạn xuống..”- Cụ Hải bồi hồi nhớ lại. Ngày 17/2/1947, theo lệnh cấp trên, Cụ cùng đồng đội rút khỏi Hà Nội để bảo toàn lực lượng. Trước khi rút đi, cụ được phát một chiếc phù hiệu để gắn lên vai áo. Hôm nay, trong không khí phấn khởi của buổi gặp mặt, cụ lại mang chiếc phù hiệu mà mình luôn trân trọng giữ gìn đeo lên vai. Cụ giải thích: Phần trên của phù hiệu gồm các chữ cái viết tắt “VNVQĐ” là “Việt Nam Vệ quốc đoàn”; chữ dưới Đoàn Thủ đô tức là Trung đoàn Thủ đô. Ở giữa phù hiệu là biểu tượng của Hà Nội-Khuê Văn Các cách điệu.

 

 

Trung tướng Phạm Hồng Cư phát biểu tại buổi gặp mặt.

 

Thượng Tá Trần Thịnh, sinh năm 1930 ở  thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức. Cụ trở thành tự vệ chiến đấu và sau là chiến sĩ trong đội hình của Trung đoàn Thủ đô đúng ngày 19-12-1946. Cụ bồi hồi nhớ lại: Năm 1946, tôi mới 16 tuổi là thanh, thiếu niên tiền phong ở khu phố Lò Đúc. Đêm 19-12, tôi được dẫn lên gặp anh Trang, Đại đội trưởng Đại đội Tự vệ khu phố Lò Đúc. Anh Trang giao nhiệm vụ cho tôi chuyển mệnh lệnh đến Trung đội trưởng Cát Văn Xoan đang chiến đấu ở Nhà hát lớn. Anh hướng dẫn tôi cách thức di chuyển sao không bị lộ, không để quân Pháp bắt và bằng mọi giá phải hoàn thành nhiệm vụ. Dưới những làn đạn của cả ta và địch, tôi tìm mọi cách chuyển mệnh lệnh đến nơi nhanh nhất. Nhiệm vụ hoàn thành, tôi chính thức trở thành liên lạc của Đại đội kể từ ngày ấy. Sau dó, tôi tiếp tục chiến đấu trong đôi hình của Trung đoàn Thủ đô cho đến ngày 10/10/1954, chúng tôi trở về Hà Nội trong tư thế của người chiến thắng.

 

 

Chương trình nghệ thuật đặc sắc.

 

Cuộc chiến đấu 60 ngày đêm giam chân địch ở nội thành Hà Nội đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ở cuộc chiến đấu đó không chi có những chiến sĩ vệ quốc quân được tập trung huấn luyện và trang bị vũ khí mà còn có rất nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Đúng như “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “...Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước...”.  Vậy là, những công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp tạm rời máy móc để cầm súng đánh giặc. Những thanh niên trí thức được học hành đến nơi đến chốn hay văn nghệ sĩ tài ba với tính cách hào hoa của người Hà Nội cũng sẵn sàng đối mặt với quân thù. Cùng sát cánh với vệ quốc đoàn, tự vệ chiến đấu còn có những nữ sinh Hà Thành, những chú bé đánh giày, những cô đầu hát ả đào ở phố Khâm Thiên trong vai trò liên lạc, cứu thương hay tuyên truyền xung phong. Tất cả kết lại với nhau tạo lên một trang vàng trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

 

 

Lãnh đạo thành phố Hà Nội và các đại biểu Cựu chiến binh, Cựu thanh niên xung phong tại buổi gặp mặt.

 

Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định: Kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến là dịp để chúng ta ôn lại và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây cũng là dịp để Thành phố tôn vinh, biểu dương các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, Thanh niên xung phong đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Pháp và cả những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các gia đình chính sách trên địa bàn Thủ đô. Tôi tin chắc rằng, những tấm gương anh hùng của các liệt sỹ, thương bệnh binh, những cống hiến, đóng góp của các cựu chiến binh, Thanh niên xung phong, các gia đình chính sách, người có công sẽ không chỉ tiếp thêm tinh thần, ý chí, sức chiến đấu, lao động và học tập cho mỗi người dân Thủ đô mà còn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đồng thời nhắc nhở, thôi thúc tuổi trẻ hôm nay nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Thu Huyền

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ