A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày 17/4/1954: Quân ta chuẩn bị kỹ trước khi tiến công cứ điểm 105 và 206 (Huguette 6, 1)

QPTĐ-Các cứ điểm 105 và 206 có giá trị quan trọng đối với địch, do vậy địch cố giữ cứ điểm 105 và 206 để bảo vệ sân bay Mường Thanh và khống chế khu vực tương đối rộng nhằm ngăn chặn quân ta tiến công.

Các chiến sĩ công binh cắt hàng rào thép gai mở đường cho chiến sĩ xung kích tiêu diệt vị trí 206.

Ngày 17/4/1954, Tổng Quân ủy quyết định chỉ đạo Đại đoàn 312 và Đại đoàn 308 phải gấp rút chuẩn bị để đêm 18/4/1954 có thể đánh cứ điểm 105 và 206; đồng thời quyết định sử dụng Trung đoàn 88 thay Trung đoàn 165 tiêu diệt vị trí 105, Trung đoàn 36 phụ trách dương công 206, chặn viện phía Tây, Đại đoàn 312 chặn viện phía Đông, tạo điều kiện để khống chế không phận địch và thắt chặt thêm vòng vây sân bay Mường Thanh.

Cùng ngày, Tổng Quân ủy có thư gửi các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312; đề nghị chỉ huy hai đại đoàn quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ hiểu nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm 105 vô cùng quan trọng và việc thay đổi này nhằm hoàn thành triệt để nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm 105.

Ở phía Tây, Trung đoàn 36 xây dựng trận địa vây ép đánh lấn cứ điểm 206 (Huguette 1), Trung đoàn 88 đào giao thông hào cắt ngang sân bay Mường Thanh, bắt liên lạc với Trung đoàn 141 đang tiến vào sân bay từ phía Đông.

Đến đêm 17/4/1954, ba mũi chiến hào của Trung đoàn 36 đã vây bọc kín cứ điểm 206, Trung đoàn 88 đưa đường hào vào sát sân bay Mường Thanh, các đường hào của ta đã lách vào bên trong các lớp rào bao quanh cứ điểm 105. Việc đào trận địa vây ép đã tạo điều kiện để bộ đội đánh lấn tiêu diệt cứ điểm địch.

Địch phải huy động tới hai tiểu đoàn, chiến đấu với ta nhiều giờ đồng hồ để mở đường tiếp tế đưa tới Huguette 6 sáu hòm đạn và vài thùng nước.

Phía địch: Địch sử dụng chiếc C119 số 564 để thử nghiệm thả dù mở chậm, sản phẩm viện trợ của Mỹ, tuy nhiên hệ thống tự động mở dù bị trục trặc, vì vậy có những chiếc dù rơi chậm, có những chiếc rơi nhanh làm cho các kiện hàng viện trợ tản mát khi rơi xuống mặt đất.

Không có máy bay ngắm theo dõi vì đường rơi của các kiện hàng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như độ cao lúc thả, sức gió, thời gian rơi. Địch thả dù vào ban đêm và thả vào những khu vực vắng vẻ, tuy nhiên sương mù mùa khô đã ngăn cản hiệu quả của những chiếc dù, khi những máy bay địch thả dù có máy bay B.52 hộ tống.

Địch phải huy động tới hai tiểu đoàn, chiến đấu với ta nhiều giờ đồng hồ để mở đường tiếp tế đưa tới Huguette 6 sáu hòm đạn và vài thùng nước. Trước tình hình đó, tướng Lăng-gơ-le (Langlais) tới gặp chỉ huy trưởng Đờ Cát-xtơ-ri (De Castries) báo cáo tình hình bi đát ở Huguette 6.

Sau khi nghe báo cáo, Đờ Cát-xtơ-ri thể hiện sự mệt mỏi vì cuộc chiến đấu triền miên, binh lính của ông ta đang bị tiêu hao, năng lực ngày càng kiệt cạn. Ông ra lệnh cho Bigeard huy động toàn bộ lực lượng dự trữ của tập đoàn cứ điểm, các đơn vị lính dù lê dương, lính xung kích của Tourret đồng thời rút bớt cả một số trung đội bộ binh lê dương ở các cứ điểm khác để mở một hành lang an toàn cho lính trên đồn Huguette 6 rút về khu Trung tâm.

Binh lính ở Huguette 6 được lệnh trong vòng mười phút phải phá hủy các thiết bị cồng kềnh, nặng nề như điện đài và súng lớn. Lợi dụng đám sương mù, đám lính còn sống sót trong cứ điểm Huguette 6 nép mình bò dưới giao thông hào chỉ cách bộ đội ta khoảng 30m, rút dần ra cửa đồn phía Nam.

Tại Sài Gòn, cơ quan báo chí và thông tin địch đã đưa tin rằng Đờ Cát-xtơ-ri có phàn nàn về việc từ chức nếu không được thăng lên cấp tướng, tuy nhiên Đờ Cát-xtơ-ri phủ nhận những thông tin này và khẳng định mình không có cuộc tiếp xúc cá nhân nào với báo chí trước khi được phong cấp tướng. Việc phong tướng cho Đờ Cát-xtơ-ri tại Điện Biên Phủ đã trở thành vấn đề đàm tiếu của thế giới khi họ biết, quân hàm cấp tướng của Đờ Cát-xtơ-ri được máy bay thả dù làm rơi vào tay bộ đội ta.

Theo Nhân dân điện tử


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ