A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bước “đột phá” để văn hóa mãi thấm sâu và lan tỏa

QPTĐ-Được cha ông trao truyền nhiều di sản văn hóa đồ sộ, quý giá khi đã “gạn đục khơi trong” qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, như: Thành quách, đình, chùa, lăng tẩm, tượng đài, sông, hồ, vườn hoa, công viên, quảng trường... đều là những di sản văn hóa đa dạng, độc đáo. Vì vậy, Hà Nội được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế biết đến là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nền văn hóa dân tộc. Nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội to lớn là vậy, nhưng trong quá trình phát triển ngành công nghiệp văn hóa, Thành phố phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là “điểm nghẽn” về nhận thức nên tồn tại những vấn đề hạn chế, bất cập nảy sinh từ thực tiễn. Thế nhưng sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đã  tạo bước “đột phá” mới, để văn hóa mãi thấm sâu và lan tỏa đối với mỗi người dân Thủ đô.

Bài 1: Những “điểm nghẽn, góc khuất” khi chưa có nghị quyết mở đường

Hà Nội là nơi có nhiều di sản văn hóa vô giá, gắn liền với chiều dài của lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, do chưa có nhiều thể chế đi trước mở đường, nên dẫn đến nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, cũng như lãnh đạo một số địa phương của Thành phố mới chỉ dừng lại ở việc “duy tu, bảo tồn”, mà chưa quan tâm chú trọng đến năng lực sáng tạo từ nguồn di sản văn hóa, tạo đầu ra là các sản phẩm để kinh tế và văn hóa luôn thấm sâu, hòa quện vào nhau, đây chính là “rào cản, điểm nghẽn” cần được khơi thông, gỡ bỏ.

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long lưu giữ nhiều giá trị lịch sử.
 

Không phải ngẫu nhiên mà Thăng Long - Hà Nội được coi là “Thành phố di sản” với quỹ di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng, đặc sắc, nổi bật nhất cả nước. Bởi vì, Thủ đô Hà Nội là nơi hiện diện đầy đủ các loại hình di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, bao gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có một di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, với hàng trăm di sản được vinh danh ở nhiều cấp độ, trong đó có hai di sản được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Hội Gióng ở làng Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, đền Sóc của huyện Sóc Sơn và một Di sản tư liệu thế giới là 82 bia tiến sĩ Triều Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong hơn 3.500 di tích được công nhận cấp quốc gia, Hà Nội chiếm 1/3 tổng số với hơn 1.200 di tích được công nhận. Cùng với đó, Hà Nội còn là mảnh đất “trăm nghề”, với nhiều làng nghề nhất cả nước, chiếm đến 59% và là một trong số ít Thủ đô trên thế giới có tới 1.350 làng nghề, 1.173 lễ hội mới và sự kiện văn hóa, nghệ thuật, 115 không gian sáng tạo đa lĩnh vực. Bên cạnh đó, với vị thế là Thủ đô, Hà Nội còn có thế mạnh là trung tâm lớn về khoa học công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế, có mối quan hệ hợp tác với hơn 100 thủ đô các nước, quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây chính là nguồn lực nội sinh lớn, “sức mạnh mềm” để ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội phát triển.

Chùa Một Cột-quần thể kiến trúccùng độc đáo của Hà Nội.
 

Nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội to lớn là vậy, nhưng trong quá trình phát triển ngành công nghiệp văn hóa, bên cạnh những thuận lợi, Thành phố cũng phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức, rào cản, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển. Đó là một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ, đồng đều về vai trò, vị trí, nguồn lực văn hóa. Một số địa phương vẫn chưa quan tâm trong việc triển khai chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, nên không dành nhiều nguồn lực để đầu tư, cho nên nhiều giá trị, di sản văn hóa độc đáo của địa phương nằm im, chưa được khai thác để phát triển. Cùng với đó, sự phối hợp, liên kết đồng bộ, hiệu quả, liên ngành giữa các lĩnh vực có liên quan còn thiếu chặt chẽ. Kết cấu hạ tầng cho sự phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô còn chưa đồng bộ. Thể chế, cơ chế và các chính sách đặc thù, ưu tiên cho sáng tạo văn hóa chưa hoàn thiện, chưa đóng vai trò thể chế đi trước mở đường như chính sách đầu tư phát triển, kỹ năng chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Nên dẫn đến các doanh nghiệp còn ngần ngại trong đầu tư vào lĩnh vực văn hóa và cho rằng: “Văn hóa là lĩnh vực tiêu tiền, đầu tư nhiều mà lợi nhuận thu về ít”. Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Giám đốc Sở văn hóa, Thông tin Hà Nội cho rằng: “Mặc dù Hà Nội có nhiều thế mạnh về di sản văn hóa, giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc, tham gia vào hệ thống Thành phố sáng tạo của UNESCO nhưng đến với Hà Nội, mọi người vẫn bắt gặp những sản phẩm và dịch vụ văn hóa cũ, ít có sự đổi mới, chưa đa dạng, chưa bản sắc, độc đáo và xứng tầm với vị thế của Thủ đô trong tương quan khu vực và quốc tế. Do đó, cần phải có cơ chế, chính sách để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nếu công nghiệp văn hóa phát triển nó sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành liên quan khác như du lịch, ẩm thực, trang phục, mỹ phẩm, nghệ thuật…”.

Nghề làm hương Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa.
 

Thực tế cho thấy, trước năm 2020, Thành phố mới chỉ dành khoảng 1,8% ngân sách cho ngành văn hóa. Mặc dù kinh phí không nhiều, nhưng nhiều địa phương cũng không giải ngân hết. Trong khi đó, nếu tập trung đầu tư vào phát triển công nghiệp văn hóa, thì không thiếu gì việc để đầu tư. Vậy nên, để làm sáng tỏ nội hàm “công nghiệp sáng tạo”, “công nghiệp văn hóa” cho người dân và doanh nghiệp luôn là điều mà lãnh đạo thành phố Hà Nội day dứt, trăn trở, bởi vì Thành phố chưa xây dựng được nhiều cơ chế chính sách để thu hút, khuyến khích các nguồn lực xã hội và các nhà đầu tư lớn mạnh vào phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Để khai thông nguồn lực từ văn hóa ứng xử, tối ưu hóa những giá trị văn hóa mới bên cạnh những giá trị văn hóa đã được định hình, từ năm 2017, Hà Nội mới chỉ xây dựng và triển khai được hệ thống Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Vì vậy, muốn xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa, hoàn thiện cơ cấu ngành công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa của Thủ đô trở thành động lực phát triển, có thương hiệu, có tính cạnh tranh cao ra toàn cầu là nhiệm vụ bức thiết, đòi hỏi phải có nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa mở đường, là yêu cầu tất yếu, khách quan, đảm bảo tính thống nhất trong quan điểm, mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô và của cả nước.

Nguyễn Văn Tuân

 

Bài 2: “Đột phá” để mở cánh cửa phát triển không gian văn hóa cho Thủ đô


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ