A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ hội chấn hưng văn hóa đọc Việt Nam

 

QPTĐ-Ngày Sách Việt Nam hàng năm là dịp tôn vinh giá trị của sách và văn hóa đọc, đưa phong trào đọc sách trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa trong toàn xã hội góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa kết tinh qua từng cuốn sách, để từ đó rút ra những bài học nhằm hoàn thiện bản thân trong cuộc sống. Lễ khai mạc Ngày sách Việt Nam diễn ra sáng 18/4/2021 tại đường sách Thành phố Hồ Chí Minh mở đầu cho nhiều hoạt động tôn vinh văn hóa đọc. Đây là lần thứ tám chương trình được thực hiện kể từ khi Thủ tướng ký quyết định lấy 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam, tiếp tục chấn hưng văn hóa đọc Việt Nam.

Khai mạc Ngày sách Việt Nam lần thứ 8. (Ảnh: Internet)

Ngày sách Việt Nam 2021

Năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức Hội sách trực tuyến chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 8 (ngày 21/4/2021), tại sàn Book365.vn từ ngày 15/4 đến 15/5/2021. Hoạt động này nhằm tiếp tục khẳng định, tôn vinh giá trị của sách, ý nghĩa văn hóa, sự cần thiết của Ngày sách Việt Nam trong đời sống tinh thần của người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung; nâng cao nhận thức của nhân dân về giá trị, tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, góp phần phát triển tư duy, giáo dục, hoàn thiện nhân cách con người.

Lễ Khai mạc Ngày Sách Việt Nam lần thứ tám đã được tổ chức sáng ngày 18/4/2021 tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh; Hội sách trực tuyến chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ tám sẽ diễn ra từ ngày 17/4 đến ngày 15/5/2021 tại địa chỉ Sàn book.365.vn. Như vậy, so với mọi năm, Ngày Sách Việt Nam lần thứ tám có điểm mới là sẽ tổ chức cả trực tuyến và thực địa.

Ngày Sách Việt Nam thường tổ chức trên thực địa tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội) nhưng năm 2020 do dịch Covid-19 nên Ban Tổ chức đã phải tổ chức trực tuyến. Mặc dù chuyển sang trực tuyến là do tình huống của dịch nhưng qua kết quả lại cho thấy việc chuyển sang trực tuyến có hiệu quả rất tốt. Nó là một bước đi để ngành thực hiện chuyển đổi số, đồng thời, thực tế nó cũng tạo ra những kết quả tích cực. Hội sách trực tuyến mở ra hướng đi mới, mang tính đột phá cho các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách trong việc mở rộng lượng độc giả, phát triển thị trường. Đây sẽ là nền tảng cho việc hiện đại hóa ngành xuất bản.

Đưa sách tới những vùng sâu vùng xa, tránh việc chỉ tổ chức ở những trung tâm đô thị. Tạo được hiệu quả kinh tế rất tốt, tích cực hơn so với việc tổ chức truyền thống. Tuy nhiên, để tăng cường, hỗ trợ cho việc hội sách truyền thống và hội sách online có hiệu quả năm 2021 vẫn tiếp tục triển khai hội sách truyền thống với quy mô, mức độ phù hợp. Từ đó, hai hình thức hỗ trợ cho nhau để tạo ra hiệu ứng 

ruyền thông, tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ của văn hóa đọc. Vì vậy, năm nay vẫn tổ chức hội sách truyền thống tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hoạt động diễn ra tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm: Tọa đàm khoa học về phát triển văn hóa đọc trong xu thế chuyển đổi số do Cục Xuất bản, In và Phát hành, Công ty Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, Vụ Thư viện phối hợp tổ chức; tọa đàm giới thiệu bộ sách mới về triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; giới thiệu các bộ sách mới về Thành phố Hồ Chí Minh; giới thiệu về các bộ sách mới về chuyển đổi số; giao lưu giữa tác giả Nguyễn Nhật Ánh với bạn đọc. 

Các hoạt động trên Sàn Book365.vn cũng diễn ra sôi nổi thông qua giao lưu, tọa đàm giới thiệu, trao đổi về văn hóa đọc; chuyển đổi số trong xuất bản và cách tiếp cận đọc sách trong thời đại công nghiệp 4.0; giới thiệu tác giả, tác phẩm với bạn đọc... bắt đầu từ ngày 17/4 đến ngày 15/5/2021. Hội sách năm 2021 sẽ có nhiều đơn vị tham gia hơn nhưng không chú trọng quy mô về số lượng sách tham gia mà sẽ giới thiệu những đầu sách hay, hấp dẫn và được nhiều bạn đọc tìm kiếm. Tất nhiên là số lượng sách vẫn đa dạng các loại, các nhu cầu.

Giải pháp phát triển văn hóa đọc

Sự ra đời của Ngày sách Việt Nam là dấu mốc quan trọng đối với ngành xuất bản, in và phát hành, thể hiện sự quan tâm kịp thời, tầm nhìn của Đảng, Chính phủ nhằm chấn hưng văn hóa đọc Việt Nam. Ngày sách Việt Nam là tuyên bố ban đầu để tiến tới một chiến lược sách quốc gia hoặc một luật về khuyến đọc ở Việt Nam.

Chiến lược phát triển sách quốc gia luôn gắn liền với sự hình thành và phát triển của văn hóa đọc. Văn hóa đọc càng mở rộng, có chất lượng, sách vở càng được chú trọng, đầu tư nhiều hơn. Hiện, Việt Nam nói riêng, các nước trên thế giới nói chung đều đang đứng trước nguy cơ bị văn hóa nghe nhìn lấn át, tiêu diệt văn hóa đọc. Người đọc, nhất là giới trẻ có xu hướng lười đọc, đọc ít, đọc nhanh, thích nghe nhìn hơn đọc, rất ngại đọc sách dày, sách in, sách về vấn đề lý luận. Điều này đã tạo ra sự phân hóa mạnh mẽ trong thị hiếu đọc của công chúng, đặt ra vấn đề cấp thiết về chiến lược xây dựng sách tại mỗi quốc gia. Dù xã hội phát triển đến đâu, việc đọc sách vẫn được coi trọng, bởi đó là nhu cầu tinh thần không thể thiếu của con người. 

Phát triển văn hóa đọc, các chuyên gia cho rằng cần hình thành, phát triển hứng thú, kỹ năng đọc cho cá nhân dưới sự hỗ trợ của gia đình, nhà trường và xã hội. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em cần được làm quen với việc đọc thông qua sự định hướng có chủ đích từ gia đình, nhà trường. Bố mẹ cần quan tâm, chỉ dẫn, tạo cho trẻ thói quen đọc sách lành mạnh và một số kỹ năng thiết yếu để lựa chọn sách, đọc sách hiệu quả. Thầy cô, nhà trường tiếp tục khơi gợi, hướng dẫn, cung cấp những công cụ chìa khóa, giúp các em hứng khởi, yêu thích sách thông qua các hình thức như thuyết trình về sách, sân khấu hóa tác phẩm, thi kể chuyện, hội diễn văn nghệ. 

Nhà nước cần có chính sách phát triển loại hình chuyển phát nhanh, nhằm hỗ trợ cho công tác lưu hành sách đến với vùng sâu vùng xa và khắp cả nước một cách nhanh chóng, tiện lợi, góp phần xây dựng thị hiếu đọc lành mạnh cho đông đảo công chúng; khuyến khích các doanh nghiệp tài trợ cho các hoạt động phát triển văn hóa đọc cho các trẻ em nghèo, trẻ em ở vùng sâu vùng xa.

Các cơ quan liên quan cần tận dụng ưu thế công nghệ thông tin để kịp thời định hướng đọc cho thế hệ người đọc 4.0; phát triển, chú trọng bồi dưỡng đội ngũ tác giả viết sách chất lượng cao trong hai mảng chính: Sách nghiên cứu và sách phổ cập kiến thức, nhằm phát triển tri thức Việt Nam, nâng cao dân trí ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Nhà nước cũng cần khuyến khích đội ngũ biên dịch chất lượng, có ý thức chọn lọc nghiêm túc các tác phẩm tiêu biểu trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn hóa, xã hội, kinh tế, y học của nước ngoài để dịch sang Việt ngữ, giúp thị trường sách Việt Nam trở nên phong phú, đa dạng, tiến gần hơn với thế giới.

Song Hà
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ