A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam năng động, đổi mới và khát vọng phát triển

 

QPTĐ-Từ ngày 21-24/9/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 76 và thực hiện một số hoạt động song phương tại Mỹ. Chuyến công tác lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có mục tiêu bao trùm đó là triển khai ở cấp cao đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại” được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế đất nước và nâng cao uy tín quốc gia trên trường quốc tế, tự tin tiếp bước đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả. Thể hiện hình ảnh đất nước và con người Việt Nam thân thiện, năng động và yêu chuộng hòa bình, thể hiện niềm tin của người dân Việt Nam vào một thế giới đối thoại đa chiều, tôn trọng luật pháp quốc tế, hòa bình, hợp tác bình đẳng, cùng phát triển.

Việt Nam đảm nhận thành công cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 1/2020. ( Ảnh: Internet)

Nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Liên hợp quốc cho đến nay vẫn được xem là một tổ chức toàn cầu lớn nhất thế giới với 193 thành viên, có chương trình nghị sự rộng khắp, trải dài từ chính trị-an ninh, cho đến kinh tế-xã hội và văn hóa. Chính thức gia nhập Liên hợp quốc ngày 20/9/1977, trong hơn 40 năm qua, quan hệ hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc đã góp phần duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước.

Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc hằng năm là sự kiện đa phương lớn nhất hành tinh. Sự kiện này quy tụ nhiều lãnh đạo, nguyên thủ các nước tham dự để cùng chia sẻ quan điểm, thể hiện nỗ lực chung giải quyết các vấn đề toàn cầu, từ các vấn đề an ninh đến phát triển, từ thách thức an ninh truyền thống như xung đột, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chạy đua vũ trang đến các thách thức phi truyền thống hoặc đang nổi lên gay gắt như phòng chống dịch bệnh, khủng bố, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh mạng.

Tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 76 và trao đổi với các lãnh đạo cao nhất của Liên hợp quốc là dịp để Việt Nam gửi đi thông điệp mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về nước Việt Nam tự cường, có khát vọng và tầm nhìn phát triển, có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và rộng mở, đã, đang và tiếp tục đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào công việc chung của cộng đồng quốc tế.

Sự tham dự trực tiếp dự kiến của hơn 100 nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 76 sẽ là cơ hội tốt để tiến hành các cuộc tiếp xúc song phương, tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước, nhất là các nước lớn, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống đi vào chiều sâu, hiệu quả. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt khi đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn, ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động trao đổi cấp cao trực tiếp gần hai năm qua.

Những đóng góp nổi bật của Việt Nam

Việt Nam đã chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của Liên hợp quốc, trong đó có đề cao vai trò của Liên hợp quốc và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, hợp tác phát triển giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc, phản đối hành động áp bức, xâm lược, cấm vận đơn phương trong quan hệ quốc tế.

Trên thực địa, Việt Nam đã có những đóng góp cụ thể và thiết thực góp phần duy trì ổn định, tái thiết và kiến tạo hòa bình thông qua việc tăng cường tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung Phi. Lực lượng của Việt Nam triển khai tại các Phái bộ Liên hợp quốc đã hoạt động bài bản, chuyên nghiệp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó, được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao, được nhân dân sở tại yêu mến, tin tưởng.

Với những đóng góp của mình, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc và ghi được nhiều “dấu ấn”  tại các cơ quan như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Hội đồng Kinh tế-Xã hội (ECOSOC) và đặc biệt là hai lần được bầu đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2008-2009 và 2020-2021.

Ngày 2/1/2020, tại New York, Việt Nam bắt đầu các hoạt động chính thức trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tổng kết tháng Việt Nam là Chủ tịch, Hội đồng Bảo an đã tổ chức 30 hoạt động chính thức, trong đó có 2 cuộc thảo luận mở, 8 cuộc họp nghe báo cáo và 4 cuộc họp thông qua nghị quyết được phát trực tiếp trên hệ thống thông tin của Liên hợp quốc. Với tư cách Chủ tịch, Việt Nam đã tổ chức họp báo quốc tế và nhiều cuộc họp thông tin về hoạt động của Hội đồng Bảo an cho các nước thành viên, quan sát viên của Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ và các đối tượng quan tâm khác. Hội đồng Bảo an đã thông qua 13 quyết định, bao gồm 4 nghị quyết và một quyết định về việc gia hạn các phái bộ, lực lượng và cơ chế Liên hợp quốc, một tuyên bố của Chủ tịch, 5 tuyên bố báo chí và 2 thông tin báo chí. Đây là số lượng quyết định nhiều nhất trong một tháng làm việc của Hội đồng Bảo an trong nhiều năm gần đây.

Bước vào năm thứ hai của nhiệm kỳ Hội đồng Bảo an và đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Việt Nam triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, đặc biệt là phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, đẩy mạnh, nâng tầm đối ngoại đa phương, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Những định hướng chiến lược, tư duy mới về đối ngoại, cùng với những thành công của năm đầu tiên tham gia Hội đồng Bảo an là nền tảng thuận lợi để Việt Nam phát huy vai trò hơn nữa trọng trách Chủ tịch Hội đồng Bảo an lần thứ hai vào tháng 4/2021.

Song Hà
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ