A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bước “đột phá” để văn hóa mãi thấm sâu và lan tỏa

Bài 3: Hiệu quả khi nghị quyết đi vào cuộc sống

QPTĐ-Thời gian gần ba năm chưa phải là nhiều để đánh giá về tính hiệu quả, cũng như rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn để khẳng định nghị quyết có “đúng, trúng” hợp với lòng dân hay không. Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị Thành phố, đang từng ngày, từng giờ miệt mài “phá rào cản, gỡ nút thắt, khơi thông điểm nghẽn” để triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU đi vào đời sống, nên đã dần từng bước định hình đường hướng đúng đắn, góp phần phát huy giá trị di sản, gia tăng sản phẩm công nghiệp văn hóa độc đáo riêng có của Thủ đô Hà Nội.

Bức tranh tổng thể tươi sáng

Hồ Gươm- nơi lắng hồn núi sông ngàn năm của Thủ đô Hà Nội.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết: “Để Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đi vào cuộc sống, Hà Nội tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế như: Du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; quảng cáo; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thời trang; ẩm thực; phần mềm và các trò chơi giải trí; truyền hình và phát thanh; xuất bản phù hợp với thực tiễn Thủ đô và từng giai đoạn cụ thể”. Để hiện thực hóa, UBND Thành phố đã trình và HĐND Thành phố thông qua ngân sách tập trung đầu tư trong giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo với tổng vốn hơn 49.200 tỷ đồng vào 3 lĩnh vực y tế, giáo dục và văn hóa. Riêng tu bổ, tôn tạo di tích được đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng cho 579 dự án. Trong đó, Thành phố đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo 181 di tích, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 114 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp Thành phố. Điều đó cho thấy, nghị quyết ra đời đã đi ngay vào cuộc sống, khẳng định tinh thần làm việc của Đảng bộ Thành phố “Chỉ bàn làm, chứ không bàn lùi”, đồng thời xóa bỏ mọi quan điểm “Nghị quyết thì hay, nhưng khi thực hiện lại gay trăm bề”.

Một góc tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm gần khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Sức sống của nghị quyết được thể hiện rõ nét, khi nhiều ngày nay, người dân thôn Kim Âu, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm đều rất phấn khởi khi được hỏi về ngôi chùa Kim Âu trên địa bàn. Bởi sau nhiều năm xuống cấp, giờ đây chùa đã được trùng tu với cảnh quan, khuôn viên vừa giữ được nét cổ kính, vừa khang trang, sạch đẹp. Bà Mai Thị Phúc, sinh năm 1958, xã Đặng Xá cho biết: “Đình hay chùa đối với chúng tôi không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mà còn là văn hóa, tình cảm. Việc chính quyền trùng tu đình chùa khiến bà con rất phấn khởi, như được tiếp thêm năng lượng để sống, làm việc tốt hơn”. Đây cũng là cảm xúc của hàng nghìn người dân Thủ đô, những nơi được thụ hưởng thành quả từ ánh sáng của nghị quyết về văn hóa của Thành phố. Chia sẻ về hiệu quả khi Nghị quyết số 09 của Thành ủy khi đi vào cuộc sống, PGS, TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục di sản văn hóa cho biết: “Khi Nghị quyết số 09 chưa ra đời, các di tích của Hà Nội chủ yếu “sáng mở, tối đóng”, các di sản luôn chật vật với việc bảo tồn, gìn giữ, thì nay nhiều loại hình di sản, nhiều di tích trở nên sống động khi được khai thác phát triển công nghiệp văn hoá. Đó phải kể đến như khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích Cổ Loa, Đền thờ Ngô Quyền và Điện Kính Thiên là một ví dụ điển hình”.

Cùng với việc xây dựng, trùng tu tôn tạo, Thành phố còn tập trung phát triển sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng từ các di sản văn hóa, tạo được sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước, như không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận; phố bích họa Phùng Hưng, phố sách Hà Nội, xe buýt hai tầng gắn với việc khám phá các di sản văn hóa khu phố cổ; chương trình biểu diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc bộ”, không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực trên phố đi bộ Trịnh Công Sơn; điểm du lịch thưởng thức Trà sen Quảng An… Một số làng nghề cũng được quan tâm đầu tư đồng bộ, như hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, hệ thống biển chỉ dẫn, xây dựng khu trung tâm giới thiệu làng nghề, xây dựng các hoạt động trải nghiệm cho khách tham quan, bồi dưỡng kiến thức làm du lịch cho người dân địa phương, nhiều làng nghề trở thành điểm du lịch hấp dẫn, như; huyện Thường Tín với làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân; huyện Gia Lâm với làng nghề gốm Bát Tràng; quận Hà Ðông với làng nghề lụa Vạn Phúc…; đồng thời chỉ đạo các công ty du lịch điều hành các tua, tuyến đến các điểm di tích, đầu tư thiết kế mẫu mã sản phẩm, thương hiệu của các di tích để quảng bá đến với khách tham quan du lịch, từ đó tạo dựng thương hiệu, các sản phẩm văn hóa của Thủ đô.

Từ đó, nhiều sản phẩm du lịch được hình thành, kiến tạo trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa để phục vụ du khách, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân. Chính xuất phát từ nhu cầu tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm của du khách đã thôi thúc chính quyền và người dân Thủ đô biết quý trọng, tự hào, quan tâm chăm lo gìn giữ, bảo tồn, phục dựng và phát huy những giá trị quý báu của các di sản văn hóa của cha ông để lại.

Những con số biết nói

Bảo tàng gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội- nơi trưng bày các sản phẩm gốm sứ thu hút rất đông khách tham quan du lịch.

Chỉ sau gần 3 năm triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố tăng 6,27%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố đạt 410,51 nghìn tỷ đồng, vượt 16,3% dự toán, tăng 23% so với các năm trước đó. Riêng 6 tháng đầu năm2024 với tổng sản phẩm GRDP ước tính tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,53%; quý II tăng 6,44%) Thủ đô Hà Nội cũng hoàn thành 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó có 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch, như giảm số hộ nghèo so với năm trước; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý và số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội của Thủ đô tiếp tục phát triển và đạt những kết quả quan trọng. Chất lượng giáo dục của Thủ đô được giữ vững. An sinh xã hội được bảo đảm, các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, trong đó Thành phố đã hỗ trợ 734 hộ thoát nghèo, vượt kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, Thành phố đã nỗ lực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong các cơ quan hành chính nhà nước. Gần 39.000 chữ ký số đã được cấp miễn phí cho công dân Thủ đô để thực hiện thủ tục hành chính. Một số nhiệm vụ có tính chiến lược, việc khó, tồn tại từ nhiều năm được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, như: Đề án cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, ưu tiên bố trí quỹ đất theo quy hoạch phân khu 2 bên bờ sông Hồng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch; giữ vững và phát triển thương hiệu Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”. Đánh giá về ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 09, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chia sẻ: “Có thể nói, chưa khi nào văn hóa, sáng tạo và dịch vụ được khơi dậy mạnh mẽ như hiện nay, đây thực sự là luồng gió mới thổi vào đời sống kinh tế Thủ đô. Kết quả cho thấy, riêng ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội (chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của thành phố Hà Nội), trong đó giá trị gia tăng của ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí của Hà Nội đạt khoảng 196,5 triệu USD (chiếm tỷ trọng 0,49% GRDP của thành phố Hà Nội). Tổng doanh thu trực tiếp từ làng nghề truyền thống và các làng có nghề của thành phố Hà Nội đạt khoảng 983,5 triệu USD. Hà Nội đã đón 24 triệu lượt khách, trong đó có gần 4 triệu lượt khách quốc tế (vượt kế hoạch năm), tăng 3.5 lần so với năm 2022 và 17.1 triệu lượt khách nội địa. Tất cả đã cho thấy, văn hóa Hà Nội là nguồn sức mạnh to lớn xét trên nhiều góc độ, tầng mức, cả chiều sâu và quy mô, tính chất”.

Làng nghề Lụa Vạn Phúc, Hà Đông.

Từ những kết quả đạt được đã cho thấy tính đúng đắn, hiệu quả của Nghị quyết số 09 là đã kết nối hài hòa giữa phát triển văn hóa với kinh tế, từng bước phát huy những tiềm năng, thế mạnh văn hóa để chuyển hóa thành nguồn lực nội sinh cho sự phát triển của Thủ đô, đã bắt kịp xu hướng phát triển kinh tế mới của nhiều quốc gia trên thế giới. Đồng thời, việc thực hiện tốt các chính sách văn hóa trong kinh tế sẽ góp phần khắc phục những mặt trái của kinh tế thị trường, bảo đảm sự phát triển bền vững và lan tỏa những giá trị văn hóa nhân văn sâu sắc, góp phần xây dựng văn hóa và người Hà Nội “Thanh lịch, Văn minh, Hiện đại”.

Nguyễn Văn Tuân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ