A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm” trong thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội

 

QPTĐ-Với mục tiêu chỉ ra những nguyên nhân hạn chế, các bài học kinh nghiệm và phương hướng thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo, sáng 2-7, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã thảo luận Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12, ngày 29/5/2008 của Quốc hội khoá XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan (giai đoạn từ 1/8/2008-1/8/2018).

 

 

Diện mạo đô thị Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại.

 

Đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, thay mặt Ban cán sự Đảng UBND Thành phố trình bày báo cáo về Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị T.Ư 6 (Khóa X) và Nghị quyết 15 của Quốc hội (Khóa XII) về điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, trong đó khẳng định: Được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ về mở rộng địa giới hành chính; sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, với phương châm “Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm”, tất cả vì công việc chung, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô đã phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao ý thức trách nhiệm và tinh thần chủ động, vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, thực hiện một khối lượng lớn công việc trong một thời gian rất ngắn, tiến hành hợp nhất tổ chức, bộ máy, sắp xếp, bố trí cán bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị một cách nhanh chóng, hợp lý, công tâm, khách quan, dân chủ, vận hành thông suốt từ 1/8/2008. 


Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn, toàn diện, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước, xứng đáng là trái tim của Tổ quốc, là đầu não, trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Trong bối cảnh suy thoái và khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế Thủ đô vượt qua khó khăn, tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực.

 

Năm 2017, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng gần 2 lần, thu nhập (tính theo GRDP) tăng 2,3 lần, thu ngân sách tăng gần 3 lần, chi ngân sách tăng 3,6 lần, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 2,85 lần so với năm 2008. Lĩnh vực văn hoá-xã hội, giáo dục-đào tạo, y tế, khoa học-công nghệ tiếp tục phát triển, an sinh xã hội nông thôn ngày càng được thu hẹp; giá trị văn hoá truyền thống của Thăng Long và xứ Đoài được gìn giữ, phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt.


Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, đất đai trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực; hạ tầng kỹ thuật và xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng được quan tâm đầu tư mở rộng, tăng cường và giữ vững. Diện mạo đô thị ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại; nông thôn được quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội; diện mạo Thủ đô khởi sắc rõ rệt. Hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động có chuyển biến tốt hơn.

 

Vai trò, vị thế của Thủ đô ngày càng nâng cao trong nước và quốc tế. Thành phố đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng (năm 2010). Sự phát triển vượt bậc của Thủ đô trong 10 năm qua đã khẳng định được tính đúng đắn, tầm nhìn chiến lược, ý nghĩa lịch sử, thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.


Cụ thể, trong 10 năm (2008-2018), Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết 15/2008/QH12, đạt được 7 kết quả nổi bật. Đối với kinh tế phát triển ổn định ở mức cao và đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; không gian kinh tế được mở rộng, phát triển. Theo đó, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 10 năm tăng gần 2 lần (năm 2017 đạt 519.568 tỷ đồng); thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 86 triệu đồng, gấp 2,3 lần so với năm 2008.


Một số ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, trình độ cao, chất lượng cao tiếp tục phát triển như: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch… Dịch vụ ngân hàng phát triển nhanh theo hướng hiện đại; lĩnh vực thương mại tiếp tục được chú trọng phát triển. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 11,78 tỷ USD (gấp 1,7 lần năm 2008); hạ tầng thương mại được đầu tư. Ngành Du lịch phát triển nhanh, khách quốc tế tăng từ 1,3 triệu lượt năm 2008 tăng lên 4,95 triệu lượt năm 2017 (tăng 3,8 lần) và Hà Nội nằm trong tốp 10 thành phố có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.


Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng khá, bình quân tăng 8,61%/năm; doanh thu năm 2017 đạt 6,5 tỷ USD, tăng 2,5 lần so với năm 2008. Ngành Xây dựng phục hồi và phát triển sôi động, giá trị tăng thêm đạt trung bình 7,18%/năm. Ngành Nông nghiệp đạt kết quả tích cực, giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp năm 2017 đạt 239 triệu đồng, gấp gần 2 lần năm 2008.


Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Thủ đô tiếp tục được hoàn thiện và phát triển. Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng liên tục 5 năm liền kể từ năm 2012 (năm 2016 xếp thứ 14/63, năm 2017 xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố và cao nhất từ trước tới nay). Từ đó, Hà Nội nằm trong tốp 10 thành phố năng động nhất thế giới.


Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND Thành phố đã kết luận: 10 ý kiến (trong đó có 8 đại diện các quận, huyện và 2 đại diện của các ban, ngành) tại Hội nghị đều khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn của Thành uỷ trong việc thực hiện Nghị quyết số 15.

 

Các ý kiến đều nhất trí với bố cục, đánh giá, nhận định và 5 bài học kinh nghiệm đã được chỉ ra; chủ yếu minh họa thêm các dẫn chứng để khẳng định tính đúng đắn của Nghị quyết số 15; sau hợp nhất, tình đoàn kết của cán bộ, nhân dân Thành phố ngày một nâng lên; phương pháp, tác phong công tác của đội ngũ lãnh đạo được đổi mới, khoa học; cải cách hành chính và kỷ cương, kỷ luật được đột phá, nâng lên rõ rệt; văn hoá các vùng miền cũng ngày một phát huy. Đặc biệt, việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy hành chính của Thành phố đã phát huy hiệu quả…

 

Tuy nhiên, các ý kiến có sự bổ sung như: Thành phố nên quan tâm đầu tư toàn diện vùng sâu, vùng xa, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; có các giải pháp chỉ đạo tập trung hơn về 5 đô thị vệ tinh; quan tâm đầu tư vấn đề môi trường như rác thải, nguồn nước sạch, đưa đời sống người dân ngày càng phát triển.


Trần Hiền

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ