A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỹ từ chối gia hạn START-3, vì sao?

 

QPTĐ-Sau 3 vòng đàm phán Nga-Mỹ ở cấp Thứ trưởng không tìm được tiếng nói chung, Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) đứng trước nguy cơ bị xé bỏ vào đầu năm mới 2021. 

Theo đó, START Nga-Mỹ được ký kết năm 2010, có hiệu lực từ năm 2011 và sẽ hết hạn vào 5/2/2021. START quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí tấn công chiến lược của mình trong 7 năm kể từ ngày Hiệp ước có hiệu lực và trong tương lai, tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và dùng cho máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn, 800 bệ phóng tên lửa đã triển khai và chưa triển khai. Hiệp ước cũng bắt buộc Nga, Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng 2 lần/mỗi năm. Hiện, START được gọi với tên mới là START-3 hoặc New START.

Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Nga. (Ảnh: Internet)

Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí tấn công chiến lược cuối cùng giữa Nga và Mỹ, sau khi Mỹ đơn phương tuyên bố hủy Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân chiến lược tầm trung (INF) Nga-Mỹ vào tháng 8/2019. Sau đó, Nga cũng tuyên bố, chấm dứt thực thi INF. 

Để cứu vãn tình hình, Tổng thống Nga V.Putin (16/10) đề xuất với Tổng thống Mỹ D.Trump về việc gia hạn Hiệp ước START-3 mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào, thêm ít nhất 1 năm, để có thể tiến hành cuộc đàm phán thực chất về tất cả các tham số. 

Ngày 20/10, Bộ Ngoại giao Nga đã gửi công hàm cho phía Mỹ về yêu cầu này. Moskva sẵn sàng cùng với Washington thực hiện cam kết chính trị về việc đóng băng trong một thời gian nhất định các đầu đạn hạt nhân mà hai bên đang sở hữu, nhưng lập trường này chỉ có thể được thực hiện nếu Mỹ không đưa ra các yêu cầu bổ sung-Công hàm nêu rõ. 

Tuy nhiên, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí hạt nhân M.Billingslea tuyên bố từ chối gia hạn START-3 theo đề xuất của Nga. Sau đó, phía Mỹ đưa ra yêu cầu, đồng ý gia hạn Hiệp ước START mới, đổi lại, Nga phải đóng băng toàn bộ kho vũ khí hạt nhân. Đồng thời, Mỹ đề xuất thảo luận một hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân mới bao gồm 3 nước: Mỹ, Nga, Trung Quốc.

Lập tức, Bắc Kinh lên tiếng bác bỏ và nêu điều kiện, Trung Quốc chỉ tham gia đàm phán với Mỹ, nếu Mỹ giảm kho vũ khí hạt nhân của mình (khoảng 6.500 đơn vị) xuống bằng với Trung Quốc (khoảng 200-300 đơn vị). 

Theo ông M.Billingslea, hiệp ước hạn chế và cắt giảm về tên lửa Nga-Mỹ ảnh hưởng đến 90-92% trong số kho vũ khí hạt nhân của Mỹ trong khi chỉ ảnh hưởng đến 45% kho vũ khí của Nga, thậm chí là ít hơn. Vị chuyên gia hàng đầu về vũ khí hạt nhân Mỹ chỉ trích Moskva đang tăng cường tiềm lực vũ khí nhằm vào Khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. 

Việc Nhà Trắng không sẵn sàng ký gia hạn START-3 là do Mỹ muốn triệt tiêu kho vũ khí hạt nhân chiến thuật khổng lồ, vũ khí siêu thanh thế hệ mới, chiếm 55% kho vũ khí hạt nhân của Nga mà Mỹ đang bị lép vế. 

Được biết, Nga có khả năng tấn công hạt nhân toàn diện cả về chiến lược và chiến thuật; đồng thời, rất đa dạng cả về phương tiện phóng (từ tàu mặt nước, tàu ngầm, máy bay ném bom chiến lược, máy bay chiến đấu, silo trong lòng đất, tổ hợp xe chiến đấu cơ động trên mặt đất). 
Hiện, Nga chiếm ưu thế, áp đảo về so sánh lực lượng vũ khí hạt nhân chiến thuật so với Mỹ và có thể được sử dụng để giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh cục bộ hay chiến tranh khu vực. Nhưng vũ khí hạt nhân chiến lược thì không được phép sử dụng, kể từ sau vụ Mỹ ném bom nguyên tử gây tang tóc cho người dân Hirosima và Nagasaki (Nhật Bản) năm 1945. 

Ngoài ra, Mỹ cũng không muốn “để sổng” Trung Quốc-“đối thủ tiềm tàng” của Mỹ, chi ngân sách quân sự hàng năm, đứng thứ 2 thế giới (sau Mỹ), tự do phát triển tên lửa đạn đạo, vũ khí hạt nhân. Nếu tham gia Hiệp ước kiểm soát vũ khí tầm trung (INF) thì 90% số vũ khí của Bắc Kinh sẽ bị phá hủy. 
Lầu Năm Góc đưa ra kế hoạch phát triển tên lửa đạn đạo ICBM, vũ khí hạt nhân trị giá 95,8 tỉ USD và khoản ngân sách khổng lồ 1.500 tỉ USD trong những năm, tiếp theo nếu START-3 đổ vỡ.  

Thứ trưởng Ngoại giao Nga S.Rybakov tuyên bố, phản đối chiêu trò của Ông chủ Nhà Trắng không muốn cắt giảm kho vũ khí hạt nhân, thực chất chỉ là lấy lòng cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra 3/11 tới, đó là hành động “không thể chấp nhận được”.

Đầu tháng 10 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nga công bố hình ảnh vệ tinh vụ thử tên lửa Burevestnhik (Chim báo bão), sử dụng động cơ hạt nhân kích thước nhỏ cho phép tấn công các mục tiêu ở bất kỳ điểm nào trên trái đất. 

Tuần trước, Nga công bố video phóng thành công tên lửa Zircon từ kinh hạm Đô đốc Gorshkov trên Biển Trắng, bay xa 450 km trong vòng 4,5 phút (Mach-8). Trước đó, tên lửa siêu thanh Kinzhal (Mach 10-14) được phóng từ máy bay MiG-31 “Dao găm”, “Thiên Nga trắng” Tu-160; tổ hợp tên lửa siêu thanh Avangard (Mach 20-27) khiến Mỹ và NATO “mất ngủ”? 

Mấy năm qua, Nga đã thử nghiệm thành công ở Syria loại đạn đánh chặn thế hệ mới có tốc độ siêu thanh dành cho hệ thống phòng không S-300V4 có tầm bắn xa 400 km. Vậy là, cùng với S-400 (tên lửa Mach-14), S-300V4; Nga sở hữu hệ thống S-500, đạn đánh chặn siêu thanh thế hệ mới 77N6-H, 77N6-H1, có thể hạ gục mọi mục tiêu ở tầm xa 600 km, độ cao 200 km, tốc độ tên lửa đạt trên 7km/s; trong khi vũ khí siêu thanh Mỹ không thể bay nhanh hơn Mach 7-8 (nếu thử nghiệm thành công). 

“Về lĩnh vực vũ khí siêu thanh, Nga đã bỏ xa Mỹ tới 10 năm”-Chuyên gia vũ khí Nga S.Khatylev nhận xét. 

  NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ