Bảo vệ chủ quyền biển Đông theo luật pháp quốc tế
Phản đối Trung Quốc xây dựng mạng lưới do thám biển Đông
Người phát ngôn ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: Internet)
Phát biểu với báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao về việc Trung Quốc tiếp tục có hành động đưa tàu chiến, máy bay chiến đấu đến Hoàng Sa, xây dựng mạng lưới do thám ở biển Đông, sửa đổi quy tắc kỹ thuật để kiểm tra hoạt động tàu biển nội địa; Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Mọi hoạt động ở khu vực này mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vô giá trị và không lợi cho hòa bình, an ninh, ổn định khu vực. Việt Nam kiên quyết phản đối các hoạt động phi pháp của Bắc Kinh.
Trung Quốc đề cử một ứng viên vào vị trí Thẩm phán Tòa Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), bị Mỹ phản đối với lý do, Trung Quốc đã phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực LHQ (PAC) về biển Đông năm 2016. Phát biểu tại Hội thảo biển Đông thường niên lần thứ 10 tại Trung tâm CSIS (tháng 7 vừa qua), Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ D.Stilwell nói: “Bầu chọn ứng cử viên Trung Quốc cho cơ quan này giống như thuê một kẻ cố tình phóng hỏa để điều hành Sở Cứu hỏa. Liệu một thẩm phán Trung Quốc nếu được bầu vào Hội đồng thẩm phán ITLOS sẽ giúp thúc đẩy hay kéo lùi Luật Biển quốc tế. Với những hành động của Bắc Kinh thời gian qua, câu trả lời là rõ ràng”. Ông D.Stilwell lưu ý việc Trung Quốc bác bỏ phán quyết của Tòa PAC năm 2016 về vụ Philippines kiện Trung Quốc đưa ra yêu sách phi lý về chủ quyền ở biển Đông. Tòa PAC và ITLOS đều được thành lập theo Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.
Tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ M.Pompeo điện đàm với người đồng cấp Singapore V.Balakrishnan tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ với các quốc gia Đông Nam Á trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích của các nước trên biển Đông theo luật pháp quốc tế. Ngoại trưởng Singapore cũng khẳng định lập trường của nước này là duy trì hòa bình và ổn định tại biển Đông, ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo các nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ điện đàm với Ngoại trưởng Indonesia R.Marsudi về quan hệ quốc phòng giữa hai nước và tình hình biển Đông, hai bên cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế về Luật Biển. Tuần qua, dư luận hết sức quan tâm việc Trung Quốc triển khai các máy bay tiêm kích đến căn cứ đá Subi (quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị chiếm đóng) trong khi Mỹ và các đồng minh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang chuẩn bị cuộc tập trận “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC) từ 17-31/8.
Kiều Ngọc