A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thành công trong xuất khẩu tàu ngầm điện-diezen của Đức

 

QPTĐ-Tàu ngầm tấn công thông thường điện-diezen lớp Type 209 của Đức được phát triển từ tàu ngầm lớp Type 206 trước đó, nhưng trang bị hiện đại hơn, được coi là mẫu tàu ngầm "con nhà nghèo" kết hợp giữa kích thước nhỏ, hiệu năng hoạt động cao, dễ sử dụng, phù hợp với các nước nhỏ và có ngân sách quốc phòng eo hẹp.

Hải quân Ai Cập tiếp nhận tàu ngầm Type 209.1400 của Đức.

Tàu ngầm Type 209 được Đức thiết kế từ những năm 1960 dành riêng cho xuất khẩu và đang có mặt trong biên chế của hải quân 13 quốc gia. Quá trình phát triển lớp tàu ngầm Type 209 được Đức khởi động trong bối cảnh nhiều quốc gia tìm kiếm giải pháp thay thế các tàu ngầm lạc hậu từ chiến tranh thế giới lần thứ hai. Vào thời điểm đó, có rất ít thiết kế tàu ngầm phương Tây được dành cho xuất khẩu, bởi vì các tàu ngầm của Mỹ và NATO đều có kích thước lớn, chi phí cao, phức tạp, khó vận hành và chuyên thực hiện nhiệm vụ theo học thuyết đối đầu với Liên Xô.

Để tiết kiệm chi phí, lớp tàu ngầm Type 209 ứng dụng thiết kế một lớp vỏ, trang bị 4 động cơ diezen MTU và 4 máy phát AEG để nạp ắc quy khi nổi hoặc di chuyển sát mặt biển. 4 cụm ắc quy nằm trước và sau khoang chỉ huy, chiếm 25% lượng giãn nước toàn tàu, cung cấp năng lượng cho động cơ điện AEG kết nối với chân vịt 5 hoặc 7 cánh.

Tàu ngầm lớp Type 209 đạt vận tốc 21km/h khi nổi và 42km/h khi lặn. Tầm hoạt động tối đa là 20.000km khi nổi hoặc 15.000km khi lặn có ống thông khí. Tàu có thể cơ động 740km ở vận tốc 7km/h khi lặn hoàn toàn dưới biển, không sử dụng ống thông khí. Dự trữ hành trình của tàu ngầm Type 209 là khoảng 50 ngày và độ sâu tối đa mà vỏ tàu chịu được là khoảng 500m.

Đức đã phát triển 5 phiên bản tàu ngầm Type 209 gồm: Type 209/1100, Type 209/1200, Type 209/1300, Type 209/1400 và Type 209/1500, phân biệt bởi lượng giãn nước toàn tải khi lặn và trang bị đi kèm. Tổng cộng 61 chiếc tàu ngầm đã được chế tạo và xuất khẩu, khiến chúng được mệnh danh là mẫu tàu ngầm phi hạt nhân đắt khách nhất của phương Tây.

Trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia, quốc gia nhiều đảo nhất thế giới, hiện có trong biên chế 04 tàu ngầm lớp Type 209. Trong đó 02 tàu ngầm lớp Type 209/1300, đưa vào trang bị năm 1981. Được biết đến trong hải quân Indonesia với tên gọi lớp tàu ngầm Cakra. Tàu ngầm lớp Type 209/1300 của hải quân Indonesia đã được tiến hành đại tu 02 lần, ban đầu tại hãng Howaldtswerke-Deutsche Werft của Đức và sau đó tại hãng Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering (DSME) của Hàn Quốc. 

Tháng 12/2011, Bộ Quốc phòng Indonesia ký hợp đồng mua 3 tàu ngầm của hãng DMSE, Hàn Quốc, thuộc lớp tàu Type 209/1400 (Chang-Bogo cải tiến), trị giá 1,07 tỷ đô la. Tàu ngầm Nagapasa (số hiệu thân tàu 403) được hạ thủy ngày 24/3/2016 tại nhà máy đóng tàu Daewoo và chuyển giao cho Indonesia năm 2017. Tàu ngầm KRI Ardadedali (số hiệu thân tàu 404) hạ thủy 24/10/2016 tại nhà máy đóng tàu Daewoo và chuyển giao cho Indonesia 4/2018. Hãng đóng tàu quốc doanh Perseroan Terbatas Penataran Angkatan Laut (PT-PAL) của Indonesia chịu trách nhiệm đóng chiếc tàu ngầm thứ 3, đã hạ thủy tháng 4/2019. 

Tàu ngầm lớp Type 209/1400 được lắp đặt sô-na sục sạo và tiến công chủ động-thụ động lắp ở thân tàu Atlas Electronic CSU 90; hệ thống RESM Pegaso của Indra; ra-đa chặn bắt mục tiêu bay thấp (LPI); hệ thống đạo hàng quán tính Sigma 40XP của Sagem và hệ thống quản lý tích hợp MAPPS của L-3. 

Trường Giang
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ