ASEAN - Đoàn kết và kiên định
QPTĐ-Đó là ý kiến phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM-53) và các hội nghị liên quan, bằng hình thức trực tuyến tại Hà Nội vào sáng 9-9. Thủ tướng nói: “Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, ASEAN cần tiếp tục thể hiện đoàn kết, kiên định với con đường và phương cách của mình trong hơn 5 thập kỷ, đúng với tinh thần Tuyên bố ngày 8-8 vừa qua". Tuyên bố chung về “Tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á” do các ngoại trưởng ASEAN đưa ra hôm 8-8, nhân kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN, trong đó Hiệp hội tái khẳng định cam kết duy trì một Đông Nam Á hòa bình, an ninh, trung lập, ổn định, đồng thời củng cố các giá trị hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Tuyên bố cũng xác định những nguyên tắc và định hướng lớn giúp ASEAN thích ứng với những biến động, cạnh tranh nước lớn gia tăng ở khu vực và thế giới, từ đó tiếp tục củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của Hiệp hội. Thủ tướng nói: “Các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã khẳng định quyết tâm duy trì khu vực Đông Nam Á hòa bình, an ninh, trung lập và ổn định, củng cố đoàn kết, tự cường, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy xây dựng lòng tin và cùng nhau hướng tới một khu vực hòa bình, ổn định, tôn trọng lẫn nhau và dựa trên luật lệ”.
Phát biểu của Thủ tướng Việt Nam được đưa ra trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng trở nên gay gắt trên nhiều lĩnh vực. Đề cập đến tình hình dịch Covid-19 đang gây tác động mạnh mẽ đến xã hội và kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, Thủ tướng đã nêu rõ, với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Việt Nam đã dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20, Hội nghị Phong trào Không liên kết, Hội nghị Đại hội đồng của Tổ chức y tế thế giới (WHO) về Ứng phó dịch Covid-19 và đã chuyển tải thông điệp của ASEAN, đồng hành cùng cộng đồng quốc tế đối phó với thách thức mang tính toàn cầu này. Tổng thư ký ASEAN lần đầu tiên phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thể hiện hợp tác, cam kết và đóng góp của ASEAN với các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh quốc tế của Liên hợp quốc, đặc biệt là ASEAN đưa ra các sáng kiến lập Quỹ ứng phó Covid-19, lập Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, xây dựng Quy trình chuẩn ứng phó dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi tổng thể.
Khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, người dân và doanh nghiệp đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại, môi trường địa chính trị, kinh tế khu vực, trong đó biển Đông đang có nhiều biến động ảnh hưởng hòa bình, ổn định, Thủ tướng cho rằng, ASEAN cần tập trung phát huy hiệu quả vai trò trung tâm của Hiệp hội trong thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin. Từ đó, Hiệp hội có thể hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng, bình đẳng, tin cậy lẫn nhau trong quan hệ giữa các quốc gia, giải quyết hòa bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS) và tinh thần các văn kiện quy chuẩn của ASEAN về ứng xử chung ở khu vực như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Năm 2020 là năm nhiều cảm xúc. ASEAN bước sang thập kỷ thứ 6, Cộng đồng hình thành 5 năm, phát triển mạnh mẽ, thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và là lực lượng quan trọng, giữ vai trò trung tâm cho đối thoại, hợp tác vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực. Trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020, chủ đề “Gắn kết, chủ động, thích ứng và trách nhiệm” đã trở thành "thương hiệu" của ASEAN. Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực hết mình cùng các nước thành viên xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN, trông đợi sự ủng hộ và hợp tác từ các đối tác để có thể hoàn thành tốt nhiệm kỳ 2020, vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng-Thủ tướng nhấn mạnh.
Hữu Văn