A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỳ vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân: Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi)

QPTĐ-Hà Nội là trái tim của cả nước, Hà Nội ngàn năm văn hiến, là trung tâm đầu não về chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, do đó không chỉ có người dân Thủ đô mà người dân trên mọi miền Tổ quốc đều kỳ vọng Thủ đô Hà Nội sẽ được xây dựng và phát triển đúng tầm, đúng vị thế của mình. Tuy nhiên đánh giá một cách căn cơ, toàn diện quá trình thi hành Luật Thủ đô suốt hơn 10 năm qua, rõ ràng tới thời điểm hiện tại đã có nhiều hạn chế, bất cập cần phải khắc phục, do đó việc sửa đổi Luật Thủ đô là vô cùng cần thiết, hợp với nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, thông qua đó, có thể tạo hành lang phát luật cho Thủ đô phát triển nhanh chóng và thực sự hiệu quả, có thể “sánh vai cùng các cường quốc năm Châu” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong muốn. 

Một góc Thủ đô Hà Nội.

*Đại tá Đào Xuân Sy, Nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Thủ đô:

Thu hút nhân tài, cơ chế quan trọng và cần thiết trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Thủ đô Hà Nội là thành phố duy nhất trong cả nước có Luật từ năm 2012. Ngay sau khi Luật Thủ đô đi vào cuộc sống đã góp phần không nhỏ để Hà Nội đạt được kết quả toàn diện cả về kinh tế-xã hội-văn hóa- quốc phòng-an ninh... Trong 9 nhóm chính sách tại Dự thảo Luật (sửa đổi) lần này, quy định cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài là rất quan trọng, đáp ứng yêu cầu về nhân lực, để từng nhân tài có “đất dụng võ”, phát huy được năng lực, cống hiến xây dựng Thủ đô phát triển. Việc thu hút nhân tài ở đây chúng ta cần hiểu, không chỉ thu hút người dân đất Việt mà cả người nước ngoài; và cũng không chỉ công dân sinh ra, sinh sống tại Hà Nội mà từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước, kể cả người nước ngoài.

Qua thực tiễn cho thấy, hiện các chính sách thu hút nhân tài tại ở Hà Nội mới chỉ tập trung vào tuyển dụng một số đối tượng cụ thể; chưa chú trọng đến mức lương, thu nhập, môi trường làm việc, cơ hội học tập, thăng tiến và các đãi ngộ khác... Chính sự bất cập đó khiến việc thu hút nhân tài ở Hà Nội thời gian qua chưa đủ sức hấp dẫn. Cụ thể, từ năm 2013 đến năm 2022, theo thống kê, mới chỉ có 55 thủ khoa xuất sắc ở các trường đại học về làm việc tại Hà Nội. Quá trình công tác, đã có 9 công chức (từng là thủ khoa xuất sắc) chuyển công tác ra ngoài và 5 công chức xin thôi việc...

Đại tá Đào Xuân Sy, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Thủ đô.

Trước bất cập đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định cụ thể về đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo; được ký hợp đồng làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; được ký hợp đồng làm việc thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục...

Thiết nghĩ, khi Luật có những quy định cụ thể, vượt trội, Thành phố có những cơ chế, chính sách đặc thù tương đối cho mọi đối tượng (không phân biệt nam-nữ), nhất là quan tâm xây dựng môi trường văn hóa làm việc hiện đại, thân thiện và dân chủ, cạnh tranh lành mạnh; luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cả về vật chất và tinh thần cho người giỏi, người tài phát huy được năng lực, cống hiến “chất xám”... tôi nghĩ, đó sẽ là những yếu tố cực kỳ quan trọng, góp phần không nhỏ xây dựng Thủ đô ngày một phát triển. Chính vì vậy mà tôi rất kỳ vọng Quốc sẽ thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) trong thời gian sớm nhất.

Ngân Mỹ

* Đồng chí Lê Văn Long-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây:

Kỳ vọng để xây dựng nền nông nghiệp sinh thái mang tính bề vững

Tới đây, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với rất nhiều nội dung kỳ vọng sẽ mang lại những cơ chế, chính sách đột phá để phát triển Thủ đô lên tầm cao mới trên mọi lĩnh vực. Đảng bộ và nhân dân xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây rất ủng hộ và mong chờ Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được thông qua và đi vào thực tiễn cuộc sống trong thời gian sớm, nhất là nội dung xây dựng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Bởi Thanh Mỹ là xã nông nghiệp, trước đây nhân dân luôn gắn bó với phần đất nông nghiệp được giao nhưng 5 năm trở lại đây, nhân dân không còn “mặn mà” với sản xuất nông nghiệp khiến nhiều diện tích đất của địa phương bị bỏ không canh tác, hoặc chỉ canh tác 1 vụ/năm và tình trạng này có hướng gia tăng, dẫn đến lãng phí lực đất đai. Nguyên nhân chủ yếu là do giá trị kinh tế mà nông nghiệp mang lại không cao, trong khi đó cơ chế sử dụng đất để chuyển đổi sang hình thức canh tác mới không linh hoạt, dẫn đến nhân dân bỏ canh tác để chuyển đổi nghề. 

Đồng chí Lê Văn Long-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nếu được thông qua và đi vào thực tiễn sẽ tháo gỡ một số rào cản pháp lý về quản lý đất đai địa phương đang vướng mắc, giúp chúng tôi có cơ hội thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao, du lịch nông nghiệp. Nhân dân của xã có thể tham gia sản xuất nông nghiệp theo hình thức cổ phần bằng cách cho thuê đất, thậm chí chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân có năng lực, nhu cầu. Người lao động sẽ tham gia làm việc tại Hợp tác xã nông nghiệp, các doanh nghiệp để phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung có quy mô lớn, bài bản, hiệu quả và mang tính bền vững; có thể phát triển kinh tế từ sản xuất nông nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình, góp phần để cuộc sống ngày càng ổn định.

Thuận Nhân

* Đại Tá Đỗ Hồng Thái, Hiệu trưởng Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội:

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có sự quan tâm về chính sách phát triển giáo dục đào tạo hơn so với Luật Thủ đô hiện hành.

Giáo dục là một trong những vấn đề quan trọng cần phải được đầu tư và chú trọng. Đối với những ngành đặc thù như quân đội, phát triển giáo dục là một trong những khâu then chốt, đột phá, quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao của Quân đội, góp phần tăng cường QP-AN và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tôi hoàn toàn đồng ý với việc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành một trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, tuy nhiên có một số nội dung cần phải chú trọng để nền giáo dục Thủ đô được phát triển toàn diện. Cần phải đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng chuẩn hiện đại. 

Đại tá Đỗ Hồng Thái, Hiệu trưởng Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Để phát triển chất lượng giáo dục Thủ đô thì Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đã đề ra các nhóm vấn đề cụ thể cần đãi ngộ đến đội ngũ nhà giáo. Bởi vì “Nhà giáo có vai trò quyết định bảo đảm chất lượng giáo dục” như Luật Giáo dục đã xác định; hơn nữa giáo dục Thủ đô nhất định phải có sự vượt trội, khác hoàn toàn các địa phương khác, nên cần thiết có cơ chế riêng, vượt trội . Việc quan tâm đến nhà giáo không những chỉ là quan tâm đến chế độ lương bổng và đời sống vật chất mà còn quan tâm tạo điều kiện phát triển chuyên môn, môi trường làm việc trí tuệ, tính chất lao động tự do sáng tạo, tự do học thuật, tôn vinh giá trị của nhà giáo trong giáo dục và trong xã hội, chống hành chính hóa (viên chức hóa) nhà giáo. Do đó, cần quy định về những cơ chế, chính sách đặc thù trong phát triển giáo dục Thủ đô và phân cấp, phân quyền cho thành phố Hà Nội trong việc bảo đảm các điều kiện thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù đó một cách khả thi.

Đỗ Trang
 
*Trung tá Kiều Bá Dũng, Chính trị viên Ban CHQS quận Bắc Từ Liêm: 

Tạo nền tảng pháp lý để Thủ đô tiếp tục phát triển.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã và đang được Quốc hội khóa XV thảo luận tại kỳ họp thứ 6. Tôi nhận thấy đây là nội dung rất quan trọng nhằm cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII): “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị “Về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Nếu Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, là điều kiện thuận lợi để giúp Thủ đô “cởi bỏ” những cơ chế ràng buộc, khắc phục những tồn tại, hạn chế; tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, giúp cho Hà Nội không chỉ là “Trung tâm đầu não chính trị…" mà còn là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước, tạo điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực như mục tiêu Bộ Chính trị đề ra.

Trung tá Kiều Bá Dũng, Chính trị viên Ban CHQS quận Bắc Từ Liêm. ​​​​​

Chính vì vậy, là một quân nhân, cũng là công dân Thủ đô, tôi mong muốn Luật Thủ đô sớm được sửa đổi. Nhà nước và Chính phủ sẽ ban hành các chính sách mới có tính chất đặc thù, vượt trội về mặt thể chế, phù hợp với vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, phù hợp với điều kiện thực tiễn để hướng đến 4 định hướng trụ cột lớn: Chính quyền đô thị; cơ chế tài chính ngân sách và thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển Thủ đô và Vùng Thủ đô; phát triển đô thị- nông thôn; phát triển văn hóa- xã hội và khoa học- công nghệ... tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề xuất 9 nhóm chính sách theo hướng trao cho Hà Nội những cơ chế có tính vượt trội, khả thi, tuy nhiên tôi quan tâm nhóm chính sách về: “Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô” và mong muốn các cơ quan hữu quan cần quan tâm đến các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về quy hoạch trên địa bàn; trong đó chú trọng việc quản lý và sử dụng không gian ngầm phải bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, gắn với công tác phòng thủ dân sự... đây là những nội dung rất quan trọng liên quan đến quy định tại Luật Quốc phòng (2018) và Luật Phòng thủ dân sự mới được được Quốc hội ban hành ngày 20/6/2023. Khi Luật Thủ đô đi vào cuộc sống, không chỉ có cơ sở hạ tầng, chúng tôi kỳ vọng hình ảnh thường ngày như tắc đường, ngập lụt giữa Thủ đô sẽ được khắc phục triệt để..., tiết kiệm thời gian, kinh tế cho mọi công dân Thủ đô. Đồng thời, quán triệt và thực hiện chủ trương gắn kết phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng, nâng cao chất lượng, tiềm lực khu vực phòng thủ của Thành phố, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô trong tình hình mới.

Hữu Thu

* Tiến sĩ Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế Economica Việt Nam:

Tư duy mới trong phát triển đô thị gắn với phát triển giao thông công cộng

Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi đã đưa ra nhiều cơ chế mới, đặc thù, một số cơ chế vượt trội để có thể tháo gỡ các khó khăn, nút thắt trong xây dựng đô thị, tái thiết đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng mang tính khả thi rất cao. Nếu chúng ta quyết tâm xây dựng Luật theo văn bản quy phạm pháp luật, làm rõ các quy trình, thủ tục làm việc, từ đó, góp phần vào xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho Thủ đô, xây dựng khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh, xây dựng Thủ đô Hà Nội theo hướng hiện đại theo Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị.

Tiến sĩ Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế Economica Việt Nam.

Đặc biệt trong Luật Thủ đô (sửa đổi), với cơ chế phát triển đô thị theo định hướng giao thông đã thay đổi hoàn toàn tư duy về trước-khi chúng ta xây dựng các khu đô thị, sau đó là các tuyến đường, các trục giao thông, các tuyến đường sát đô thị-để đi theo khu đô thị đó. Việc phân cấp để Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư với các dự án theo mô hình TOD (phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm; Transit Oriented Development-lấy định hướng phát triển giao thông làm cơ sở cho phát triển, quy hoạch đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán-nói cách khác là sự phát triển đô thị dựa trên phát triển của hệ thống giao thông công cộng) đã thay đổi, góp phần huy động nguồn lực từ đất đai, hài hòa hơn nữa giá trị thặng dư của đất, sử dụng được giá trị trực tiếp từ đất của các khu vực phụ cận (Khu vực TOD) là một trong những điểm nhấn của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được trình Quốc hội tại kỳ họp lần này.

Việc vận dụng nguyên lý TOD vào quá trình thiết kế cải tạo, mở rộng và quy hoạch xây dựng đô thị không chỉ mang lại những lợi ích và hiệu quả mà còn giải toả được những điểm nóng về giao thông đang gây nhiều bức xúc trong xã hội. Việc Dự thảo Luật ghi nhận một cách tương đối đầy đủ về cơ sở pháp lý cho việc vận hành mô hình TOD cho thấy được tầm nhìn chiến lược và rất tiến bộ trong việc quyết tâm triển khai và áp dụng mô hình TOD ở Thủ đô Hà Nội, góp phần rất lớn trong xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp, giải phóng được các vấn đề còn tồn tại về giao thông như: Tắc đường, ô nhiễm, giảm rác thải…

Việt Dũng

 

 

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ