A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thế giới lo ngại về leo thang tên lửa và hạt nhân

 

QPTĐ-Nhóm các nước P5+1 (bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đạt được thỏa thuận, sẽ nhóm họp trong tuần tới, tìm giải pháp lôi kéo Mỹ và Iran tuân thủ Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) nhằm ngăn chặn một cuộc leo thang phát triển hạt nhân và tên lửa. Hiện, Mỹ và phương Tây thẳng thắn bày tỏ quan ngại trước việc Iran và Triều Tiên công khai tuyên bố, theo đuổi chương trình phát triển tên lửa, vũ khí hạt nhân nhằm bảo vệ chủ quyền an ninh lãnh thổ, chống lại mối đe dọa từ phía Mỹ. 

Nga phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava. (Ảnh: Internet)

Trước đó (1/2021), căng thẳng khu vực vùng Vịnh dâng cao, Iran phóng tên lửa đạn đạo ra biển Ấn Độ Dương, rơi gần tàu sân bay Nimitz của Mỹ (16/1) và tuyên bố, bắt đầu sản xuất, làm giàu uranium. Sau đó, chính quyền Tehran tổ chức diễn tập quân sự quy mô lớn ở Ấn Độ Dương-“Nhà tiên tri vĩ đại 15” và tuyên bố, đã thành công trong việc tấn công các mục tiêu trên biển ở khoảng cách 1.800 km bằng tên lửa đạn đạo. 

“Mặc dù các mục tiêu di chuyển trên biển thường bị phá hủy bằng các tên lửa hành trình tốc độ thấp, song Iran vẫn có thể phóng tên lửa đạn đạo từ đất liền để tấn công các mục tiêu trên biển”-Tướng H.Salami, Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cho biết.

Quân đội Iran khẳng định, tên lửa đạn đạo mới của nước này có khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng không của đối phương, có thể tiêu diệt bất kỳ tàu sân bay nào chỉ bằng 1-2 phát bắn và có thể vươn xa đến đất liền của Mỹ. Đây được xem là  mục tiêu quan trọng nhất trong chính sách và chiến lược quốc phòng của Iran, sử dụng tên lửa đạn đạo tầm xa, tiêu diệt các tàu chiến đối phương bao gồm tàu mặt nước, tàu khu trục, tàu sân bay. 

 Tuy nhiên, Quân đội Tehran tuyên bố, không có ý định phát động bất kỳ một cuộc tấn công nào nhưng sẽ đáp trả mạnh mẽ và trong thời gian ngắn nhất đối với bất kỳ một cuộc tấn công nhằm vào nước này. Đây là động thái mạnh của Iran đáp trả Mỹ, trước và sau ngày tân Tổng thống J.Biden trở thành Ông chủ Nhà Trắng. 

Cùng với cuộc tập trận tên lửa kéo dài 2 ngày ở vịnh Oman (1/2021), Iran bắt giữ 1 tàu chở dầu của Hàn Quốc, trong khi Mỹ quyết định điều tàu ngầm đến vịnh Péc-xích. Chính phủ Tehran cũng phát văn bản đến Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) ra lệnh bắt giữ Tổng thống Mỹ D.Trump vì liên quan đến vụ sát hại Thiếu tướng Vệ binh Cách mạng Iran Q.Soleimani (1/2020).

Cuối tháng 3 vừa qua (trong 2 ngày 21 và 25/3), Triều Tiên tuyên bố, đã phóng thử thành công 2 tên lửa loại mới về phía biển Nhật Bản. Trước đó (10/2020), Bình Nhưỡng “trình làng” tên lửa hành trình liên lục địa Huwong-15 có tầm bắn hơn 10.000 km. Các chuyên gia quân sự dự báo, Triều Tiên đang sở hữu 30 đơn vị vũ khí hạt nhân và sẽ lên con số 100 vào năm 2025. Chính phủ Bình Nhưỡng công khai tuyên bố về chương trình phát triển tên lửa, vũ khí hạt nhân của mình. 

Dưới thời Tổng thống D.Trump, đã diễn ra các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nhưng không thành công như mong đợi. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hàn Quốc và Triều Tiên được cải thiện một bước, khiến điểm nóng trên bán đảo Triều Tiên có phần hạ nhiệt. 

Năm 2015, Iran đã ký kết một thỏa thuận với 6 cường quốc: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức về chương trình hạt nhân, trong đó các cường quốc kia, có sự bảo trợ của Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU), tìm cách bảo đảm hòa bình của chương trình hạt nhân Iran. 

Theo đó, Iran dừng làm giàu uranium ở cấp độ cao, không tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Mỹ và Liên hợp quốc sẽ dỡ bỏ dần các lệnh cấm vận kinh tế áp đặt lên Iran. 

Tuy nhiên, vào năm 2018, Tổng thống Mỹ D.Trump cáo buộc Iran “tài trợ khủng bố quốc tế”, Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Nhóm P5+1 đã ký với Iran; đồng thời, tái áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc nhất lên Tehran. 

Quan hệ Mỹ-Iran trở nên căng thẳng. Hai bên khẩu chiến, tuyên bố sẵn sàng phát động chiến tranh ít nhất 2 lần vào năm 2019, đặc biệt là vào đầu năm 2020, sau khi Mỹ dùng tên lửa tầm xa tấn công sát hại Thiếu tướng Iran Q.Soleimani (rạng sáng ngày 3/1) khi ông này vừa đặt chân xuống sân bay quốc tế Baghdad (Iraq). 

Trong 2 tháng qua, kể từ sau khi Tổng thống Mỹ J.Biden nhậm chức (20/1), dư luận quốc tế kỳ vọng Mỹ sẽ tham gia trở lại thỏa thuận hạt nhân, Kế hoạch JCPOA năm 2015. Tuy nhiên, cả Mỹ và Iran đều đưa ra những tuyên bố cứng rắn về những điều kiện có lợi cho phía mình. 

Mỹ cho rằng, Iran phải tuân thủ triệt để Kế hoạch JCPOA, dừng làm giàu uranium, không được đặt ra bất kỳ điều kiện nào. Iran lại yêu cầu Mỹ tái tham gia thỏa thuận, dỡ bỏ ngay các lệnh cấm vận áp đặt lên quốc gia này.

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đưa ra báo cáo, Tehran vẫn tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đã ký với Nhóm nước P5+1. Iran thừa nhận, uranium của nước này chỉ được làm giàu ở cấp độ 20%, sử dụng làm nhiên liệu hạt nhân và các mục tiêu y tế, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế tỏ ra lo ngại khi uranium tại Nhà máy Fordo đã được làm giàu đến 95%? 

Trong tháng qua, Mỹ tuyên bố, đã phát triển thành công tên lửa siêu thanh AGM-183A, tốc độ nhanh gấp 6,5-7,5 lần âm thanh (Mach-7). 

Nga tuyên bố, đã trang bị tên lửa siêu thanh Zircon (Mach-8), Kinzhal (Mach-10), Avangard (Mach-20) cho tàu chiến, tàu ngầm, máy bay tiêm kích và hệ thống phòng không S-350, S-400, S-500. 

Nhật Bản thông qua gói ngân sách quốc phòng năm 2021 kỷ lục 51,7 tỉ USD, trong đó ưu tiên mua tên lửa và máy bay tàng hình. 

Australia hợp tác với Mỹ phát triển tên lửa siêu thanh nhằm đối phó với Nga, Trung Quốc. 

Lầu Năm Góc vừa đưa ra thông tin, Trung Quốc có thể sở hữu 200 đầu đạn hạt nhân và sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới; trong khi Bắc Kinh có trong tay tên lửa hành trình xuyên lục địa DF-21, DF-26, tầm bắn đến 13.000 km. 

                                                                                                        HÀ NGỌC
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ