A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô

QPTĐ-“Tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu. Tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế của Thủ đô”. Đó là mục tiêu được đặt ra của Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát huy lợi thế nghìn năm văn hiến để phát triển các ngành CNVH.

LỢI THẾ NGHÌN NĂM VĂN HIẾN

Quan điểm và hành động hướng tới các ngành công nghiệp văn hóa (hay công nghiệp sáng tạo) đã và đang trở thành xu hướng phát triển chung của thế giới, một trong những chiến lược phát triển quan trọng, toàn diện và bền vững, thu hút nguồn lực hợp tác quốc tế, tạo ra lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy và có đóng góp khá lớn vào tăng trưởng GDP, đồng thời góp phần định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế. Việc ưu tiên phát triển mạnh các ngành CNVH đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa đã được Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố đặt ra nhằm quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển các ngành CNVH của Chính phủ.

Với vị thế là Thủ đô ngàn năm văn hiến, từ Thăng Long biểu thị cho khát vọng vươn lên, đến những danh hiệu cao quý: Thủ đô ngàn năm văn hiến; Thủ đô anh hùng; “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; “Thành phố vì hòa bình”; “Thành phố sáng tạo”, đã góp phần định vị thương hiệu cho Hà Nội phát triển. Với bề dày lịch sử và nền tảng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, nơi hội tụ, kết tinh, tỏa sáng, nơi nuôi dưỡng, thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa, nơi tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chất lượng, thời gian qua Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển văn hóa nói chung và CNVH nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao ở cả trong nước và quốc tế. Với những chính sách cụ thể, CNVH đã từng bước có sự chuyển động tích cực. Năm 2018, ngành CNVH đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn, chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của Thành phố.

 

Phát triển đa dạng các ngành CNVH.

CÒN NHIỀU THÁCH THỨC

Để hiện thực hóa việc phát triển các ngành CNVH trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển cả về chất và lượng, đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng GRDP Thủ đô, đạt được mục tiêu Hà Nội trở thành một trong những trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu của cả nước, tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng thúc đẩy xây dựng “Thành phố sáng tạo” trong thời gian tới. Bên cạnh những thuận lợi, thành phố Hà Nội cũng nhận thấy còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức đặt ra như: Nhận thức văn hóa là động lực, nguồn lực quan trọng cho phát triển, nhất là phát triển bền vững của Thủ đô ngàn năm văn hiến, cũng như về CNVH của một số cấp, ngành, đơn vị còn hạn chế. Việc đầu tư, khơi thông nguồn lực văn hóa, lịch sử cho phát triển kinh tế-xã hội còn chưa đáp ứng yêu cầu; cơ sở hạ tầng cho CNVH thiếu đồng bộ. Sự tăng trưởng kinh tế dựa vào khai thác thế mạnh văn hóa chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; cơ chế và các chính sách đặc thù, ưu tiên cho sáng tạo văn hóa chưa hoàn thiện. Thiếu sự phối hợp, liên kết đồng bộ hiệu quả, liên ngành giữa các lĩnh vực khác nhau có liên quan. Giáo dục, đào tạo, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài trong các lĩnh vực văn hóa và CNVH chưa được quan tâm đúng mức và chưa theo kịp sự tiến bộ, phát triển chung của khu vực và thế giới. Việc triển khai thực hiện các cam kết với UNESCO về “Thành phố sáng tạo” chưa được tập trung đẩy mạnh. Tình trạng vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực sáng tạo còn diễn ra; thị trường văn hóa phát triển chưa đồng bộ; chịu sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19…

Nguyên nhân của những khó khăn, thách thức trên là do nhận thức chưa đầy đủ, toàn diện về vị trí, vai trò của văn hóa và CNVH trong phát triển kinh tế-xã hội. Thiếu nền tảng lý luận, thiếu quy hoạch, chiến lược, kế hoạch tổng thể và quản lý chi tiết đối với từng ngành CNVH theo hướng phát triển bền vững. Nguồn lực dành cho hoạt động của CNVH còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu đồng bộ; doanh nghiệp văn hóa phần lớn có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp. Chính sách xã hội hóa phát triển CNVH còn hạn chế…

8 NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

Để phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô, Nghị quyết số 09-NQ/TU xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa; tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; phát triển thị trường công nghiệp văn hóa; thu hút và hỗ trợ đầu tư; mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa và tập trung xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu "Thành phố sáng tạo" của UNESCO.

Công nghiệp văn hóa gắn liền với các giá trị truyền thống. 

Đáng chú ý, bên cạnh đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, Thành phố tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát triển toàn diện các ngành CNVH của Thủ đô. Cụ thể, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo, phát triển CNVH; hoàn thiện cơ cấu ngành CNVH, bảo đảm phát triển đồng bộ trong tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô. Rà soát, cập nhật “Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội” vào điều chỉnh bổ sung Quy hoạch Thành phố; đề xuất các giải pháp đầu tư mới nhằm cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất theo quy hoạch phân khu 2 bên bờ sông Hồng và các khu vực phát triển đô thị, các đô thị vệ tinh để xây dựng các công trình văn hóa, du lịch... Bổ sung quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội vào từng địa phương đảm bảo thống nhất trong quan điểm, mục tiêu phát triển CNVH Thủ đô và của cả nước với tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách đảm bảo nguồn lực tài chính ổn định, bố trí nguồn vốn ngân sách thỏa đáng cho đầu tư phát triển CNVH; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô để phát huy sự sáng tạo dựa trên các nguồn lực CNVH cho phát triển bền vững; khuyến khích phát triển bền vững các không gian sáng tạo trở thành “hệ sinh thái sáng tạo”; khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, phát triển kinh tế số, kinh tế ban đêm, kinh tế đô thị…

Cùng với đó, phát triển nguồn nhân lực cho các ngành CNVH có trình độ chuyên môn cao; thực hiện tốt chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, ưu đãi, vinh danh đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, nghệ nhân, các nhà khoa học; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trên cơ sở đánh giá chất lượng, xác định rõ nhu cầu đối với từng lĩnh vực, ngành CNVH cụ thể; phát triển thị trường văn hóa, tạo mối liên kết thị trường về ngành nghề và khu vực, xây dựng thương hiệu quốc gia, quốc tế cho các ngành CNVH của Thủ đô…

Phương Linh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ