A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội phát huy hiệu quả du lịch làng nghề

 

QPTĐ-Du lịch làng nghề truyền thống ngày càng hấp dẫn du khách và đang là một hướng phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế-xã hội, hình thức du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hóa của mỗi địa phương. Thời gian qua, cùng với mở rộng quy mô, nâng cao giá trị sản phẩm các làng nghề phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy du lịch làng nghề phát triển.

 

 

Múa Lân mừng tuần văn hóa du lịch làng nghề Vạn Phúc năm 2018.       

Ảnh: Hoàng Hải


Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông) từ lâu đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Du khách đến đây không chỉ được tìm hiểu về nghề dệt lụa có bề dày cả nghìn năm mà còn ấn tượng bởi dịch vụ du lịch khá hoàn thiện. Vạn Phúc có 3 tuyến phố đi bộ, bao gồm: Phố lụa, phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh-đồ cổ để giới thiệu, quảng bá đến du khách trong và ngoài nước. Hiện nay, làng Lụa Vạn Phúc có khoảng 264 máy dệt, 164 cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình và hơn 100 cơ sở kinh doanh. Sản lượng lụa mỗi năm đạt khoảng 2 triệu mét. Nhờ làm tốt kết nối du lịch làng nghề nên trung bình mỗi tháng, Vạn Phúc đón khoảng 20 nghìn lượt khách (trong đó có khoảng 2 nghìn khách quốc tế) đến tham quan, mua sắm. Doanh thu mỗi năm từ du lịch đạt hơn 100 tỷ đồng.

 

Đồng chí Đặng Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc cho biết: Phố lụa Vạn Phúc là tuyến trọng tâm để giới thiệu đến du khách sản phẩm của nghề. Ngoài ra, chúng tôi tạo thêm phố cây-sinh vật cảnh, phố ẩm thực, góp phần tạo thêm không gian văn hóa của làng quê; đồng thời, cũng giới thiệu tới du khách thập phương, tạo thị trường rộng để khách du lịch về với Vạn Phúc. Địa phương còn xây dựng bộ phận hỗ trợ du khách, thuyết minh viên, thiết lập đường dây nóng, đảm bảo vệ sinh môi trường, trang trí cảnh quan và hỗ trợ các hộ sản xuất đăng ký thương hiệu.


Tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), với gần 1 nghìn hộ đang sản xuất kinh doanh gốm sứ, hoạt động du lịch ở Bát Tràng cũng được chú trọng. Các sản phẩm luôn được cải tiến về mẫu mã, tạo dáng, có chất lượng ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Bát Tràng còn khéo léo khai thác yếu tố văn hóa, tâm linh, lịch sử từ các di tích văn chỉ làng khoa bảng, đình, đền hay tổ chức lễ hội truyền thống để thu hút khách du lịch.


Thực tế cho thấy, tiềm năng du lịch làng nghề của Hà Nội là rất lớn và nếu được khai thác tốt, sẽ tạo điều kiện để tăng thêm nguồn thu nhập, góp phần đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, du lịch làng nghề ở Hà Nội vẫn còn phát triển tự phát và còn nhiều hạn chế như: Hạ tầng chưa đồng bộ, môi trường ô nhiễm, các sản phẩm làng nghề còn đơn điệu, chưa tính đầy đủ đến nhu cầu của thị trường. Việc quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm làng nghề cũng chưa được đẩy mạnh. Ông Đinh Quý Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề xã Duyên Thái, huyện Thường Tín cho biết: Chúng tôi cũng mong muốn các cấp lãnh đạo, một số ban, ngành tạo điều kiện để quảng bá thương hiệu sản phẩm, giúp cho các làng nghề có thêm một số nhân tố mới để phát triển hàng hóa theo cơ chế thị trường. Ví dụ như, đưa đi nước ngoài tham quan, học hỏi, tiếp cận nguồn khách hàng nước ngoài, giúp cho các làng nghề có thêm các đối tác, đối tượng khách hàng đa dạng, phong phú hơn.


Để khắc phục những khó khăn trên, Sở Du lịch Hà Nội đã tham mưu cho Thành phố thực hiện các giải pháp thiết thực để giúp cho các địa phương xây dựng được sản phẩm du lịch đặc thù. Cụ thể là, đối với những làng có nghề truyền thống cần xây dựng những điểm du lịch làng nghề gắn với phát triển du lịch văn hóa gắn với cộng đồng. Có như vậy mới nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, chất lượng điểm đến. Đồng chí Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Có một nội dung mà các làng nghề cũng tương đối quan tâm là khi khách du lịch đến các làng nghề thì việc thông tin và giới thiệu những sản phẩm cụ thể của làng nghề phải được đặc biệt quan tâm. Thứ hai là, khi có sản phẩm và chất lượng sản phẩm rồi thì phải quan tâm đến việc chuẩn hóa các nội dung thuyết minh, hướng dẫn để phục vụ cho công tác tuyên truyền, quảng bá đến khách du lịch.


Với hơn 1.300 làng nghề, chiếm gần 65% số làng nghề của cả nước, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển du lịch làng nghề; xây dựng các sản phẩm du lịch làng nghề gắn với phát triển du lịch văn hóa cộng đồng. Nếu phát huy được hiệu quả của các làng nghề truyền thống gắn với du lịch thì lợi ích mang lại là rất lớn.


Song Hà

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ