A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Căng thẳng xung quanh G20 và tái thiết Ukraine

 

QPTĐ-Tuần qua, dư luận thế giới hướng sự chú ý về mối quan hệ giữa Mỹ, phương Tây và Nga xung quanh Hội nghị tái thiết Ukraine tổ chức ở Thụy Sĩ (ngày 4/7) và Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tổ chức ở Bali (Indonesia) trong 2 ngày 7-8/7. Trùng khớp với dự đoán của giới báo chí, tại hai hội nghị trên, tiếp tục xảy ra tranh cãi nảy lửa, do những bất đồng, quan điểm trái ngược nhau giữa một bên là Mỹ, phương Tây, phía kia là Nga, kể cả quan hệ Mỹ-Trung.  

Hội nghị G20 xảy ra tranh cãi nảy lửa do bất đồng quan điểm giữa Mỹ, phương Tây và Nga. (Ảnh: Internet)

Dự Hội nghị G20, Ngoại trưởng Mỹ A.Blinken đến Bali ngày 6/7 nhưng không có chương trình gặp Ngoại trưởng Nga S.Lavrov. Bên lề Hội nghị, ông A.Blinken gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Đây là cuộc tiếp xúc cấp cao nhất giữa hai quan chức Mỹ-Trung (sau 4 năm) kể từ giữa nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ D.Trump kế đến Tổng thống đương nhiệm J.Biden. 

Trước đó (5/7), có cuộc trao đổi trực tuyến giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ J.Yellen xung quanh việc Mỹ cắt giảm thuế quan hàng hóa Trung Quốc để chống lại nền kinh tế nước này đang lạm phát cao, trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ nước Mỹ vào tháng 11 tới. 

Tại G20, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố, ủng hộ nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm mở lại các tuyến đường biển vận chuyển ngũ cốc Ukraine. Mỹ cáo buộc Nga ngăn chặn các tàu chở lương thực của Kiev và các nước. Đồng thời, đưa ra sáng kiến về an ninh năng lượng, cố gắng đưa lương thực, thực phẩm và phân bón của Ukraine và Nga trở lại thị trường thế giới. 

Mấy ngày trước đó, phát biểu trực tuyến tại Hội nghị tái thiết Ukraine do Thụy Sĩ đăng cai (4/7), Thủ tướng Ukraine D.Shmygal cho biết, thiệt hại trực tiếp về cơ sở hạ tầng nước này do chiến dịch quân sự của Nga lên đến hơn 100 tỉ USD. Kiev cần 750 tỉ USD tái thiết đất nước gồm 3 giai đoạn và đề nghị, “số tài sản bị tịch thu từ các nhà tài phiệt Nga sẽ là nguồn tài chính chủ yếu cho kế hoạch tái thiết Ukraine” sau chiến sự, cũng như để trả cho những thiệt hại mà các nước khác phải gánh chịu-Ông D.Shmygal nói. 

Hiện, Mỹ và phương Tây đang phong tỏa vàng, ngoại tệ của Nga tại các ngân hàng trị giá khoảng 330-500 tỉ USD, đồng thời áp đặt hơn 5.500 biện pháp trừng phạt Moskva. Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine (24/2), Liên minh châu Âu (EU) tung ra  6 gói trừng phạt nhằm vào Nga. 

Nga và Ukraine là những quốc gia xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, trong đó Nga dẫn đầu về xuất khẩu lúa mì, phân bón; Ukraine dẫn đầu về xuất khẩu ngô, dầu hướng dương. Kiev đang tồn đọng hơn 20 triệu tấn ngũ cốc bởi đường biển bị phong tỏa; vụ mùa tới thu thêm 50-70 triệu tấn nữa. Hàng năm, tổng xuất khẩu ngũ cốc, lúa mì của hai quốc gia này chiếm 1/4 nguồn cung thế giới. 

Với Nga, vụ này (7/2022-6/2023) có thể xuất khẩu 52 triệu tấn trong số hơn 130 triệu tấn ngũ cốc thu hoạch, 40 triệu tấn trong tổng số 85 triệu tấn lúa mì. Nếu nguồn cung lúa mì, ngũ cốc và phân bón từ Nga, Ukraine bị ngưng trệ, tình trạng khủng hoảng lương thực, thiếu vật tư nông nghiệp xảy ra, kéo theo nạn đói toàn cầu. 

Đứng trước những thông tin nhiễu loạn, đẩy cao căng thẳng quan hệ Nga và Mỹ, phương Tây, các quốc gia có nhiều phản ứng khác nhau xung quanh cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu, giá dầu, khí đốt tăng cao và nguy cơ thiếu lương thực toàn cầu bởi xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt.

Liên minh châu Âu (EU) áp lệnh trừng phạt, cắt giảm 90% lượng dầu mỏ từ Nga vào năm 2023. Hiện, nhiều quốc gia châu Âu gia tăng nhập khẩu dầu thô, khí đốt Nga trong khi Tập đoàn Dầu khí Nga phải bảo dưỡng kỹ thuật đường ống định kỳ 2 tuần (7/2022) cắt giảm 40% lượng khí đốt. 

Tổng thống Pháp E.Macron điện đàm với Tổng thống Nga V.Putin, đề xuất phương án thông qua một nghị quyết của Liên hợp quốc về xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ cảng Odessa, trong khi EU hỗ trợ Ba Lan phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine. Mỹ lên kế hoạch xây dựng hệ thống kho tàng giáp biên giới với các nước thuộc EU, NATO để tiếp nhận lương thực từ Kiev. 

Một số nước Đông Âu đề xuất thành lập đội tàu do NATO hộ tống vận chuyển ngũ cốc khỏi Ukraine, qua vùng biển đang bị Nga kiểm soát. Cùng với đó, Mỹ và phương Tây tiếp tục hỗ trợ vũ khí, hậu cần cho Kiev, tổng lượng hơn 28.000 tấn, trị giá hàng chục tỉ USD (từ tháng 2-7/2022). 

Sau Canada, Ngoại trưởng Anh L.Truss tuyên bố, sẵn sàng tịch thu tài sản của người Nga ở Anh, trao cho Ukraine, nhằm khắc phục hậu quả xung đột. Tuy nhiên, ý định của các nhà lãnh đạo phương Tây, thân Mỹ, ủng hộ Kiev, đang vấp phải những ràng buộc pháp lý, ít nhất Quốc hội nước đó phải sửa luật. 

Tháng 5 vừa qua, EU đề xuất một kế hoạch sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để tái thiết Ukraine. Nhiều quốc gia không ủng hộ, trong đó có Mỹ, Thụy Sĩ. Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, động thái này không hợp pháp, có thể tác động tiêu cực tới uy tín của Mỹ-quốc gia được xem là nơi giữ tài sản an toàn nhất thế giới. Thụy Sĩ cũng cảnh báo về tính phi pháp của kế hoạch này. 

Hiện, lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia REPO (bao gồm Mỹ, Đức, Pháp, Italy, Anh, Nhật Bản, Canada, Australia, EU) đã phong tỏa 30 tỉ USD của các cá nhân Nga trong danh sách trừng phạt, hơn 300 tỉ USD tài sản của Ngân hàng Nga cũng đang bị đóng băng (chủ yếu ở châu Âu, Ngân hàng Thanh toán quốc tế ở Thụy Sĩ).

Nga bác bỏ các cáo buộc của phương Tây về việc ngăn cản các tàu chở lương thực ra khỏi Ukraine và cho rằng, các cảng biển bị Kiev phong tỏa mìn, thủy lôi nên muốn giải phóng 70 tàu của 16 quốc gia nằm bờ mấy tháng qua thì Ukraine phải tháo gỡ mìn, rà phá thủy lôi. 

Điện Kremlin cho biết: Nga đang tìm biện pháp khả thi về mặt pháp lý để tịch thu tài sản của các công ty nước ngoài dừng hoạt động ở nước này để trả đũa. Tổng thống V.Putin tuyên bố: Việc phong tỏa, tịch thu tài sản của các thực thể Nga “là vi phạm chuẩn mực quốc tế, là ăn cắp tài sản của người khác, sẽ chỉ dẫn đến rắc rối cho những ai làm điều đó”. 

NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ