Nga và NATO đối đầu ở Biển Đen
QPTĐ-Trong tuần qua, khu vực Biển Đen dậy sóng khi Mỹ và khối quân sự NATO tuyên bố, điều động hàng chục chiến hạm đến Biển Đen tập trận, hậu thuẫn cho Ukraine trước “mối đe dọa của Nga”. Được biết, Biển Đen là “sân nhà” của Moskva. Nơi đây có đại bản doanh của Hạm đội Biển Đen (Nga).
Khu trục hạm Mỹ USS Roosevelt đi qua eo biển Bosphorus (Thổ Nhĩ Kỳ) trong lúc trở về từ biển Đen hồi tháng 10.2020. (Ảnh: Internet)
Đáp lại, Nga tuyên bố, tập trận quy mô lớn, dài ngày; hạn chế các tàu quân sự, tàu treo cờ nước ngoài tại một số khu vực ở Biển Đen, từ 24 giờ ngày 24/4 đến 24 giờ ngày 31/10/2021. Đồng thời, điều động binh sĩ và vũ khí, khí tài, chủ động phòng vệ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Vì đâu mối quan hệ Mỹ, NATO, Ukraine và Nga là căng thẳng như vậy?
Từ lâu, Mỹ và phương Tây xác định, Nga là đối thủ cạnh tranh số 1 ở châu Âu với chiêu trò tuyên truyền “mối đe dọa xâm lược từ Nga?” Điểm nổ bùng phát từ đầu năm 2014 khi diễn ra cuộc Cách mạng Màu, biểu tình đường phố Maidan ở Ukraine rồi sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ (3/2014).
Mỹ và phương Tây đồng loạt cấm vận Nga, Moskva ra đòn đáp trả. Những đòn cấm vận “ăn miếng trả miếng” lẫn nhau giữa các quốc gia trên, từ năm 2014, vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Sau 100 ngày Tổng thống Mỹ J.Biden cầm quyền (từ 20/1), mối quan hệ Nga-Mỹ không được cải thiện như mong đợi. Chính phủ của ông J.Biden ra tuyên bố cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, Moskva “vi phạm nhân quyền”, “đầu độc” nhà lãnh đạo đối lập Nga A.Navaluy, “đe dọa an ninh châu Âu”. Mỹ đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt, cấm vận nhằm vào Nga.
Gần đây nhất (16/4), Mỹ tuyên bố, áp lệnh trừng phạt lên 32 cá nhân, tổ chức và 6 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ Nga, trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga “hoạt động an ninh”. Hùa theo đồng minh Mỹ; Ba Lan, Czech ra lệnh trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Anh triệu tập Đại sứ Nga tại London cảnh báo, Điện Kremlin “vi phạm nhân quyền”?
Cùng thời điểm nóng bỏng này, một số tướng lĩnh Ukraine kêu gọi “lấy lại Crimea bị tạm chiếm”, “giải phóng vùng miền Đông Donbass”. Chính phủ Kiev không ngừng theo đuổi chính sách “gần Mỹ, xa Nga”, kỳ vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và NATO. Đại sứ Ukraine tại Đức A.Meluyk tuyên bố: Chỉ gia nhập NATO, Ukraine mới bảo vệ được lãnh thổ trước nguy cơ xâm lược của Nga. Nếu không được vào NATO, Kiev sẽ phát triển vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ mình.
Và bộ máy chính quyền ở Kiev không nói để chơi! Ukraine đã thuyết phục được Mỹ hậu thuẫn 2 gói tài trợ trị giá 125 triệu USD và 150 triệu USD bao gồm vũ khí, thiết bị quân sự, hậu cần, huấn luyện; trong đó có tên lửa chống tăng Javelin. Trước đó, Quốc hội Mỹ cấm, không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, e ngại sự phản đối của Moskva, gia tăng căng thẳng quan hệ Nga-Mỹ?
Kiev cũng nhận được sự ủng hộ của phương Tây và NATO, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ; được hỗ trợ về hậu cần, kinh tế, vũ khí, khí tài chiến tranh của các nước thành viên NATO khác ở châu Âu.
Ukraine đưa ra tuyên bố gây sốc, Nga đã huy động 130-150 ngàn binh sĩ cùng hàng ngàn các khí tài quân sự đến biên giới, chỉ cách Ukraine 10-40 km. Báo chí Đức đưa hình ảnh một doanh trại của Nga ở Crimea, áp sát Ukraine, có hàng ngàn khí tài quân sự trong đó có xe tăng, pháo tự hành, xe chiến đấu, hệ thống công sự như “một thành phố quân sự”.
Liền sau đó, Ngoại trưởng các nước G-7, được phát đi tại Bộ Ngoại giao Anh, quan ngại trước việc điều động binh lực quy mô lớn của Nga, gần Ukraine “mà không báo trước là hành động đe dọa, gây mất ổn định”.
Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu (EUCOM) đã nâng cấp cảnh báo rủi ro từ “khủng hoảng có thể xẩy ra” thành “khủng hoảng tiềm năng xảy ra trong tương lai gần” trước các động thái của Nga.
Được sự khuyến khích của Mỹ và NATO, Quân đội Ukraine huy động hàng chục ngàn binh sĩ, hơn 400 xe tăng, xe bọc thép cùng các loại pháo hạng nặng đổ về khu vực miền Đông, hòng tấn công tiêu diệt lực lượng nổi dậy ở 2 khu vực ly khai Donnesk và Lugansk (được cho là phái thân Nga). Xung đột khu vực này, từ năm 2014, đã khiến 14.000 người tử vong, hàng triệu người mất nhà cửa, phải sống lưu vong. Biến động chính trị ở Ukraine trở nên căng thẳng, bất ngờ.
Cuối tháng 3 vừa qua, Lầu Năm Góc thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ, các tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Dardanelles và eo biển Bosphorus để tiến vào khu vực Biển Đen và hoạt động ở vùng biển này đến hết ngày 4/5. Một số nước thành viên NATO, trong đó có Anh, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố, sẽ đưa chiến hạm đến Biển Đen tập trận theo đề nghị của Mỹ và Ukriane. Chính quyền Kiev tuyên bố, sẽ tập trận với NATO trên lãnh thổ và Biển Đen, dự kiến diễn ra trong tháng 5, sau đó được hoãn lại vào cuối năm nay. Biển Đen trở thành điểm nóng!
Giới chuyên gia quân sự bình luận, mục đích của Mỹ đưa chiến hạm đến Biển Đen dường như là sự ủng hộ nhiệt thành đến lời kêu cứu của Ukraine, là gửi một thông điệp đến Nga, chứ chưa hẳn là sự lựa chọn tốt nhất có thể răn đe Nga? Bởi NATO cũng biết, sức mạnh hỏa lực khủng khiếp của Nga ở khu vực này.
Trước các động thái của Mỹ và NATO, Đại tướng S.Shoigu, Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố, đưa lực lượng vũ trang Nga vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao khi NATO điều động 40.000 binh sĩ và 15.000 thiết bị quân sự đến gần biên giới Nga.
Ngày 20/4, Hải quân Nga thông báo, đang có hơn 20 tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen và 3 phi đội máy bay cường kích Binh chủng Phòng không-Không quân Quân khu Phương Nam tham gia các cuộc tập trận ở Biển Đen. Tuần trước đó, hơn 50 máy bay Su-25SM3 của Quân khu Phương Nam đã tập kết ở Crimea tham gia tập trận. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, nhiều tàu đổ bộ thường dùng cho các chiến dịch tấn công tham gia tập trận; đồng thời, các máy bay tiêm kích đã huấn luyện sử dụng tên lửa tấn công mục tiêu và né tránh các đợt tấn công từ hệ thống phòng không của các tàu chiến.
Họp với các tướng lĩnh cấp cao Nga (20/4), Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng S.Shoigu tuyên bố: Nga trang bị sớm tên lửa siêu thanh Zicon trên chiến hạm và tàu ngầm trong năm 2021 vì tình hình mới.
HÀ NGỌC