A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

 

Ban hành đủ hệ thống chính sách

Nước ta có 53 dân tộc thiểu số, với 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước; sinh sống thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã. Đồng bào dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích của cả nước. Đây là những vùng núi cao, biên giới, có địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, nơi khó khăn nhất của nước ta, đồng thời, cũng là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái.

 

 

Thành phố Hà Nội có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.  
Ảnh: Hoàng Hải


Quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giai đoạn 2016 đến 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đã chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Được biết, từ năm 2016 đến nay, các bộ, ngành đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 39 chương trình, chính sách, được thể chế qua 55 văn bản, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giảm nghèo; phát triển sản xuất trong nông, lâm nghiệp, thủy sản; giáo dục-đào tạo…


Có thể khẳng định, hệ thống chính sách về vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay khá đầy đủ và toàn diện trên các lĩnh vực. Ngân sách Nhà nước tuy còn khó khăn nhưng các chính sách dân tộc đã được Đảng và Nhà nước ưu tiên bố trí nguồn lực kết hợp các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, với ngân sách địa phương để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc đã được nâng cao rõ rệt, tỷ lệ giảm nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm từ 3 đến 4%/năm. Nguồn lực dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm, chú trọng để nơi đây thoát nghèo, vươn lên.


Tuy nhiên, trong thực tế, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng có điều kiện sống khó khăn nhất trong cả nước, tỷ lệ hộ nghèo cao. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Một bộ phận đồng bào dân tộc vẫn thiếu đói, nhất là vào những tháng giáp hạt hoặc những năm bị thiên tai. Đây là những vấn đề cấp thiết đặt ra đối với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.


Hà Nội có nhiều chính sách đi trước


Hiện nay, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã với trên 92.000 người, thuộc 50 thành phần dân tộc, chiếm 0,92% dân số toàn Thành phố, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường, Tày, Dao và một số dân tộc thiểu số khác. Đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô cư trú tập trung theo cộng đồng thôn, xã tại 153 thôn, thuộc 14 xã của 5 huyện là Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức.


Ngoài những chính sách ưu tiên theo quy định của Chính phủ, Hà Nội cũng ban hành nhiều chính sách để giúp đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phát triển. Cụ thể, thực hiện chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn Thành phố; hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo; trợ cấp 350.000 đồng/người/tháng cho người già yếu ốm đau, người mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng lao động thuộc hộ nghèo; dạy nghề miễn phí cho lao động thuộc hộ nghèo; trích ngân sách Thành phố ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho hộ nghèo vay phí 0,3%/tháng, hộ cận nghèo phí 0,4%/tháng; hỗ trợ chi phí hỏa táng cho hộ nghèo; tặng quà cho 100% hộ nghèo...sửa chữa nhà ở, hỗ trợ phương tiện lao động sản xuất, kinh doanh để tăng thu nhập. Thực hiện hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng và sửa chữa nhà ở... 


Nhờ vậy, tốc độ phát triển kinh tế-xã hội các xã vùng dân tộc thiểu số bình quân hàng năm đạt trên 10%, thu nhập bình quân đầu người đạt 28-30 triệu đồng/năm, có xã trên 40 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; 100% xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, trên 60% đường trục thôn được bê tông hóa. Hệ thống thủy lợi từng bước đáp ứng yêu cầu cơ bản của sản xuất và dân sinh, trong đó trên 50% kênh mương được kiên cố hóa; 100% số hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt và từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất; 100% số xã đã có điểm bưu điện, 100% các thôn có đường dây điện thoại, mạng lưới internet đến từng thôn, đáp ứng yêu cầu nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 6,5%, hộ cận nghèo còn khoảng 5,1%, đã có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới.


Cùng với tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân cũng được nâng lên. Đến nay, trên địa bàn dân tộc, miền núi Thủ đô có 97/153 (63%) thôn đạt danh hiệu “Làng văn hóa” và 83,47% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Các hoạt động thể thao, văn hóa truyền thống như: Bắn cung, đẩy gậy, hát sắc bùa, hát đang, mo, mỡi, múa Mường cổ... được khôi phục và phát huy. Lễ cấp sắc, tết nhảy của dân tộc Dao thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia, góp phần tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết giữa các dân tộc; các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội ngày một giảm dần.


Để tiếp tục hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định số 2085 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020. Theo đó, Thành phố sẽ hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các thôn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ nước sinh hoạt, gồm hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo với mức 1,5 triệu đồng/hộ.


Đức Minh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ