A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quan ngại bất ổn an ninh khu vực Trung Á

 

QPTĐ-Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) bao gồm các nước khu vực Trung Á do Nga dẫn đầu, diễn tập quân sự quy mô lớn ở Kyrgzstan (từ 7-9/9). Các cuộc diễn tập tập trung vào hoạt động “chống khủng bố, giả định tình huống tiêu diệt các nhánh vũ trang bất hợp pháp đã xâm nhập lãnh thổ của một quốc gia thành viên CSTO”. Trước đó (từ 10/8), Nga và Tajikistan, Uzbekistan tập trận quy mô lớn ở các thao trường ba nước, có địa điểm chỉ cách biên giới Afghanistan khoảng 20 km. 

Tình hình Afghanistan ngày càng bất ổn, Nga dồn dập tập trận ở Trung Á. (Ảnh: Internet)

Động thái trên của Nga và các nước Trung Á cho thấy, các quốc gia khu vực bày tỏ sự quan ngại về an ninh sau khi lực lượng nổi dậy Taliban nắm quyền kiểm soát (từ 15/8) ở Afghanistan, trong khi Mỹ tuyên bố, đã rút toàn bộ binh sĩ khỏi quốc gia Tây Nam Á này kể từ ngày 31/8. 

Mối lo ngại trên quả thật không thừa, khi nhóm khủng bố ISIS-K, Al-Qeada đánh bom cảm tử ở khu vực sân bay Kabul (ngày 26/8) khiến hàng ngàn người thương vong, trong đó có 13 binh sĩ Mỹ tử nạn, 15 lính thủy đánh bộ bị thương.

Theo đó (24/8), Bộ trưởng Quốc phòng Nga S.Shoigu cho rằng, một lượng lớn vũ khí Taliban thu giữ từ quân chính phủ không được kiểm soát, đây có thể là mối đe dọa lớn ở đất nước này. Vũ khí trôi nổi là cơ hội cho khủng bố xuất hiện khi thị trường vũ khí chợ đen khá sẵn. 

Trước đó, trong bài phát biểu trước dân chúng Nga (22/8), Tổng thống V.Putin cảnh báo về kịch bản các phần tử khủng bố ở Afghanistan có thể đóng giả là người tị nạn để xâm nhập các quốc gia khác. Điều này có thể gây thách thức cho cộng đồng quốc tế, bao gồm các nước láng giềng ở Trung Á quanh Afghanistan và thậm chí cả Nga-Ông V.Putin nói. Điện Kremlin cũng không giấu giếm quan ngại, Mỹ và NATO đã rút hết binh sĩ, sẽ có sơ hở về an ninh ở một phần sườn phòng thủ phía Nam và lo ngại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan lan rộng vào khu vực. Từ tuần cuối tháng 8 đến nay, vẫn sôi nổi diễn ra các cuộc thương thảo giữa các nước Trung Á đặt hàng mua vũ khí Nga phòng thủ đất nước. “Chúng tôi đang thực hiện nhiều đơn hàng từ các quốc gia trong khu vực nhằm mua trực thăng, vũ khí và hệ thống bảo vệ biên giới hiện đại từ Nga”-Chủ tịch Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga A.Mikheev nói với Hãng thông tấn RIA Novosti. 

Theo đó, những đơn hàng vũ khí này xuất phát từ yêu cầu của các nước thuộc Liên Xô (thế kỷ XX), nơi Moskva đang đặt căn cứ quân sự. Đồng thời, các nước láng giềng của Afghanistan cũng lo ngại tình hình an ninh bất ổn từ quốc gia trên có thể lan ra khu vực. 

Cũng trong tuần cuối tháng 8 vừa qua, tại Diễn đàn Kỹ thuật-Quân sự quốc tế Army (Moskva-2021), các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Nga đã ký hợp đồng xuất khẩu số lượng lớn vũ khí trị giá 6,6 tỉ USD, trong đó có nhiều chủng loại vũ khí, thiết bị quân sự tiên tiến, hiện đại. 

Các chuyên gia quân sự cảnh báo, Taliban nắm quyền, tình hình Afghanistan không dễ dàng trở lại ổn định bởi phe phái Hồi giáo này chưa được đa số cộng đồng quốc tế công nhận, trong đó có Mỹ và phương Tây; thậm chí, tổ chức vũ trang Taliban còn bị liệt vào danh sách khủng bố quốc tế. Khả năng xảy ra nội chiến trên đất nước này đang hiện hữu và nguy cơ, lãnh thổ nước này sẽ trở thành lãnh địa của các nhóm khủng bố quốc tế.
Sau 3 tuần quân nổi dậy Taliban chiếm thủ đô Kabul, Chính phủ hợp hiến Afghanistan của Tổng thống A.Ghani rời bỏ đất nước, đi sống lưu vong nhưng cựu Phó Tổng thống A.Saleh tự xưng là Tổng thống lâm thời, thành lập lực lượng Kháng chiến quốc gia Afghanistan (NRF) cố thủ ở tỉnh Panjshir, dài 115 km. NRF tuyên bố, có 6.000 tay súng thánh chiến, đã tiêu diệt 450-600 lính Taliban. “Chúng tôi không bao giờ đầu hàng chủ nghĩa khủng bố”-Ông A.Saleh tuyên bố và kêu gọi Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế lên án “tội ác chiến tranh” do Taliban gây ra khi chặn hỗ trợ nhân đạo, cắt điện, cắt đường dây viễn thông vùng Panjshir.

Taliban tuyên bố, đã quản lý toàn bộ đất nước. Các cuộc đàm phán với lực lượng kháng chiến NRF đổ vỡ, đối phương đang bị tổn thất nặng nề. Chỉ huy phe kháng chiến đã bỏ trốn sau khi không được chấp nhận điều kiện tham gia chính phủ mới. Tuy nhiên, không ai có điều kiện kiểm chứng tuyên bố của đôi bên. Ngày 4/9, Người phát ngôn Taliban tuyên bố, người đồng sáng lập lực lượng này, ông M.Baradar sẽ đứng đầu Chính phủ Afghanistan mới. Các thành viên chủ chốt chính phủ sẽ bao gồm các thủ lĩnh Hồi giáo Taliban cùng với 20 Bộ trưởng và một hội đồng tham vấn gồm 12 học giả Hồi giáo, tập trung khôi phục nền kinh tế đang suy sụp thảm hại, sau 20 năm chiến tranh khiến 240.000 thường dân thiệt mạng. 

Tuyên bố với báo giới (3/9), Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres cho biết, ông Tổng Thư ký sẽ có mặt ở Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 13/9, chủ trì một hội nghị cấp cao về viện trợ cho Afghanistan, gây quỹ nhân đạo cứu trợ người dân đất nước này. Liên hợp quốc hướng tới việc bảo vệ những thành quả phát triển ở Afghanistan và quyền phụ nữ trong tương lai ổn định đất nước.    

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ (5/9) cảnh báo, Afghanistan có khả năng rơi vào cuộc nội chiến, tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của các nhóm khủng bố quốc tế hoạt động mạnh lên ở quốc gia này.  Ủng hộ quan điểm của viên tướng Mỹ, Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg kêu gọi Nga, Trung Quốc dùng ảnh hưởng và có vai trò trong việc ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố ở Afghanistan, khi Mỹ và NATO không còn hiện diện ở đây. 

Có thông tin về việc Pakistan hỗ trợ Taliban tiếp quản Afghanistan, ông A.Saleh (5/9), thay mặt NRF lên tiếng: “Về mặt đạo đức, phương Tây đang nợ Afghanistan tất cả. Tôi yêu cầu họ cứu thể diện, nhân phẩm, danh tiếng và uy tín của chính họ”. Ông A.Saleh cáo buộc Cơ quan Tình báo Pakistan can thiệp vào đường lối chính trị của chính quyền Kabul. 

Hiện, nhiều quốc gia kêu gọi Taliban tuân thủ cam kết về an ninh, mở cửa hàng không hỗ trợ các chuyến bay nhân đạo cứu trợ người dân cũng như sơ tán công dân nước ngoài, người dân bản xứ muốn di cư khỏi đất nước.

  NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ