A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quảng trường Ba Đình - Nơi ghi dấu lịch sử

QPTĐ-Cùng với Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội, Quảng trường Ba Đình là một phần của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Nơi đây đã chứng kiến bao lịch sử thăng trầm của dân tộc. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng chục vạn đồng bào đủ các tầng lớp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước toàn thể quốc dân và nhân dân thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. 

Quảng trường Ba Đình lịch sử-Nơi 75 năm trước Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Quảng trường Ba Đình xưa là cổng phía Tây của Kinh thành Thăng Long, nơi đây còn được gọi là Quảng trường Tròn (Rond Point Puginier). Đó là một khu đất gồm những bãi đất hoang và hồ ao mới lấp, rộng hàng chục héc-ta cạnh Phủ Toàn quyền Pháp (sau này là Phủ Chủ tịch). Khu vực Quảng trường Tròn này trong một thời gian dài hầu như chẳng có gì thay đổi. Mặc dù năm 1922 và năm 1938, Phủ Toàn quyền Pháp đã có ý định quy hoạch lại Quảng trường Tròn. Song không hiểu vì lý do gì mà các dự án cải tạo Quảng trường Tròn vẫn không được thực hiện. 

Tên Quảng trường Ba Đình do bác sỹ Trần Văn Lai, người giữ chức Thị trưởng Thành phố từ ngày 20/7 đến 19/8/1945 đặt tên. Sở dĩ, Thị trưởng Trần Văn Lai đặt tên là Ba Đình vì ông cảm phục nghĩa quân Đinh Công Tráng đã chống Pháp rất anh dũng ở căn cứ Ba Đình, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa vào những năm cuối thế kỷ XIX.

Tháng 8/1945, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, toàn dân tộc ta từ Bắc chí Nam, triệu người như một đã nhất tề đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 19/8/1945, hàng chục vạn người dân Hà Nội sau khi tham dự mít tinh ở Quảng trường Nhà hát Lớn Thành phố đã rầm rập tỏa đi các ngả, chiếm các cơ quan, công sở của Chính quyền bù nhìn thân Nhật, giành trọn vẹn chính quyền về tay nhân dân. Cách mạng Tháng Tám thành công đã đập tan xiềng xích nô lệ kéo dài hàng nghìn năm của chế độ phong kiến, xóa bỏ ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, nhân dân Việt Nam từ địa vị nô lệ đã vươn lên trở thành những người chủ của đất nước, tự quyết định vận mệnh của dân tộc mình dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có nhiều địa điểm được đưa ra lựa chọn để làm nơi diễn ra sự kiện trọng đại-Lễ Độc lập và cuối cùng Quảng trường Ba Đình đã được chọn.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: Khi lựa chọn địa điểm, tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn Quảng trường Ba Đình để đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vì Bác Hồ muốn có một thông điệp không chỉ với dân tộc Việt Nam mà với toàn thế giới. Thông điệp ấy gửi gắm đến một thế giới đang chuyển đổi sau khi chủ nghĩa phát xít đã bị tiêu diệt và trong phần cuối của Tuyên ngôn, Bác khẳng định rằng, quyền độc lập của dân tộc Việt Nam là do dân tộc Việt Nam giành lại được và nó phù hợp với nguyên lý của nhân loại… Tại sao Bác Hồ chọn ngày 2/9, vì đó là ngày Chủ nhật, có thể huy động được đông đảo quần chúng. Không gian của Quảng trường Ba Đình lúc đó trở thành một lễ đài rất trang nghiêm và hội tụ lòng dân vào trong nền độc lập của đất nước.

Với những người được trực tiếp chứng kiến Ngày Lễ Độc lập 2/9/1945 thì thời khắc ở Quảng trường Ba Đình lịch sử mãi là niềm tự hào và sẽ đi theo họ suốt cuộc đời. Ông Phạm Gia Đốc, nguyên Tiểu đội trưởng Trinh sát, Sở Liêm phóng Bắc bộ, người được giao bảo vệ Lễ đài năm đó cho biết: Khi chúng tôi được gọi đến giao nhiệm vụ bảo vệ Lễ đài ngày 2/9 (lúc đầu chúng tôi chưa hề biết đấy là ngày Tuyên ngôn Độc lập), tôi rất phấn khởi, tự hào nhưng cũng rất lo. Lo là vì làm sao bảo vệ được an toàn, vì lúc bấy giờ bọn phản động vẫn còn. Chỉ huy đơn vị cũng giao nhiệm vụ cụ thể, đồng chí nào đứng ở đâu thì đứng nguyên ở đấy để đề phòng bọn phản động phá Lễ đài. Không khí lúc đó vô cùng phấn khởi; đặc biệt thời khắc Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập thì cả khu vực Quảng trường đồng bào reo hò vỗ tay sung sướng, chúng tôi cũng sung sướng vô cùng. Những hình ảnh và khoảnh khắc đó luôn in sâu trong thế hệ những người như chúng tôi.

Nhắc đến ngày Quốc khánh 2-9 không thể không nhắc đến cố Giáo sư Lê Thi (tên thật là Dương Thị Loan)-người kéo cờ trong Lễ Tuyên ngôn Độc lập. Mỗi dịp trò chuyện với bà, chúng tôi như thấy được khí thế hào hùng của dân tộc trong ngày giành được độc lập. Bà kể với chúng tôi: Cột cờ thời đó còn thô sơ nên nếu kéo không chuẩn rất dễ tắc. Tôi với chị Đàm Thị Loan (người dân tộc Tày) cùng tham gia kéo cờ. Chị Loan là người nâng cờ còn tôi là người kéo. Nói thật là tôi rất lo (khi ấy tôi mới 19 tuổi) vì đây là sự kiện trọng đại, tôi lại chưa được chuẩn bị gì. Nếu có bất cứ sai sót nào dễ ảnh hưởng đến buổi Lễ. May là tôi thuộc bài Tiến quân ca nên kéo cờ lên đến đỉnh là vừa hết nhạc. Lúc đấy, tôi mới thở phào nhẹ nhõm… Cũng tại thời điểm đó, lần đầu tiên tôi được thấy Bác Hồ, Bác rất giản dị, không comple, cà vạt tây mà Bác mặc bộ quần áo ka-ki và đi dép cao su rất giản dị, phía dưới Lễ đài thì hàng chục vạn đồng bào vỗ tay reo hò. Bà Lê Thi đã ra đi trong lúc cả nước đang náo nức kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 nhưng hình ảnh bà kéo cờ trong Lễ Tuyên ngôn Độc lập sẽ còn mãi với lịch sử Việt Nam.

Quảng trường Ba Đình-nơi đã chứng kiến bao lịch sử thăng trầm của dân tộc, ngày nay có khuôn viên với chiều dài 320m và rộng 100m, có nhiều ô cỏ lớn, xen giữa là lối đi rộng 1,4m. Giữa Quảng trường là Cột cờ cao 25m. Ba Đình trở thành mảnh đất thiêng cùng những dấu ấn lịch sử không bao giờ phai mờ, cùng những kiến trúc tâm linh hiện hữu: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. Trải qua bao biến cố lịch sử, Quảng trường Ba Đình đã trở thành một cái tên gần gũi và thiêng liêng, trở thành niềm tự hào của nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước; đó cũng là một địa điểm tham quan, vui chơi của du khách và người dân Hà Nội.

Hà Anh


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ