A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến lũy Ô Cầu Dền qua lời kể của người chiến sĩ Liên khu II

 

Chiến lũy Ô Cầu Dền trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là điểm quyết chiến của quân dân Liên khu II, nằm trên chiến tuyến phòng ngự liên hoàn 3 cửa ô: Đống Mác - Cầu Dền-Đồng Lầm phía Đông Nam Hà Nội. Tại Chiến lũy Ô Cầu Dền, từ 20/12/1946 đến 17/1/1947, đã diễn ra những trận đánh ác liệt, chặn đứng  các cuộc tiến công của địch; thu hút giam chân địch để ban đêm quân dân Liên khu II luồn sâu tập kích các vị trí địch trong nội thành, lập nên những chiến công oanh liệt.

 

 

Một góc Chiến lũy Ô Cầu Dền tháng 12 năm 1946.

 

70 năm đã trôi qua nhưng dường như không có gì bị lãng quên trong ký ức của Thiếu tướng Ngô Huy Phát, nguyên Cục trưởng Cục Khoa học-Công nghệ-Môi trường Bộ Quốc phòng, nguyên chiến sĩ của Tiểu đoàn 77, Liên khu II. Ông đã cho chúng tôi biết nhiều điều bất ngờ về trận tuyến phòng ngự này. Mở đầu câu chuyện, ông khẳng định: Nói đến Chiến lũy Ô Cầu Dền thực tế là nói hoạt động chiến đấu của khu vực phòng ngự then chốt Ô Cầu Dền, trọng điểm của tuyến phòng ngự các cửa ô, từ ngã Ba Hàng- Ô Đống Mác- Ô Cầu Dền- Ô Đồng Lầm tức Kim Liên ngày nay của mặt trận phía Nam Hà Nội. Có nhiệm vụ kết hợp tổ chức lực lượng đánh mạnh nội thành chặn đứng tiến công và giam chân địch dài ngày ở đây, hỗ trợ đắc lực Liên khu I đứng vững chiến đấu trong vòng vây.

 

 

Thiếu tướng Ngô Huy Phát kể lại những ngày rực lửa.

 

Do tầm quan trọng có ý nghĩa quyết định của địa bàn Ô Cầu Dền đối với cả địch và ta. Để tăng cường tính bền vững chịu đựng được bom đạn địch dài ngày, Tư lệnh Khu Hà Nội quyết định xây một chiến lũy thật kiên cố làm nòng cốt cho khu vực trọng điểm Ô Cầu Dền và toàn tuyến. Chiến lũy này nằm trong khu vực phòng ngự ở phía Nam sông Tô Lịch, chắn ngang mặt đường đầu phố Bạch Mai dài khoảng 16m, chân rộng khoảng 8m, cao hơn 3,5m, trong chiến lũy chôn đứng 3 hàng cọc, mỗi hàng cọc chôn 10 cây gỗ có đường kính 35 đến 40 cm. Ở giữa lèn đất đá kết hợp với tre, gỗ rải ngang từng lớp, đầm chặt. Lấy tà vẹt đường ray xe điện ken đầy xung quanh, cùng các vật dụng gia đình như: giường, tủ, bàn ghế, cánh cửa…kể cả các đồ quý như tủ chè, sập gụ, salon... được nhân dân bồi đắp thêm cho vững chắc. Ròng rã gần tháng trời lao động vất vả, quân dân Liên Khu II vô cùng phấn khởi, tự hào có một chiến lũy đồ sộ, đồng hành cùng chiến đấu như tiếp thêm sức mạnh, lòng tin, quyết tâm chiến đấu.

 

Tối 19/12/1946, trận đánh bắt đầu. Sau ít ngày, ta đã đập tan âm mưu chiếm Hà Nội trong 24 giờ của địch và vây hãm chúng vào thế nghẹt thở giữa 2 áp lực lớn: Liên khu I phía Bắc, Liên khu II, Liên khu III phía Nam khiến địch trước mắt chưa dám tấn công Liên khu I, chỉ dùng một bộ phận lực lượng bao vây kiềm chế, còn tập trung chủ lực đánh xuống phía Nam nhằm nhanh chóng chiếm vành đai ngoại thành (Vĩnh Tuy- Ngã Tư Vọng- Ngã Tư Sở- Bưởi- Nhật Tân) để đẩy lực lượng ta ra xa, ổn định thế đứng chân rồi quay lại đánh Liên khu I, hoàn thành việc chiếm Thủ đô. Về ta, các đơn vị theo kế hoạch lui dần về chiếm lĩnh trận địa đã được chuẩn bị trước, sẵn sàng chiến đấu, chặn giữ địch dài ngày ở các cửa ô, tích cực phối hợp với Liên khu I chiến đấu trong vòng vây.

 

Ngày 25/12, địch mở đầu tấn công Ô Cầu Dền với lời động viên sặc mùi thực dân của tên Tổng Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương: “Đừng ngại ngần gì mà không đánh mạnh bằng bom, pháo, phải sớm kết thúc, phải làm cho kẻ thù hiểu rõ ưu thế áp đảo của các phương tiện của ta…”. Sức mạnh tàn bạo, các thủ đoạn chiến tranh nhà nghề của địch có làm cho chiến lũy sạt lở, trận địa bị cày sới nhưng Ô Cầu Dền vẫn đứng vững bất khả xâm phạm. Thất bại ở đây, chúng chuyển đánh cửa ô khác rồi quay về Ô Cầu Dền, cứ thế lặp đi lặp lại ngày càng ác liệt hơn, phức tạp hơn… Chiến lũy có “gầy” đi, “gầy dơ cả xương” nhưng vẫn hiên ngang, sừng sững thách thức địch. Đêm đêm, từng đoàn, từng đoàn người gồng gánh lương thực tiếp tế cho bộ đội, vận chuyển đất cát, vật liệu bồi đắp chiến lũy, củng cố công sự trận địa các cửa ô để có thể chiến đấu dài ngày. Chiến lũy Ô Cầu Dền đã thực sự là chỗ dựa giúp khu vực phòng ngự Ô Cầu Dền đánh bại các đợt tấn công của địch, là chỗ dựa cho lực lượng các nơi cơ động, hỗ trợ nhau giữ vững các cửa ô toàn tuyến.

 

Sau 21 ngày đêm đánh phá ác liệt, toàn tuyến phòng ngự các cửa ô ta vẫn đứng vững. Ngày 15/1/1947, địch chấp nhận thất bại, phải chuyển hướng đánh, hòng tiếp tục thực hiện ý đồ mà bom đạn ác liệt đã không làm được trên các cửa ô. Chiến lũy Ô Cầu Dền xứng đáng là biểu tượng của ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân trong 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô Hà Nội.

 

Phúc Nguyên


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ