A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những điểm sáng về kinh tế-xã hội quý III/2020

QPTĐ-Phát biểu khai mạc trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, phiên họp có ý nghĩa quan trọng khi chúng ta đã đi qua 3/4 chặng đường năm 2020, từ đó có thể đánh giá cơ bản kết quả cả năm 2020 và chuẩn bị cho kế hoạch 2021. 

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, song tăng trưởng kinh tế quý III (2,62%) và 9 tháng năm 2020 (2,12%) dù ở mức thấp nhất trong một thập kỷ qua, nhưng vẫn là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. 

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020 xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép". (Ảnh: Internet)

Trong 9 tháng qua, kinh tế vĩ mô giữ được ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân 9 tháng tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 9 và 9 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý III/2020 tăng 7,4% so với cùng kỳ. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng dương. Tính chung 9 tháng, xuất khẩu tăng 4,2%; có tới 30 mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD, 5 mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 10 tỷ USD. Xuất siêu đạt kỷ lục, gần 17 tỷ USD. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được triển khai đồng bộ, hiệu quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. 

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam là nước tăng trưởng dương duy nhất ở khu vực ASEAN, nằm trong số ít nước tăng trưởng dương trên thế giới. Điều này cho thấy, công tác chỉ đạo, điều hành đã đi đúng hướng, đồng thời với nhiệm vụ bảo đảm sức khỏe của nhân dân thì đẩy mạnh phát triển kinh tế là hướng đi cần thiết. Những nỗ lực và kết quả đó tạo thêm niềm tin cho nhân dân, củng cố sự vững mạnh của hệ thống chính trị, tạo không khí phấn khởi, đoàn kết, là nhân tố tích cực bảo đảm sự thành công của Đại hội Đảng của nhiều tỉnh, thành phố, hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.  

Các chuyên gia nghiên cứu đều có chung nhận định, mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng kinh tế-xã hội năm 2020 của Việt Nam có nhiều điểm sáng. Đó là đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Người dân và doanh nghiệp được hỗ trợ kịp thời. Ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất, cho vay mới với lãi suất ưu đãi; giảm giá tiền điện; gia hạn nộp tiền thuế và tiền thuê đất; hỗ trợ tiền cho người dân và hộ kinh doanh. Kết quả tích cực còn được thể hiện qua sự ổn định của kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Năm 2020 cũng thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài tốt với tổng số vốn đăng ký mới, bổ sung và góp vốn, mua cổ phần đạt trên 20 tỷ USD; dự kiến có nhiều tập đoàn công nghệ và công nghiệp phụ trợ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.

Hai đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 vào tháng 3 và tháng 7 đã gây ảnh hưởng lớn, nhưng nước ta đã kiểm soát thành công. Nền kinh tế đã “đi qua đáy” trong tháng II và đã phục hồi nhanh chóng theo hình chữ V (đây là thuật ngữ để chỉ một mô hình suy thoái và khôi phục kinh tế có biểu đồ giống hình chữ V), cho thấy Việt Nam đã thực hiện thắng lợi mục tiêu kép và có nhiều dư địa để tiếp tục các mục tiêu, giải pháp trrong những tháng cuối năm 2020, nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát tốt lạm phát; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; kích thích mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế trên các ngành, lĩnh vực gắn liền với thực hiện hiệu quả, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, bảo đảm sức khỏe và đời sống cho người dân... phấn đấu đạt mức tăng trưởng năm 2020 từ 2,5 đến 3%. 

Hữu Văn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ