Đẩy mạnh công tác dân vận trong Quân đội
QPTĐ-Năm nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta kỷ niệm 90 năm Ngày Truyền thống công tác dân vận (15/10/1930-15/10/2020). Cách đây 71 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Dân vận”, đăng trên báo Sự Thật. Mở đầu tác phẩm, Bác viết: “Nước ta là nước dân chủ: Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đã khẳng định, tác phẩm “Dân vận” đã khẳng định vị trí xứng đáng trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, với giá trị đặc biệt, thể hiện xuyên suốt tư tưởng “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. “Dân vận” là tâm huyết Bác dành cho mỗi cán bộ, đảng viên, khẳng định sâu sắc quan điểm dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đồng thời phản chiếu sinh động, trọn vẹn cả tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Quán triệt tư tưởng của Người về công tác dân vận, kể từ ngày thành lập đến nay, Quân đội ta luôn coi trọng công tác dân vận với mối quan hệ mật thiết “tình quân dân cá nước”. Quân đội ta là quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.
Bộ đội giúp địa phương xã Hướng Việt thu dọn bùn đất tại trường học. (Nguồn: Internet)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn nhấn mạnh đến vai trò của nhân dân, coi nhân dân là nền tảng, là cội nguồn sức mạnh của “Bộ đội Cụ Hồ”. Người khẳng định: “Không có dân thì không có bộ đội”, “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ: “Phải nhớ rằng dân là chủ. Dân như nước, mình như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết”. “Quân dân một lòng thì kháng chiến ắt thắng lợi, kiến quốc ắt thành công”. Trong những năm tháng chiến đấu đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh, nhân dân ở tiền tuyến cũng như ở hậu phương đã chắt chiu từng lon gạo, hạt muối, tấm áo, thuốc men… giúp đỡ bộ đội. Nhân dân còn hy sinh để che chở cho bộ đội trong vòng vây của kẻ thù. Trong điều kiện hòa bình xây dựng đất nước, nhân dân là người giúp đỡ bộ đội xây dựng doanh trại, tuần tra canh gác…Bộ đội giúp đỡ nhân dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới, phòng chống thiên tai, địch họa, cứu hộ, cứu nạn…
Trong tình hình mới hiện nay, công tác dân vận của Quân đội có vai trò rất quan trọng, đã và đang thực hiện có hiệu quả, tạo thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng, tăng cường sự đoàn kết gắn bó giữa quân và dân, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững “thế trận lòng dân”, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc. Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” càng gần gũi với dân khi cán bộ, chiến sĩ quên mình làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trong các sự cố thiên tai cháy rừng, bão lụt, tìm kiếm tàu thuyền, ngư dân trôi dạt trên biển…Gần đây nhất là trong đợt mưa lũ khốc liệt ở miền Trung, hình ảnh người chiến sĩ Quân đội càng được khắc ghi đậm nét trong lòng dân khi các anh đã ngã xuống trong thời bình trên đường làm nhiệm vụ; khi các anh bất chấp mưa rét vẫn tìm kiếm thi thể nạn nhân trong các vụ lở núi và cả khi các anh vượt suối, băng rừng đưa lương thực, thực phẩm, nước uống cho bà con vùng bị cô lập…Đó là những hình ảnh chân thực, đậm nét về “Bộ đội Cụ Hồ” mà khó có thể nhạt phai trong lòng dân.
Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, chủ trương đẩy mạnh công tác dân vận trong Quân đôi trong tình hình mới không chỉ là một yêu cầu xuyên suốt trong xây dựng, củng cố, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội ta, mà còn là sự kế thừa những giá trị lịch sử trong công tác dân vận, vận dụng trong công tác xây dựng Quân đội nhân dân ngày nay.
Hữu Văn