A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gặp những người chiến đấu giam chân địch 60 ngày đêm tại Hà Nội

 

Trong số các cựu chiến binh (CCB), cựu thanh niên xung phong (TNXP) có mặt tại buổi gặp mặt do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức, nhiều người đã ở tuổi 80-90, sức khoẻ yếu nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết khi được sống lại những năm tháng chiến đấu chống thực dân Pháp. Với họ, đó là thời gian ý nghĩa nhất trong cuộc đời khi được cống hiến sức lực, tuổi trẻ để bảo vệ Thủ đô, bảo vệ thành quả cách mạng.

 

Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị

 

 

Thời điểm thực dân Pháp quay lại đánh chiếm Hà Nội, tôi là Trung đội trưởng Đội Tự vệ Cứu quốc Hoàng Diệu. Đây là lực lượng bộ đội địa phương đầu tiên của Hà Nội do Thành ủy tổ chức để bảo vệ Thành ủy, Xứ ủy và phối hợp với công an giữ trật tự Thành phố. 20 giờ 03 phút ngày 19/12/1946, đèn điện Hà Nội phụt tắt. Đại bác từ Pháo đài Láng gầm lên, bắn những phát đầu tiên. Thủ đô Hà Nội rền vang tiếng súng, mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược. Đối với thế hệ của tôi, “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Bác Hồ lúc đó là lời hịch thiêng liêng của Tổ quốc. Trước thời điểm Toàn quốc kháng chiến, tôi được kết nạp vào Đảng, được chuyển từ Chỉ huy quân sự (Trung đội trưởng Tự vệ chiến đấu cứu quốc Thành Hoàng Diệu) sang làm Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 140 bảo vệ Bộ Tổng Tham mưu. Trong cuộc đời quân ngũ, tôi có kỷ niệm sâu sắc nhất, đó là “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ” chính là nội dung bài giảng chính trị đầu tiên của tôi trên cương vị người sĩ quan chính trị. Tôi nhận được từ cấp trên bản sao in bằng li-tô “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” kèm theo một chỉ thị yêu cầu nhanh chóng phổ biến đến từng chiến sĩ và nhân dân khu vực đóng quân. Lúc ấy, chúng tôi không có đài phát thanh, nên không được nghe trực tiếp lời của Bác. 70 năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ như in cảm xúc mãnh liệt của mình khi được đọc lời kêu gọi của Bác ngày ấy. Tôi nghiên cứu rất kỹ và phân bài giảng thành 5 điểm để lên lớp cho toàn đơn vị. Từ đây kháng chiến toàn quốc bắt đầu, ai nấy đều xúc động. Mọi người đứng dậy hô vang: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!”, “Kháng chiến nhất định thắng lợi!”.

 

Trung tướng Chu Duy Kính, nguyên Tư lệnh Quân khu Thủ đô

 

 

Năm 1946, tôi mới 16 tuổi, là chiến sĩ bảo vệ cơ quan của Thành ủy Hà Nội, làm công tác liên lạc đưa công văn, chỉ thị. Đêm 19/12/1946, tôi đang đứng ở Ngã Tư Sở thì thấy đại bác ở Pháo đài Láng nổ rầm, sáng rực một góc trời Hà Nội. Biết rằng chiến đấu chống Pháp khó khăn, gian khổ vì quân đội Pháp rất thiện chiến, vũ khí hiện đại, mình mới vào cuộc kháng chiến chưa có kinh nghiệm, nhưng chúng tôi vẫn luôn tin tưởng vào thắng lợi. Thực ra lúc đó tôi cũng không nghĩ rằng mình bắt đầu cuộc kháng chiến hùng dũng như vậy. Chỉ nghĩ rằng có một tín hiệu, một giờ hẹn, đúng giờ đó tất cả cùng nổ súng. Nhưng cuối cùng, ta bắt đầu mở màn cuộc kháng chiến không phải dùng súng trường ngay mà đầu tiên bằng những phát đại bác 75 ly, đối với ta lúc đó là to lắm rồi. Cả 4 pháo đài (Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh, Thổ Khối) nã vào Hà Nội. Tiếng pháo đó đã cổ vũ tinh thần quân ta, làm giặc Pháp hốt hoảng.

 

Lúc đó, tôi được phân công làm Đội trưởng Đội vũ trang tuyên truyền (khi đó gọi là Đội Hoạt động), có nhiệm vụ tuyên truyền kháng chiến, rải truyền đơn, xây dựng cơ sở kháng chiến để ẩn náu. Hàng ngày, tôi mang công văn, tài liệu, chỉ thị vào các liên khu. Hôm đó tôi mang tài liệu đến Liên khu II (khu vực Ô Cầu Dền), đúng lúc xe tăng Pháp đang tiến đánh ở Ô Cầu Dền và có một mũi đánh chọc qua Vĩnh Tuy, chiếm chợ Mơ và Bạch Mai. Khi đó mình rơi vào trong vòng vây, nhưng ban đêm chúng tôi đã tìm cách vượt vòng vây ra ngoài.

 

Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1

 

 

Lúc đó tôi là một thanh niên mới được giác ngộ, tham gia công tác ở địa phương. Tôi vẫn giữ nguyên trong trái tim mình những kỷ niệm về không khí sôi sục của ngày đầu Toàn quốc kháng chiến. Khí thế cách mạng tràn ngập khắp nơi. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch chính là lời hịch núi sông, lay động lòng người, thể hiện ý chí quyết tâm sắt đá của cả dân tộc: “Không. Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”. Với một niềm tin vững chắc: “Dù phải gian khổ kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, nhất định dân tộc ta sẽ được độc lập…”. Lời của Bác đã khơi dậy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất, trở thành ánh sáng soi đường, thôi thúc cổ vũ toàn dân, toàn quân ta đi đến thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Pháp. Và từ Lời kêu gọi của Bác Hồ đã thôi thúc tôi tham gia quân đội, nguyện chiến đấu vì nhân dân, đất nước. Thế hệ chúng tôi, thế hệ của những thanh niên tham gia thời kỳ đầu của kháng chiến chống Pháp, đi suốt cuộc trường chinh chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ của Lời thề độc lập luôn mang trong trái tim mình khát vọng cháy bỏng của độc lập, tự do.

 

Cựu chiến binh Lê Trung Lạc, quận Đống Đa

 

 

Tôi nguyên là chiến sĩ của Liên khu I Anh hùng, từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ ác liệt, may mắn còn sống sót trở về. Trong 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội cuối năm 1946, đầu năm 1947, tôi cùng các đồng đội chiến đấu giam chân địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vượt yêu cầu trên giao. Hôm nay, Thành phố tổ chức buổi gặp mặt đầy tình nghĩa này, tôi vừa có dịp được ôn lại kỷ niệm của những tháng ngày tham gia Toàn quốc kháng chiến vừa được gặp gỡ đồng đội, tôi cảm động vô cùng. Cá nhân tôi xin hứa, là một cựu chiến binh sẽ luôn gương mẫu, tích cực giáo dục, vận động gia đình, con cháu, người thân và thế hệ trẻ “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” luôn trân trọng thành quả của các thế hệ đi trước.

 

Cựu chiến binh Nguyễn Quốc Thịnh, 87 tuổi, cán bộ Tiền khởi nghĩa

 

 

Ngày này 70 năm về trước, tôi là đội viên Đội liên lạc đặc biệt Bộ Tổng chỉ huy, làm nhiệm vụ chuyển mệnh lệnh của Bộ Tổng chỉ huy cho các đơn vị chiến đấu trong nội thành Hà Nội. Mới đây, tôi và 2 đồng đội là nhạc sĩ Doãn Nho và bác sĩ Bùi Văn Đông gặp nhau và cùng bảo: “Hôm nay ăn bữa cơm chay/ Mừng qua trận mạc đến nay vẫn còn”. Kỷ niệm tôi nhớ nhất là đêm 19/12/1946, tôi mang mệnh lệnh của Bộ Tổng chỉ huy đến với các đơn vị trong Thành để nổ súng chiến đấu. Khi làm nhiệm vụ thường đi ban đêm và thường đi một mình, có lần gặp địch, như lần ở Hà Đông, bị chúng nó ném lựu đạn, thoát chết mà không thấy sợ, hồi ấy còn nhỏ mà dũng cảm ghê.

 

Tôi luôn tự nhắc: Mình được sống, được làm việc thì mình phải cố gắng phát huy truyền thống tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ đến hơi thở cuối cùng. Mong sao thế hệ trẻ không ngừng học tập, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

 

Cựu TNXP Nguyễn Huy Niêm, 80 tuổi, quận Hoàng Mai

 

 

Tôi tham gia TNXP trong kháng chiến chống Pháp năm 1953, khi đó 17 tuổi và phục vụ tại cơ quan Trung ương ở vùng ATK. Đơn vị của tôi là Đội 36, được tuyên dương Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Ngày ấy tôi đi TNXP với tâm thế cống hiến cho đất nước của thế hệ trẻ. Tổ quốc cần là lên đường và thầm hứa đã nhận nhiệm vụ là phải hoàn thành và đất nước thống nhất mới trở về. Đội của tôi chuyên đi làm nhà, làm cầu, đường, củng cố, nâng cấp toàn diện cơ sở hạ tầng ATK và sau này về Hà Nội làm công tác chuẩn bị đón Bác Hồ, Trung ương Đảng. Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất đó là lần chết hụt, khi đang đi làm tôi bị ngã xuống sông mà không ai biết. Sông sâu, nước chảy xiết, với quân phục trên người và dép cao su rất nặng, tôi đã rất vất vả để bơi được vào bờ. May mà hồi bé chăn trâu cắt cỏ tôi đã tập bơi nên không bị chết đuối.

 

T.Hà-H.Thu-T.trang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ