A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Phúc Thọ: Nỗ lực phát triển thương hiệu bưởi Vân Hà

 

QPTĐ-Vân Hà là xã vùng bãi nằm ở phía Bắc của huyện Phúc Thọ, tiếp giáp với  sông Hồng. Diện tích đất tự nhiên là 530 ha, trong đó đất nông nghiệp là 93,3 ha, dân số 2.313 nhân khẩu với 530 hộ sinh sống ở 2 làng, 4 cụm dân cư. Nhân dân địa phương chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, ngành nghề, dịch vụ chậm phát triển. Nhiều năm qua, thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, chuyển đổi đất canh tác từ trồng rau màu sang trồng bưởi, đến nay cuộc sống của người dân xã Vân Hà đã đổi thay trông thấy.  Khác với các loại bưởi khác, bưởi ở đây ngon, ngọt mát, bảo đảm an toàn thực phẩm. Cấp ủy, Chính quyền địa phương luôn vận động nhân dân sử dụng phân bón và các loại thuốc trừ sâu sinh học để sản xuất bưởi sạch cung ứng cho thị trường.

 

 

Vườn bưởi của ông Cao Văn Mai, xã Vân Hà cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.


Theo đồng chí Hoàng Thế Tài, Chủ tịch UBND xã Vân Hà: Những năm gần đây, được sự lãnh đạo của Huyện ủy, chỉ đạo của UBND huyện. Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã lãnh đạo, điều hành sản xuất, phát huy thế mạnh của địa phương, lấy cây bưởi là cây chủ lực để phát triển kinh tế. Tính đến thời điểm hiện tại, Vân Hà đã có 45 ha trồng bưởi: Trong đó, diện tích đã trồng từ 12-15 năm là 15 ha; diện tích đã trồng từ 8-10 năm là 15 ha; diện tích đã trồng từ 3-5 năm là 10 ha; diện tích đã trồng đang trong thời kỳ kiến thiết là 5 ha. Hàng năm, số lượng quả đạt 2 triệu quả, tương đương 1.800 tấn  cung cấp ra thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Thu về từ trồng bưởi của xã ước đạt khoảng trên 30 tỷ đồng/năm. 


Ông Cao Văn Mai, sinh năm 1955, cựu chiến binh xã Vân Hà có trang trại bưởi  diện tích hơn 1ha, trồng gần 400 gốc bưởi. Trang trại bưởi của ông Mai là một trong những trang trại tiêu biểu, cho hiệu quả kinh tế cao của xã. Ông Mai chia sẻ: Thời gian chín và thu hoạch bưởi thường vào dịp giáp Tết Nguyên đán nên sản phẩm tiêu thụ nhanh và có giá trị cao. Vụ bưởi năm 2017, gia đình ông thu nhập gần 600 triệu đồng, trừ chi phí gia đình ông còn lãi được hơn 400 triệu đồng. 


Tuy nhiên, trong vòng hai năm trở lại đây sản lượng có tăng xong giá thành lại giảm, đây cũng là thách thức với người trồng bưởi. Do vậy, để đảm bảo cho cây bưởi của địa phương phát triển ổn định và có được chỗ đứng trên thị trường, địa phương cần có định hướng cho phát triển bền vững. Đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết: Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm bưởi của địa phương năm 2018 và những năm tiếp theo, xã đã qui hoạch vùng 10 ha, lãnh đạo, chỉ đạo Hợp tác xã, Hội Nông dân phối hợp với phòng Kinh tế, Hội Nông dân huyện, tổ chức cắm biển vùng trồng cây ăn quả theo qui trình VietGap theo qui định của Trung tâm Phân tích và chứng nhận sản phẩm nông nghiệp Hà Nội.

 

Chúng tôi mời các nhà khoa học, các trung tâm nghiên cứu về cây có múi về tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh cho cây bưởi, đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các qui trình về sản xuất theo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất rau, củ, quả an toàn. Khuyến khích sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ, không lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu và sử dụng thuốc diệt cỏ trong trồng trọt. Giao cho Hội Nông dân tăng cường quảng bá, giới thiệu bưởi Phúc Phọ cùng với địa chỉ sản xuất nhằm nâng cao thương hiệu bưởi Phúc Thọ trồng tại Vân Hà.


Cùng với đó, xã Vân Hà còn khuyến khích thành lập các câu lạc bộ, hội trang trại, tổ hợp tác để tạo nên những vùng sản xuất qui mô tập trung, thuận lợi cho áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất. Bên cạnh đó, xã đề nghị UBND huyện quan tâm hỗ trợ xây dựng đường giao thông nội đồng và đường điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tăng cường quảng bá, liên kết sản xuất, kinh doanh để nâng cao giá trị sản phẩm, khẳng định thương hiệu bưởi Vân Hà.


Phúc Nguyên

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ