A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thông tin về 5 dự án theo hình thức BT

 

QPTĐ-Tại buổi Giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 26-6, đồng chí Phạm Quý Tiên, Phó Chánh văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã thông tin về các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, mới được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Hội nghị “Hà Nội 2018-Hợp tác đầu tư và phát triển”.

 

 

Giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức.

 

Theo đó, tại Hội nghị “Hà Nội 2018-Hợp tác đầu tư và phát triển”, UBND Thành phố đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi cho 5 Dự án công trình giao thông để giảm ùn tắc giao thông thực hiện theo hình thức BT. Song vừa qua, một số báo chí, trang mạng điện tử có thông tin liên quan đến dự án BT và quỹ đất thanh toán cho dự án chưa chính xác như: Dự án Xây dựng tuyến đường Minh Khai-Vĩnh Tuy-Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5, dài 1,6km, đối ứng 60ha đất; Dự án cải tạo, nâng cấp đường quốc lộ 6 giá trị công trình BT hơn 8.000 tỷ, Thành phố giao đất đối ứng hơn 400ha đất, giá mỗi mét vuông 2 triệu đồng, dẫn đến sự hiểu chưa chính xác, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư dự án. Vì vậy, UBND thành phố Hà Nội sẽ cung cấp thông tin liên quan đến 5 dự án đang trong quá trình triển khai để các cơ quan báo chí thông tin rộng rãi.


Về trình tự triển khai thực hiện: Thành phố đã nghiêm túc thực hiện các thủ tục quy định tại Nghị định số 15 của Chính phủ, gồm 6 bước theo quy định. Khi tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đảm báo công khai, minh bạch. UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành xác định các tiêu chí đối với các nhà đầu tư phải có năng lực tài chính, năng lực quản trị dự án, đã ứng vốn để lập hồ sơ đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi; phải cam kết bố trí vốn để xây dựng công trình BT trước khi được Thành phố giao đất đối ứng với lãi suất thấp nhất và thời gian thi công công trình ngắn nhất.


Các dự án BT nêu trên đều là các công trình xây dựng đường giao thông, khối lượng kinh phí cho hạng mục bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị công trình BT, chi phí xây lắp đảm bảo đúng định mức, đơn giá Nhà nước quy định, chiếm tỷ lệ thấp. Vì vậy, nếu chỉ nêu thông tin về độ dài của tuyến đường để so sánh sẽ không phản ánh được khách quan chi phí đầu tư của dự án BT.


Nhà đầu tư được lựa chọn phải ứng 100% vốn để lập quy hoạch chi tiết 1/500, thực hiện GPMB, đầu tư hạ tầng kỹ thuật các dự án đối ứng và chi phí đầu tư được khấu trừ vào tiền sử dụng đất theo quy định. Nhà đầu tư chỉ được khai thác sử dụng đối với diện tích đất thương phẩm (đất xây dựng nhà ở, thương mại, dịch vụ có thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) chiếm khoảng 26% trên tổng diện tích khu đất để tính giá trị thanh toán, giao cho nhà đầu tư hoàn vốn cho công trình BT, còn lại là đất làm đường giao thông, cây xanh, hồ nước, công trình xã hội, không phải là đối tượng để tính tiền sử dụng đất.


Sau khi quy hoạch chi tiết 1/500 và chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt, UBND Thành phố mới quyết định giao đất để thanh toán cho công trình BT. Giá đất thanh toán sẽ được liên ngành Thành phố xác định theo sát giá thị trường theo đúng quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính và trừ đi phần kinh phí nhà đầu tư đã ứng để bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng HTKT; diện tích đất giao và giá trị đất thanh toán cho nhà đầu tư tương đương với giá trị công trình BT theo đúng nguyên tắc, quy định tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ và Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 12/3/2018 của UBND Thành phố.


Sau khi thanh toán tương đương giá trị công trình BT, diện tích đất còn thừa (nếu có), Thành phố sẽ thu hồi lại, thực hiện quản lý theo đúng quy định của Luật Đất đai 2013 và các Nghị định của Chính phủ.


Ngân Mỹ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ