A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Diện mạo Thủ đô sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính

 

QPTĐ-Với mục đích đánh giá những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong 10 năm mở rộng địa giới hành chính, thống nhất những giải pháp thiết thực góp phần xây dựng Thủ đô ngày một văn minh-thanh lịch, ngày 22-6, Thành uỷ Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội; các nhà khoa học, văn nghệ sỹ, trí thức của Thủ đô vào Dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khoá XII về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội (1/8/2008-1/8/2018).

 

 

Diện mạo Thủ đô Hà Nội có nhièu thay đổi sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính.

                                                                  Ảnh: Zing.vn

 

10 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”; ý thức đầy đủ trách nhiệm trước Trung ương và cả nước, với phương châm “Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm”, tất cả vì công việc chung, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, lực lượng vũ trang Thủ đô đã phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao ý thức trách nhiệm và tinh thần chủ động, vận dụng sáng tạo đường lối, nghị quyết của Đảng, tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, khẩn trương triển khai thực hiện có kết quả và hiệu quả một khối lượng lớn công việc để thực hiện thành công kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô trong một thời gian rất ngắn.

 

Đồng thời, tiến hành hợp nhất tổ chức, bộ máy, sắp xếp, bố trí cán bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị một cách nhanh chóng, hợp lý, công tâm, khách quan, dân chủ, vận hành thông suốt từ ngày 1/8/2008; tiến hành rà soát, nhất là các cơ chế, chính sách, khớp nối các quy hoạch, các dự án, tạo hành lang pháp lý thống nhất cho việc điều hành, quản lý hiệu quả sau khi hợp nhất.


Trong 10 năm, kinh tế phát triển ổn định ở mức cao và đạt mức tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực; không gian kinh tế được mở rộng và phát triển. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn tăng gần 2 lần, năm 2017 đạt 519.568 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 86 triệu đồng (gấp 2,3 lần so với năm 2008). Một số ngành dịch vụ có giá trị tăng lớn, trình độ cao, chất lượng cao tiếp tục được phát triển như tài chính, ngân hàng, thông tin và truyền thông, du lịch. Dịch vụ ngân hàng phát triển nhanh theo hướng hiện đại. Công nghệ thông tin có bước phát triển nhanh. Thu, chi ngân sách luôn đảm bảo dự toán. Huy động vốn đầu tư trên địa bàn được đẩy mạnh. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, diện mạo nông thôn đổi mới toàn diện và rõ rệt. Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện.


Sự nghiệp văn hóa, giáo dục-đào tạo, y tế, khoa học-công nghệ tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác quy hoạch, phát triển không gian, xây dựng kết cầu hạ tầng kỹ thuật được đặc biệt chú trọng; quản lý đô thị, bảo vệ môi trường được tăng cường; quy mô và diện mạo đô thị của Thành phố đã được mở rộng, thay đổi nhanh chóng theo hướng hiện đại, văn minh.

 

Tiến sỹ Trần Danh Lợi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội khẳng định: Kết quả đạt được đã khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử, ý nghĩa lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Tuy tính đô thị trong vùng lõi thực hiện rất khó nhưng những năm qua, Hà Nội đã có phát triển vượt bậc với nhiều chương trình thiết thực như tổ chức không gian đi bộ; chương trình trồng 1 triệu cây xanh; 98% đô thị Hà Nội chiếu sáng ban đêm; xây dựng hơn 230km đường trong 10 năm; tình trạng mất nước, mất điện, ngập lụt đã được cải thiện đáng kể. Trong cuộc cách mạng 4.0, phải khẳng định vị trí của Hà Nội trong ASEAN bằng cách ưu tiên chính sách xã hội hóa, quản lý Nhà nước; tổ chức chính trị-xã hội nghề nghiệp phải vào cuộc để là cầu nối giữa chính quyền thành phố và doanh nghiệp.


Với lĩnh vực văn học nghệ thuật, NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội nhận xét: Trong phần văn hoá còn thiếu lĩnh vực văn học nghệ thuật nên cần đưa thêm những đóng góp của giới văn nghệ sĩ, tri thức Thủ đô với việc phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc biệt là các di sản văn hóa được triển khai tích cực.

 

Để thể hiện sinh động hơn kết quả phát triển toàn diện của Thủ đô nên tập trung vào 2 vấn đề chính: Việc xây dựng và tổ chức chính quyền địa phương bảo đảm tinh gọn, hiệu quả; thứ hai là kết quả phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng. Nên có chính sách đãi ngộ thích đáng với những tài năng, nhân tài và cống hiến của văn, nghệ sỹ. Cơ chế cải tiến về giải thưởng trong văn học, nghệ thuật cũng cần phải nâng lên tương xứng; tích cực tăng cường công tác đào tạo cho các đội ngũ kế cận…


Ở góc nhìn khác, Tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm-Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, việc mở rộng địa giới hành chính xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển của Hà Nội và khẳng định sự chủ động và nỗ lực của Hà Nội giải quyết các khó khăn, thách thức. Trước khi thực hiện chủ trương mở rộng địa giới hành chính, người ta lo ngại nhất là Hà Nội có tới 80% đất nông nghiệp, hơn 4 triệu dân nông thôn.

 

Hơn nữa phần mở đầu Dự thảo mới chỉ khẳng định được thời điểm để ra Nghị quyết, tuy nhiên từ trước đó gần 5 năm, Hà Nội đã có sự chủ động trong việc chuẩn bị các đề án, trình Trung ương cuối cùng mới đưa ra kết luận. Vì vậy, Dự thảo nên mở rộng hơn để thấy được sự chủ động của chính Thủ đô trong vấn đề này. Nông thôn mới chỉ đưa vào tiểu mục của mục 4 thì tôi thấy không hợp lý.


PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên-Môi trường và phát triển cộng đồng, kiến nghị phải lấy kinh tế trí thức làm chủ đạo để phát triển Thủ đô hơn nữa.


Tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội  khẳng định sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội Khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội. Đồng chí cho biết: Hà Nội cũng đã điều tra xã hội học với nhiều tầng lớp nhân dân, từ nông thôn, thành thị đến đồng bào dân tộc để có đánh giá khách quan.

 

Quan trọng nhất là đánh giá chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước để phát triển thủ đô của đất nước gần 100 triệu dân. Việc đánh giá khách quan, khoa học có ý nghĩa không chỉ cho Hà Nội mà còn là kinh nghiệm để Trung ương có quyết sách với các địa phương khác…


Hiền Mĩ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ