A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường dầu mỏ thế giới tăng giá sốc

 

QPTĐ-Tuần qua, thị trường năng lượng toàn cầu gặp cú sốc nặng sau phiên giao dịch dầu thô và giá khí đốt. Theo VNDirect công bố (5/10), giá dầu Brent đạt 79 USD/thùng trong tháng 9/2021 (80,75 USD/thùng ngày 28/9), mức cao nhất kể từ tháng 10/2020 (tăng 52,5% so với quý I/2021 và tăng gần 88% so với mức giá trung bình năm 2020-xấp xỉ 42 USD/thùng). Dự báo, giá dầu Brent có xu hướng tiếp tục tăng trong năm nay khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi, các quốc gia kiểm soát được đại dịch Covid-19. 

Thị trường dầu mỏ tăng giá sốc. (Ảnh: Internet)

Cùng với đó, giá khí đốt châu Âu lại tăng kỷ lục. Tại phiên giao dịch ngày 5/10 là 1.300 USD/1.000 mét khối (m3), trong khi Sàn giao dịch ICF (4/10), giá khí đốt kỳ hạn giao tháng 11 tại Trung tâm TTF ở Hà Lan giảm, chỉ còn 1.124 USD/1.000 m3 rồi được điều chỉnh ở mức 1.160 USD/1.000 m3. 

Theo TTF, giá khí đốt giao dịch trên ảnh hưởng đến giá điện, tương đương với 108,4 Euro/1MWh; đồng nghĩa với giá 200 USD/thùng dầu, cao gấp 3 lần giá dầu hiện tại. Hẳn, nguy cơ lạm phát lan rộng ở các nền kinh tế phụ thuộc vào khí đốt để sưởi ấm và phát điện.

Các chuyên gia kinh tế châu Âu, Mỹ nhận định, giá dầu mỏ tăng do khủng hoảng về nguồn cung toàn cầu. Nhóm nước OPEC+ (do Arab Saudi, Nga lãnh đạo) kiên trì chủ trương cắt giảm nguồn cung để giữ giá dầu, trong khi Mỹ hô hào tăng sản lượng khai thác, tăng giá dầu để cứu vãn các công ty dầu khí Mỹ phá sản, không được OPEC+ ủng hộ. Căng thẳng về nguồn cung có thể đẩy giá dầu lên mức 100 USD/thùng, kéo theo đó có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế mới. 

Hiện, các quốc gia châu Âu và Mỹ đã đạt tỉ lệ 70-80% công dân tiêm chủng phòng dịch nên dự báo nền kinh tế sớm được mở cửa trở lại, đây là cơ hội mới mở ra với các ngành công nghiệp, giao thông-vận tải, du lịch, hàng không. Đồng thời với triển vọng tăng việc sử dụng năng lượng, xăng dầu, điện, khí đốt. 

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, GDP Trung Quốc năm nay có thể tăng trưởng ở mức 8,5% thay vì mục tiêu 6% mà chính phủ nước này đề ra. Nền kinh tế Mỹ cũng sớm phục hồi sau đại dịch, sẽ là động lực chính cho sự phát triển kinh tế thế giới.

Tập đoàn Tài chính BoA nhận định, mùa Đông năm nay sẽ giá lạnh hơn nên châu Âu cần một lượng khí đốt lớn. Giá khí đốt tăng cao sẽ tạo ra xu hướng dịch chuyển tiêu thụ từ khí đốt sang dầu mỏ, làm tăng nhu cầu tiêu thụ dầu, đẩy giá dầu leo thang. Bằng chứng là, giá dầu thô tăng ở tuần thứ 6 liên tiếp trong tháng 9 và đầu tháng 10.

Giới chuyên gia Mỹ có 2 luồng nhận xét. Một là, dầu mỏ không thể tăng giá mạnh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu như hiện nay. Hai là, giá dầu không thể chạm mốc 100 USD/thùng và chỉ có thể đạt mốc 81 USD/thùng (tháng 2/2022), 88  USD/thùng (8/2022).

Tuy nhiên, người tiêu dùng châu Âu không khỏi lo ngại khi giá nhiên liệu tăng chóng mặt và mùa Đông giá lạnh cũng đang đến gần. Ngày 4/10, Bộ trưởng Tài chính các quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Euro zone) nhóm họp tại Luxembourg để xem xét về cuộc khủng hoảng năng lượng, khiến tỷ lệ lạm phát trong khu vực đồng Euro tăng lên 3,4% vào tháng 9/2021. Chủ tịch Euro zone P.Donohoe cho rằng, giá năng lượng tăng cao chỉ là tạm thời, đồng thời đề ra hàng loạt biện pháp đối phó với giá khí đốt và giá điện tăng kỷ lục, trong đó có sáng kiến về việc lập kho dự trữ khí đốt chiến lược, tách giá điện khỏi giá khí đốt. EU quyết định triệu tập Hội nghị thượng đỉnh vào 21-22/10, trong đó có vấn đề năng lượng.

Hiện, EU đang tiếp nhận phần lớn nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga. Năm 2020, Nga cấp 43,4%, Na Uy 20% trữ lượng khí đốt tự nhiên cho EU. Năm nay, dự báo Moskva sẽ tăng hơn về sản lượng khi Dòng chảy phương Bắc-2 công suất 55 tỉ m3 khí/năm được đưa vào vận hành. 

Ngày 4/10 vừa qua, Ủy ban giám sát Bộ trưởng hỗn hợp (JMMC) của liên minh OPEC+ nhóm họp trong bối cảnh giá dầu tăng cao nhất trong 3 năm qua. Cuộc họp ngắn, kết thúc bằng khuyến nghị các Bộ trưởng bám sát kế hoạch hiện tại và giảm bớt 400.000 thùng/ngày từ tháng 11 tới. 

Vậy là, OPEC+ vẫn nhất quán với chính sách của mình, kiên trì cắt giảm sản lượng khai thác để giữ giá dầu mỏ. OPEC+ đã lựa chọn một kịch bản có lợi và an toàn hơn, bất chấp các cảnh báo về sự thâm hụt giữa nguồn cung và cầu thế giới. 

Quyết định này có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa các nước tiêu thụ năng lượng lớn như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu. Bởi lạm phát chi phí năng lượng có thể làm ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của mỗi nước và nhóm sản xuất mở rộng, kiểm soát hơn một nửa nguồn cung toàn cầu. 

“Với quyết định này, OPEC+ có thể chứng kiến giá dầu tăng cao hơn bất chấp lo ngại về cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng sâu sắc ở châu Âu, châu Á. Câu hỏi đặt ra cho chính quyền của Tổng thống J.Biden là liệu họ có muốn kêu gọi Arab Saudi làm nhiều hơn nữa để giúp giảm giá dầu xuống hay không?”-H.Crofi, Giám đốc RBC Capial Markets nhận xét. 

Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng J.Psaki nói: “Mỹ đã liên lạc với các nhà sản xuất OPEC+ về một giải pháp thỏa hiệp để cho phép những đề xuất tăng sản lượng được đề xuất trong tương lai”. 

Phát biểu với báo chí sau cuộc họp OPEC+, Phó Thủ tướng Nga A.Novak (5/10) cho biết: Giá dầu leo lên mức 82 USD/thùng, chứng tỏ “thị trường luôn phản ánh một cách khách quan tình hình hiện tại”. Hiện, thị trường đang cân bằng và phản ánh đúng cung-cầu. OPEC+ không có ý định bơm thêm dầu để cứu giá. 

Trước những cáo buộc của Mỹ và một số nước châu Âu, đổ lỗi cho Nga cắt giảm lượng cung khí đốt, tạo cơn sốt giá, Moskva và các nhà cung cấp khí đốt Nga khẳng định, việc tăng giá là do các nhà phân phối châu Âu, Nga đã đáp ứng đầy đủ lượng khí đốt theo hợp đồng. Các doanh nghiệp Nga bán khí đốt cho các nhà phân phối theo hợp đồng dài hạn, giá cả thống nhất theo giai đoạn nên giá tăng đột xuất chỉ mang lại lợi ích cho nhà phân phối châu Âu. 

Hiện, Chính phủ Nga và Đức đang nỗ lực đưa Dòng chảy phương Bắc-2 vào vận hành, tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu, bất chấp các tác động, gây trở ngại từ nhiều quốc gia khác. 

NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ