Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo
QPTĐ-Ngày 9-3, Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội nghị bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo năm 2022 và những năm tiếp theo.
Trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Quân sự đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về công tác giáo dục-đào tạo. Nhà trường đã có nhiều đổi mới về phương thức lãnh đạo, phương pháp chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, tích cực để nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo. Trong đó, Nhà trường coi trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng và từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Từ năm 2020 đến nay, Nhà trường đã cử hàng trăm lượt cán bộ, giáo viên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao lý luận chính trị, trình độ nghiệp vụ sư phạm, công nghệ thông tin. Kết quả thi giáo viên giỏi, cán bộ quản lý giỏi từ năm 2020 đến nay có nhiều chuyển biến tiến bộ. Đội ngũ giáo viên có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với nghề, luôn tích cực, chủ động nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm. Các thiết bị công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng được giáo viên vận dụng tốt, làm cho tiết học thêm sinh động, từ đó học viên tiếp cận kiến thức một cách chủ động và dễ hiểu hơn. Năm 2021, Trường Quân sự tổ chức tiếp nhận đào tạo 36 đối tượng, 154 lớp với 12.269 học viên, sinh viên. Kết quả thi, kiểm tra 100% đạt yêu cầu, trong đó trên 90% đạt khá giỏi…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng. Các ý kiến tập trung nhấn mạnh, làm rõ nguyên nhân kết quả đạt được và thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân của những hạn chế khuyết điểm. Đồng thời đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp về công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, quản lý giáo dục-đào tạo; công tác xây dựng chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; xây dựng nội dung, chương trình giáo dục-đào tạo và phương pháp của giáo viên, cán bộ quản lý; công tác đảm bảo giáo trình, tài liệu, cơ sở vật chất, thao trường, bãi tập phục vụ giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học…
Kết luận Hội nghị, Đại tá Đỗ Hồng Thái, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường yêu cầu cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các phòng, khoa, ban và đơn vị tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của trên về công tác giáo dục-đào tạo, trọng tâm là Nghị quyết số 86-NQ/ĐUQSTW ngày 29/3/2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về công tác giáo dục-đào tạo trong tình hình mới; Chiến lược phát triển giáo dục-đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011-2020; Nghị quyết 765-NQ/QUTW ngày 20/12/2012 của Quân ủy Trung ương về tiếp tục nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo; Chương trình số 37-CT/ĐU ngày 11/6/2013 của Đảng ủy Nhà trường về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo; Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của Đảng ủy Nhà trường năm 2022 và phương châm chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu: “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”. Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý phù hợp với đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ đơn vị và khả năng của mỗi người. Giáo viên, cán bộ quản lý cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tự giác học tập, rèn luyện, không ngừng nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng vận dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, lấy người học làm trung tâm nhằm phát huy tính tự giác và khả năng sáng tạo của người học; đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá; thường xuyên lấy ý kiến người học; phối hợp với các đơn vị, địa phương tuyển chọn đầu vào có chất lượng và tổ chức khảo sát chất lượng học viên sau khi tốt nghiệp; chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện và phát huy vai trò “người thầy thứ hai” của đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, nhất là cán bộ cấp phân đội có đủ phẩm chất, năng lực chỉ huy, quản lý, giáo dục học viên…
Nguyễn Tú