A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làng nghề Sơn Đồng

 

QPTĐ-Nằm về phía Tây, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức như tách biệt với nhịp sống hiện đại với những người thợ mộc cần mẫn tạo ra từng sản phẩm thủ công đặc biệt. 

 

 

Nghề mộc tại Sơn Đồng thu hút nhiều lao động tham gia.


Trong các hình thái tín ngưỡng dân gian, thờ cúng tổ tiên đã trở thành một tập tục truyền thống, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam, là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Với hơn 800 năm hình thành và phát triển, làng nghề Sơn Đồng đã trở thành cái nôi và đạt được những giá trị tinh hoa trong sản xuất đồ thờ thủ công mỹ nghệ.


Ở chốn này có câu “ra đường gặp nghệ nhân”, ý nói nghệ nhân rất nhiều, có khi nhiều hơn người thường. Bởi vì, ở danh sách Hội làng nghề đã có tới hơn nghìn người tài giỏi, ấy là chưa tính đến bậc cao niên đã thôi làm nghề. Nơi đây được ví như là “thiên đường” về đồ thờ cúng hay đồ trạm khắc thủ công mỹ nghệ. Làng nghề Sơn Đồng với hơn 250 hộ dân thì trong đó có tới hơn 80% số hộ làm và sinh sống bằng nghề này, trong đó, có hơn 1.000 thợ lành nghề và nhiều nghệ nhân giỏi.


Quy trình chế tác một sản phẩm cũng lắm công phu. Khâu đầu tiên nhưng rất quan trọng đó là khâu chọn gỗ, nào là dổi, trắc, lu, hương...Quan niệm dân gian cho rằng, gỗ mít là loại gỗ thiêng, hợp việc chế tác đồ thờ cúng. Gỗ mít rất dẻo, mềm và thớ dăm nên bền, hiếm khi nứt nẻ, gọt thì dễ mà không sơ. Tiếp theo từng khúc gỗ sẽ được loại bỏ hết phần dác, giữ lại phần lõi. Rồi thì vẽ phác thảo, đục, đẽo, đây là khâu quan trọng nhất đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và tập trung của người thợ. Sau khi các bộ phận chi tiết được đục hoàn chỉnh là đến khâu gọt, nạo rồi đánh nhẵn. Kỹ thuật sơn tượng cũng rất là kỳ công và tỉ mỉ như nghệ thuật sơn mài. Đầu bảng ở Sơn Đồng là nước sơn thếp, đặc thù là sơn ta, sơn mài, cho nên độ bền của sản phẩm rất cao “100 năm mới phải sơn lại”. Người thợ sơn hom bằng đất bột ngâm, rồi sơn lót 3 lớp sơn đen, tiếp đến bó tượng bằng 2 lớp sơn thí, thêm 3 lớp sơn cầm phủ. Khi sơn cầm thếp se người thợ sẽ tiến hành thếp vàng hoặc thếp bạc. Với sự tài tình và khéo léo của những nghệ nhân làng nghề Sơn Đồng, sản phẩm được tạo ra vô cùng tinh xảo, đẹp mắt. 


Dù thế giới ngoài kia có bao nhiêu biến đổi, làng nghề Sơn Đồng vẫn ẩn mình trong lớp áo xanh của những cánh đồng, những ngôi nhà bình dị. Tiếng đục, tiếng bào đều đều len lỏi đến từng ngóc ngách, từng con đường. Giản dị là vậy nhưng sản phẩm của Sơn Đồng phục vụ trên toàn quốc. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu ra thị trường thế giới, đem lại thu nhập cao và giới thiệu với bạn bè quốc tế về một Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.


Hải Yến


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ