A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trận quyết chiến chợ Đồng Xuân

 

Cuối tháng 12 năm 1946, sau những ngày đầu tiến công địch trên khắp thành phố, với mục đích cầm chân địch để hậu phương có thời gian chuẩn bị chiến tranh, một bộ phận bộ đội, công an, tự vệ Hà Nội rút vào Liên khu 1 (khu vực quận Hoàn Kiếm bây giờ) cố thủ còn các lực lượng khác giãn ra xung quanh, tạo thành thế trận "trong đánh, ngoài vây" làm cho địch lúng túng. Các chiến lũy được dựng lên. Cọc sắt, ụ đất, đồ đạc, cây cối, bao cát, cột đèn... lấp kín các đường phố. Nhà gác, ngã ba, ngã tư... biến thành vị trí chiến đấu. Ngày 6-1-1947, các lực lượng Liên khu 1 hợp nhất thành Trung đoàn Thủ đô, khu vực Đồng Xuân án ngữ phía Bắc do Tiểu đoàn 101 phụ trách. Với thế trận đó ta đã cầm cự được hơn 1 tháng trong những điều kiện hết sức chênh lệch về lực lượng và vũ khí, gây cho địch nhiều thiệt hại.

 

 

Tháng 2-1947, địch có thêm viện binh và cũng đã đẩy được lực lượng khu ngoài ra ngoại ô, chúng tập trung quân dự định tiêu diệt Liên khu 1, xóa sổ một trung đoàn Việt Minh. Ngày 6-2 và 7-2-1947 quân Pháp bắt đầu mở các trận tấn công. Sau những thất bại trên hướng Đông và Tây Nam, quân Pháp chuyển hướng đánh vào khu Đồng Xuân, cửa ngõ quan trọng của Liên khu.

 

5 giờ sáng 14-2-1947, máy bay, pháo binh địch bắn phá dữ dội và xe tăng, bộ binh tiến công chợ từ nhiều hướng. Chúng bị chặn lại trước bãi cọc sắt và bao cát. Riêng sau chợ, địch cho 400 quân chủ yếu là lính lê dương mũ đỏ nổi tiếng hung hãn và liều lĩnh với 4 xe tăng dẫn đầu. Bộ đội ta bắn trả và từ trong chợ ném lựu đạn, chai cháy ra. Địch phải ngừng tấn công.

 

9 giờ, chúng mở đợt tấn công thứ hai. Máy bay "bà già" lượn vòng chỉ điểm mục tiêu cho pháo binh. Các cỡ súng thi nhau trút đạn vào chợ. Bộ đội ta giao chiến với địch qua từng căn nhà, trên những mái nhà. Hết đợt tấn công này, địch chưa vào được chợ nhưng đã chiếm được một số nhà cao tầng đặt trung liên uy hiếp ta.

 

12 giờ, địch mở đợt tấn công thứ ba. Nhờ xe tăng mở đường, quân Pháp vào được chợ. Bên trong ta chỉ có 2 tiểu đội với một số ít trung liên, tiểu liên, súng trường và lựu đạn. Mặc dù ít hơn địch cả về quân số và vũ khí nhưng chiến sĩ ta đã dũng cảm xông vào đánh giáp lá cà với địch. Quân hai bên xen vào nhau. Bộ đội ta dùng dao găm, dao bầu, lưỡi lê, kiếm, mã tấu, chai đựng xăng, sỏi và vôi bột, gạch đá... quần nhau, vật lộn với lính Pháp quanh những phản thịt. Trận giáp chiến không cân sức diễn ra quyết liệt qua từng quầy hàng. Một số chiến sĩ hi sinh, một số rút ra ngoài chiếm những nhà cao bắn vào quân địch.

 

Trận đánh kéo dài đến chiều hôm đó. Lực lượng ta yếu dần, phần vì đạn đã cạn, phần vì bộ đội trong chợ hầu hết đã hi sinh trong khi địch còn đông, có xe tăng, đại bác, máy bay lại tiếp tục đưa quân đến tiếp viện. Để bảo toàn lực lượng, chiều tối ngày 14-2-1947, ta rút khỏi chợ Đồng Xuân. Kết thúc trận đánh, quân Pháp chiếm được "pháo đài chợ Đồng Xuân" nhưng phải trả giá đắt: 3 xe thiết giáp bị phá hủy, trên 100 tên chết và bị thương. Bên ta hi sinh 15 người, trong đó có một nữ liên lạc viên mới 14 tuổi, 10 chiến sĩ bị thương.

 

P.Linh (th)

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ