A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội

QPTĐ-UBND thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu thủ trưởng, giám đốc các sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Chỉ thị nêu rõ, phải đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; Chủ động, quyết liệt, tập trung xử lý các ổ dịch không để lan rộng, kéo dài; phòng, chống sốt xuất huyết một cách triệt để, thực chất, ngăn chặn đẩy lùi dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố, hạn chế thấp nhất số ca mắc, tình trạng bệnh nhân chuyển nặng tử vong.

Về nguyên tắc thực hiện: Nâng cao kỷ cương, trách nhiệm gắn với người đứng đầu; phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho các cá nhân phụ trách; Huy động sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, hội, đoàn thể và người dân tham gia công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue. Tinh thần chung là: Không để dịch bệnh bùng phát, không để dịch chồng dịch; cơ quan, địa phương nào để dịch bệnh bùng phát do nguyên nhân chủ quan thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố.

Khuyến cáo của Bộ Y tế.

Theo tinh thần của Chỉ thị, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã bám sát các nguyên tắc thực hiện, khẩn trương rà soát việc thực hiện các nội dung tại các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố, trong đó tập trung vào một số nội dung: Chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn quản lý… Huy động các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy hằng tuần, nhất là tại các khu vực có ổ dịch. Bảo đảm tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát. Các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi phải được giám sát để tiến hành các hình thức diệt lăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn của ngành Y tế. Bên cạnh đó, rà soát, tiếp tục triển khai thực hiện đề án phòng, chống sốt xuất huyết của địa phương theo tinh thần “4 tại chỗ”; chủ động bố trí kinh phí, cơ số vật tư, trang thiết bị, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue tại địa phương bằng nguồn lực tại chỗ.

Sở Y tế Hà Nội tăng cường giám sát dịch tễ bệnh sốt xuất huyết Dengue, thống kê đầy đủ các ca bệnh và triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bùng phát… 

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội và các đơn vị liên quan triển khai hoạt động truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết Dengue tại các cơ sở giáo dục, cơ sở đào tạo… 

Sở Xây dựng Hà Nội chỉ đạo các nhà đầu tư các dự án về xây dựng trên địa bàn Thành phố bảo đảm thực hiện tốt công tác vệ sinh tại các công trường xây dựng và nơi ăn ở, sinh hoạt của công nhân…

Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an Thành phổ chỉ đạo các đơn vị trong ngành sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ công tác phòng chống sốt xuất huyết Dengue tại các địa phương, đặc biệt công tác phối hợp, hỗ trợ hoạt động xử lý dịch….

Đối với người dân: Tiếp tục nâng cao ý thức của bản thân đối với cộng đồng; chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết, trong đó thực hiện tốt công tác phòng, chống muỗi đốt; thực hiện chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước, nơi lăng quăng, bọ gậy, muỗi phát triển và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt... và phối hợp trong công tác phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết.

Song Hà

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ