Philippines mua máy bay trực thăng tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ
QPTĐ-Philippines khẳng định sẽ mua 6 máy bay trực thăng T129B Atak của Tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ, để trang bị cho lực lượng không quân Philippines (PAF). Delfin Lorenzana, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines đã thông tin cho Cơ quan thông tấn nhà nước Philippines (PNA) về việc chuyển giao máy bay T129B Atak sẽ được tiến hành vào quý 3/2021.
Philippines mua máy bay trực thăng T129B Atak của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Delfin Lorenzana, Bộ Quốc phòng Philippines đã phân bổ khoản ngân sách 286,6 triệu USD cho chương trình máy bay trực thăng tấn công và cho rằng, chúng sẽ tăng cường khả năng chiến đấu cho lực lượng máy bay cánh quay của không quân Philippines, hiện đang sử dụng máy bay trực thăng MD520MG và AW109E. Máy bay trực thăng T129B Atak sẽ tăng cường khả năng chi viện cho lực lượng mặt đất và đối phó với lực lượng bạo loạn.
Arsenio Andolong, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines cho biết, 2 máy bay trực thăng T129B Atak đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển giao vào tháng 9/2021, số máy bay còn lại sẽ được chuyển giao thành 2 loạt năm 2022 và năm 2023. Không quân Philippines cũng thông báo sẽ gửi các phi công và kíp bảo đảm kỹ thuật của Trung đoàn không quân số 15 tới Thổ Nhĩ Kỳ để huấn luyện từ cuối tháng 5 đến tháng 8/2021.
Mặc dù Đoàn công tác kỹ thuật của không quân Philipin đã lựa chọn cấu hình máy bay 2 ghế lái, động cơ kép T129B Atak, phiên bản gốc được hãng AgustaWestland (của Italia và Anh) cấp phép sản xuất, dựa trên cấu hình máy bay trực thăng A129 Mangusta, trong chương trình máy bay trực thăng tấn công từ cuối năm 2018. Tuy nhiên, thương vụ này đã bị trì hoãn do qui định hạn chế xuất khẩu động cơ LHTEC CTS800-4A do Mỹ sản xuất.
Các quan chức của Tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ vừa mới thông tin cho báo chí rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đồng ý cấp phép xuất khẩu động cơ. Vì vậy, sản xuất máy bay trực thăng T129B Atak cho không quân Philippines có thể khởi động trong vài tháng tới.
Tháng 4/2020, Cục hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ (DSCA) công bố Philippines được phép mua 6 máy bay trực thăng Bell AH-1Z Viper hoặc Boeing AH-64E, bao gồm động cơ, vũ khí, vật tư và huấn luyện. Trị giá hợp đồng 1,95 tỷ USD. Mặc dù, Philippines chỉ có thể lựa chọn một trong hai loại máy bay này. Các nhà phân tích quốc phòng của Philippines cho rằng, giá thành mua sắm và chi phí hoạt động cho máy bay trực thăng do Mỹ sản xuất rất cao, nên lựa chọn khả thi của không quân Philippines là máy bay trực thăng T129B Atak.
Chương trình phát triển máy bay trực thăng T129B Atak nhằm đáp ứng các yêu cầu của các Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ về một máy bay trực thăng trinh sát tấn công và chiến thuật. Máy bay trực thăng T129B Atak được thiết kế cho các nhiệm vụ tấn công và trinh sát, hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao và địa hình phức tạp, ban ngày và ban đêm.
Theo thỏa thuận giữa Tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ và hãng AgustaWestland, phía Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phát triển một máy tính thực hiện nhiệm vụ nội địa, hệ thống điện tử hàng không, hệ thống vũ khí, các thiết bị tự bảo vệ và hệ thống giám sát gắn trên mũ phi công. Công ty Tusaþ Engine Industries (TEI) sẽ sản xuất động cơ LHTEC CTS800-4N theo giấy phép của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ có toàn quyền tiếp thị và sở hữu trí tuệ đối với máy bay trực thăng nguyên bản T129B Atak.
Đình Tùng